Cận Tết Nguyên đán, rao bán bất động sản ngộp sôi động

19/01/2023 10:00 AM | Kinh doanh

Thực tế hiện nay, trên nhiều trang, nhóm mua bán bất động sản hay cả những nhóm hoạt động ở lĩnh vực khác cũng đăng tải rao bán bất động sản ngộp khá sôi động. Thế nhưng, người đang bán thì nhiều nhưng người tìm hiểu, hỏi mua thì không thấy đâu.

Cận Tết Nguyên đán, rao bán bất động sản ngộp sôi động - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm cũ bước sang năm Quý Mão 2023 (theo Âm lịch), kỳ nghỉ Tết dài cũng chuẩn bị bắt đầu. Do đó, những ngày cuối năm, mọi người tập trung hoàn thành những công việc còn dang dở và gấp rút lo sắm Tết. Mọi mặt hàng thiết yếu phục vụ cho dịp Tết vô cùng nhộn nhịp. Bên cạnh đó, cũng có một mặt hàng cũng được rao bán nhộn nhịp vào những ngày sát Tết bất chấp những tháng qua thị trường của mặt hàng này trầm lắng. Đó là bất động sản ngộp.

Thực tế hiện nay, trên nhiều trang, nhóm mua bán bất động sản hay cả những nhóm hoạt động ngoài lĩnh vực này cũng đăng tải rao bán bất động sản ngộp sôi động.

Một tài khoản tên T.N rao: “Hàng ngộp đây nhưng không phải ngộp theo kiểu bị mua đỉnh rồi cắt giảm 50-70% mà ngộp của mình là mua giá siêu rẻ nên có quyền tự quyết. Giá ngộp chỉ bằng 50% so với giá các hộ dân bán hiện tại. Lô đất 2 mặt thoáng, xe ô tô vào tận đất. Cách dự án Green Valley 200m, cách cao tốc 500m. Lô đất nằm gần trục đường liên kết cao tốc Hòa Bình - Hà Nội, đất Mông Hóa đã thuộc TP Hoà Bình. Diện tích tổng 9.000m2. Giá 1.5tr/1m2. Xem đất xong ưng chỉ cần cọc, 2 tháng sau cấp sổ mới sang tên. Hoặc mua 1/2 đất mình cũng bán, miễn có tiền mua đào Tết cho gia đình và trả nợ”.

Hay một tài khoản khác đăng tải: “Nhà em cũng có nhà cắt lỗ, nhà tại khu đô thị Duyên Thái, Thường Tín. Diện tích 65,4m2 x 4 tầng, 4 phòng ngủ.  Đất ở đô thị, cách bến xe nước ngầm 6,5km, cách Quốc lộ 1A cũ 100m, đường trước cửa nhà 2 ô tô tránh nhau. Nội thất thực sự chất lượng chỉ thiếu giường, tủ là về ở được. Nhà có thể buôn bán hoặc làm công ty mở văn phòng được. Ngôi nhà này thật sự rất lý tưởng với tôi, nhưng có một số lý do kinh tế tôi cần có giao dịch để có tiền mặt ở thời điểm này. Tôi sang nhượng lại cho các anh chị có nhu cầu ở - đầu tư. Nếu anh chị nào thiện chí, tôi xin nhượng lại giá 4,8 tỷ. Tôi đã giảm so với giá trên hợp đồng cũ mua rất nhiều. Anh chị có nhu cầu thực tôi minh bạch cả hợp đồng mua trước”.

Chủ của những bất động sản này còn mạnh tay trích 1% hay 50-100 triệu đồng/giao dịch thành công cho nhóm để làm quỹ duy trì. Tuy nhiên, người rao bán hàng ngộp rất nhiều nhưng phía người mua thì không có mấy ai quan tâm, tìm hiểu ở thời điểm này.

Hiện nay, hầu như ở các phân khúc bất động sản từ đất nền, biệt thự, nhà liền kề, chung cư đều xuất hiện tình trạng bán hàng “ngộp”.

Theo nhận định chuyên gia của DKRA, gần đây, ở phân khúc căn hộ, chủ đầu tư áp dụng chính sách chiết khấu thanh toán nhanh lên đến trên 40% giá niêm yết nhằm kích cầu thị trường cũng như nhanh chóng thu hồi dòng tiền, đảm bảo hoạt động vận hành doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ vẫn thấp. Ở phân khúc nhà phố, biệt thự, sức mua rất khiêm tốn. Ở thị trường thứ cấp, các nhà đầu tư bị áp lực về tài chính chấp nhận hạ giá bán, cắt giảm lợi nhuận, sẵn sàng chiết khấu thêm cho khách hàng giao dịch nhanh chóng, mức giảm phổ biến 10% - 18% so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên rất khan hiếm giao dịch thành công.

Theo thống kê của chuyên trang Chợ Tốt Nhà, đang có khoảng 3 - 8% lượng nhà, đất ở TP.HCM được bán giảm giá mạnh do chủ gặp khó khăn về tài chính. So với đầu năm 2022, lượng tin đăng bán nhà, đất “ngộp” tăng lên gần gấp đôi, nhiều nhất là ở huyện Củ Chi và quận Bình Thạnh, chiếm khoảng trên 10% lượng cung nhà, đất ở TP.HCM. Tuy nhiên, dù được gắn mác là nhà “ngộp” nhưng giá bán trung bình theo vẫn rất cao, bình quân trên 90 triệu đồng/m2. Do đó, mức độ quan tâm của khách hàng vẫn rất thấp.

Mặc dù thông tin rao bán bất động sản “ngộp” tràn lan khắp nơi, nhưng thực chất bất động sản đó có “ngộp” hay không thì nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ. Gợi ý về cách xác thực bất động sản có “ngộp” hay không, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho hay, khi chưa đến thực địa, nhà đầu tư có thể tìm hiểu giá thông qua các báo cáo dữ liệu về thị trường, xem lịch sử thông tin giá bất động sản ở khu vực định đầu tư. Tham khảo giá giai đoạn 3-6 tháng trước xem mặt bằng giá là bao nhiêu và hiện giá bao nhiêu.

Vị này chia sẻ thêm, cách khác là xuống thực địa tìm hiểu từ người dân xung quanh khu đất đang bán, tìm hiểu qua phòng công chứng để xem giá trước đây và bây giờ.

Theo ông, bất động sản “ngộp” là phải cắt giá khoảng 10-20%, thậm chí là 30% so với giá trị giao dịch trung bình trong khoảng thời gian 3-6 tháng trước. Đó cũng là tín hiệu để người mua có thể tham khảo.

Có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư bất động sản, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty đầu tư Bất Động Sản Việt An Hòa cũng đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư để nắm bắt tình trạng bất động sản.

“Khi đã xác định được sản phẩm muốn mua hãy dành 2 tuần để quan sát. Bên cạnh việc khảo sát mặt bằng giá ở khu vực, hay chú ý đến mức giảm giá của sản phẩm. Nếu thấy mức điều chỉnh giá từ 3-7% trong thời gian này thì khả năng cao chủ đang đang “ngộp” có nhu cầu thoát hàng nhanh”, ông Quang cho biết.

Ngoài ra, ông Quang cũng khuyến cáo nhà đầu tư không nên tìm kiếm dàn trải mà tập trung vào các loại bất động sản sát trung tâm nhằm hạn chế rủi ro. Pháp lý của sản phẩm cũng là một yếu tố nhà đầu tư nên tìm hiểu trước khi đưa ra quyết định.

Theo Phương Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM