Cần Thơ muốn cùng TP.HCM trở thành trung tâm chế biến – phân phối của cả đồng bằng sông Cửu Long

18/11/2022 11:04 AM | Xã hội

Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Cần Thơ – Nguyễn Văn Hồng, thì 2 mục tiêu phát triển lớn của tỉnh này trong tương lai là: khiến sự liên kết giữa các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trở nên thật chất – hiệu quả; và bắt tay cùng TP.HCM, biến mình thành trung tâm chế biến – phân phối của cả vùng.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2 - TP Cần Thơ. Ảnh: baocantho.com.vn
Chế biến cá tra xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Trà Nóc 2 - TP Cần Thơ. Ảnh: baocantho.com.vn

Theo kết quả nghiên cứu trong Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL công bố mới đây, khu vực đồng bằng có tốc độ tăng trưởng giảm sâu từ 7,14% trong năm 2019 xuống còn 2,42% trong năm 2020 - thấp hơn đáng kể so với bình quân 2,9% của cả nước. Đến năm 2021 rơi tiếp xuống -0,43%, thấp hơn mức tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước (+ 2,26%). Trong đó, năm 2021, cả nước có 9 địa phương tăng trưởng âm, riêng ĐBSCL chiếm tới 6.

Điểm sáng trong phát triển đến từ khu vực nông nghiệp của ĐBSCL, có mức tăng trưởng mạnh (3,4%), cao so với mặt bằng chung của cả nước. Trong đó, xuất khẩu nông thủy sản của vùng đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho Việt Nam.

Dù vậy, theo các chuyên gia, ngành nông nghiệp không đủ sức vực dậy nền kinh tế vùng ĐBSCL vì khu vực công nghiệp và dịch vụ chiếm tới hơn 70% GRDP của vùng đều tăng trưởng âm.

mekong-connect1.jpg

Ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch Cần Thơ

Điểm sáng lớn nhất của ĐBSCL trong hai năm 2020-2021 là nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản của vùng, đóng vai trò then chốt trong việc duy trì thặng dư thương mại cho cả nước.

Tuy nhiên, trong dài hạn, tăng trưởng và thịnh vượng kinh tế không đến từ nông nghiệp mà đến từ sự chuyển đổi cơ cấu sang công nghiệp và dịch vụ. Vì vậy, nhận diện rõ nét và từng bước tháo gỡ những nút thắt cản trở sự phát triển công nghiệp và dịch vụ của ĐBSCL là điều kiện cần thiết để có thể phát triển vùng đất này.

Ngoài ra, chúng ta còn có Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg ngày 28/2/2022. Đây như một cơ chế có tính pháp lý từ bên trên, có tiềm năng tạo ra và thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng.

Bản quy hoạch này sẽ tác động một cách toàn diện đến nền kinh tế của vùng, đặc biệt đối với chuyển đổi nông nghiệp, hệ thống cơ sở hạ tầng và logistics. Để có thể triển khai những định hướng mới của Quy hoạch tích hợp, đòi hỏi nhiều điều kiện có tính tiền đề, trong đó quan trọng nhất là các lãnh đạo địa phương phải thay đổi cơ bản về tư duy và tầm nhìn phát triển; phải xây dựng được thể chế quản trị và liên kết vùng thực chất, có hiệu lực...

Có thể nói, đây chính là những động lực mới để các tỉnh ABCD nói riêng và ĐBSCL có thể bứt phá sau Covid-19 ”, ông Nguyễn Văn Hồng - Phó Chủ tịch Cần Thơ chia sẻ trong sự kiện họp báo giới thiệu hội nghị Mekong Connect 2022.

mekong-connect2.jpg

Sự kiện thường niên Mekong Connect trong năm nay có chủ đề “Chủ động nâng chất lượng liên kết, tích hợp để phát triển bền vững”; được tổ chức bởi Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre – Cần Thơ - Đồng Tháp), TP.HCM và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (Hội DN HVNCLC). Sự kiện diễn ra trong hai ngày 23 và 24 tháng 11, tại Khách sạn Mường Thanh – TP.Cần Thơ.

Ở khía cạnh khác, theo lãnh đạo của Cần Thơ, vì thổ nhưỡng của Cần Thơ và các tỉnh trong vùng khá giống nhau, những cây trồng thế mạnh của họ cũng là thế mạnh của nhiều tỉnh lân cận; nên họ không muốn tiếp tục làm theo cách cũ - tập trung vào nông nghiệp. Sắp tới, Cần Thơ muốn liên kết với TP.HCM để trở thành trung tâm chế biến – phân phối của cả đồng bằng sông Cửu Long

Cần Thơ sẽ phát triển nhiều nhà máy cũng như kho bãi – logistics để bao tiêu sản phẩm cho các hàng xóm, sau đó vận chuyển sản phẩm về TP.HCM để phân phối khắp toàn quốc lẫn xuất khẩu. Họ sẽ cố nâng dần chất lượng sản phẩm chế biến từ nông sản để có thể xuất khẩu đến những thị trường khó tính, để vừa dần nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp vừa phát triển bền vững.

Cũng nhân dịp Mekong Connect 2022, Cần Thơ sẽ mời các hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM về thành phố này tham quan các nhà máy, xưởng chế biến và nông hộ; để giúp hàng hóa của các nhà sản xuất tại Cần Thơ và ĐBSCL có thể đi xa hơn nữa.

Quỳnh Như

Cùng chuyên mục
XEM