Càn Long khắc nghiệt với con cái ra sao mà khiến các hoàng tử không chết thì cũng ngẩn ngơ, có người giả điên để tránh tai họa đổ xuống đầu

24/11/2022 15:59 PM | Sống

Vua Càn Long có 17 vị hoàng tử nhưng có tới 12 người chết từ rất sớm do bệnh tật và nhiều nguyên nhân khác. Trong đó, nhiều người vì quá sợ cha mà qua đời.

Hoàng đế là người vô tình nhất thiên hạ và chắc chắn Càn Long là một minh chứng hùng hồn nhất. Song, nhìn chung về một gia đình chính trị thì mọi xuất điểm đều là từ việc gia tăng quyền lực chứ không phải tình cảm.

Từ sự kiện "cửu tử đoạt đích" trong thời Khang Hy, Càn Long càng cảnh giác cao độ và mở ra chế độ quản giáo với áp lực vô cùng cao dành cho các hoàng tử.

Tuy rằng chế độ này đã tránh được bi kịch tranh giành hoàng vị sau này nhưng cũng để lại mầm mống tai họa cho những người kế nhiệm tiếp theo là Gia Khánh, Đạo Quang,… Họ dần trở nên bất tài, không còn năng lực để gánh vác triều chính, từ đó khiến triều Thanh đi dần tới diệt vong.

Cuộc sống khắc nghiệt của các vị hoàng tử chốn thâm cung

Càn Long có tổng cộng hơn 40 người vợ, nhưng chỉ có 17 hoàng tử và 10 công chúa. Do hoàng đế sống thọ tới 89 tuổi nên hậu thế của ông cũng rất đông. Theo thống kê có tới hơn 100 người là cháu, chắt, chít ra đời khi ông còn sống.

17 hoàng tử của Càn Long bao gồm:

- Vĩnh Liễn, Vĩnh Tông do Hiếu Hiền Hoàng Hậu Phú Sát hạ sinh

- Vĩnh Cơ, Vĩnh Cảnh do Hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp Thị hạ sinh

- Vĩnh Lộ, Vĩnh Diễm, Vĩnh Lân và một người chết yểu chưa được đặt tên do Hiếu Nghĩa Hoàng hậu Ngụy Giai Thị hạ sinh

Càn Long khắc nghiệt với con cái ra sao mà khiến các hoàng tử không chết thì cũng ngẩn ngơ, có người giả điên để tránh tai họa đổ xuống đầu - Ảnh 1.

Vua Càn Long vô cùng khắc nghiệt trong việc dạy dỗ con cái - Ảnh minh hoạ

- Vĩnh Hoàng do Thứ Phi Phú Sát Thị hạ sinh

- Vĩnh Chương, Vĩnh Dung do Thuần Phi Tô Thị hạ sinh

- Vĩnh Thành, Vĩnh Tuyền, Vĩnh Tinh và một người chết yểu chưa được đặt tên do Gia Phi Kim Thị hạ sinh.

- Vĩnh Kỳ do Quý Nhân Kha Ly Diệp Đặc Thị hạ sinh

- Thư Phi Diệp Hách Na Lạp Thị có hạ sinh một người nhưng chưa được đặt tên

Trong 17 vị hoàng tử này có 7 người đều chưa tới 10 tuổi đã qua đời do bệnh nặng, họ bao gồm Vĩnh Liễn, Vĩnh Tông, Vĩnh Tinh, Vĩnh Lộ và 3 người chết yểu. Còn có 2 người được quá kế cho 2 anh em họ của Càn Long làm con, họ là Vĩnh Thành và Vĩnh Dung.

Vĩnh Hoàng, Vĩnh Chương, Vĩnh Kỳ đều lần lượt qua đời vào những năm Càn Long thứ 15, 25, và 31. Vì thế, sau này Càn Long chỉ có thể lựa chọn người kế vị trong số 5 người con còn lại.

Như đã nói, vì muốn tránh việc huynh đệ tương tàn, tranh giành hoàng vị như thời vua Ung Chính nên Càn Long vô cùng coi trọng việc giáo dục con cháu, một mặt yêu cầu học hành thật tốt, trở thành người có tri thức, lễ phép, có giáo dưỡng, văn hóa. Càn Long một lòng một dạ muốn dùng phòng học để khiến các hoàng tử tu thân dưỡng tính, ông sợ các hoàng tử hành động quá tự do sẽ kết bè kết phái, hoặc dùng thân phận cao quý của mình để ra ngoài làm chuyện ác, như vậy sẽ tạo thói quen ngang ngược, hống hách, tồi tệ. Hơn nữa ông cũng lo sợ các hoàng tử sẽ tự đốn binh, sau này mưu phản, tranh giành hoàng vị.

Càn Long quy định tất cả các bé trai trong hoàng gia cứ lên 6 tuổi là bắt buộc phải đi học, hơn nữa mỗi ngày đều phải tới phòng học lên lớp đúng giờ. Những thầy giáo đứng lớp cũng đều là những học sĩ có kiến thức uyên thâm, ưu tú trong nội các và Viện Hàn Lâm, đồng thời còn cử các cao quan đại học sĩ làm Tổng sư phụ.

Mỗi ngày cứ tới giờ Mão (khoảng 5 - 7h sáng), các hoàng tử hoàng tôn lên lớp, giờ Thân (khoảng 3 - 5h chiều) tan học. Ngoài ra còn có các võ quan dạy các hoàng tử cưỡi ngựa bắn cung, các quan viên Mãn Mông dạy tiếng Mãn.

Khi lên lớp, các hoàng tử không được phép tùy tiện rời khỏi phòng học, nếu có việc phải ra ngoài thì bắt buộc phải báo cáo.

Theo sử sách Trung Quốc truyền lại rằng, Năm Càn Long thứ 35, có một lần Vĩnh Tuyền chưa báo cáo đã tự ý rời khỏi phòng học, không những Vĩnh Tuyền bị trách mắng thậm tệ mà các sư phụ, thầy giáo khác đều bị cho là không có trách nhiệm trong công việc.

Càn Long từng nói với các thầy giáo trong thượng thư phòng rằng: Phải biết đạo lý làm người, làm việc phải có quy tắc. Vì thế, Càn Long vô cùng căm ghét những hành vi vô phép tắc kỷ cương của các hoàng tử. Năm Càn Long thứ 13, Đích Hoàng hậu Phú Sát Thị qua đời, thứ hoàng tử (con của phi tần) Vĩnh Hoàng, Vĩnh Chương biểu hiện không đủ bi thương trong tang lễ khiến Càn Long nổi giận, trách mắng họ rằng chưa làm tròn đạo hiếu, không coi ai ra gì.

"Đại A Ca, Tam A Ca bất hiếu như vậy, trẫm niệm tình cha con không nhẫn tâm chu sát chúng, nhưng sau này cả hai tuyệt đối không thể kế thừa hoàng vị". Càn Long càng nói càng phẫn nộ, vừa nói xong lại mất kiểm soát nhớ tới việc huynh đệ tương tàn tranh giành hoàng vị đời cha ông, Càn Long lại đổi ý định: "Sau này các ngươi chắc chắn sẽ huynh đệ tương tàn, so với việc huynh đệ tương tàn, thà rằng bây giờ ta giết các ngươi". Nếu như không phải là thị vệ khổ sở can ngăn thì cả hai người con trai này đều đã bị Càn Long chém chết (theo Thanh sử).

Không lâu sau, con trai trưởng 21 tuổi bị Càn Long làm cho kinh hãi quá mức mà qua đời, Tam Hoàng Tử cũng qua đời năm 26 tuổi.

Càn Long khắc nghiệt với con cái ra sao mà khiến các hoàng tử không chết thì cũng ngẩn ngơ, có người giả điên để tránh tai họa đổ xuống đầu - Ảnh 2.

Vĩnh Kỳ được xem là một trong những hoàng tử giỏi nhất nhưng lại chết yểu

Tháng 7 cùng năm đó, một viên quan nhỏ ở Sơn Tây đã gửi thư cho Tứ A Ca đã được quá kế, sau đó việc này bị Càn Long phát hiện hạ lệnh lăng trì xử tử người này, Tứ A Ca vì thế bị vạ lây, vài tháng sau cũng mất vì quá sợ hãi.

Lục A Ca cũng vì nhận thiệp thỉnh an của Tuần phủ Sơn Tây mà sợ hãi ngay lập tức hồi báo với Càn Long, điều này cho thấy làm con trai của Càn Long có áp lực tâm lý lớn đến mức nào. Chỉ cần hơi cuốn vào chính trị một chút thôi thì sẽ có thể bị trừng trị.

Cho tới năm Càn Long thứ 31, ngoài Tứ A Ca và Lục A Ca đã được đem quá kế cho các Thân vương khác, đạt được tước vị thì những hoàng tử khác đều không có tước vị. Cho dù là tuổi tác có lớn đến mấy đều chỉ có thể ngoan ngoãn học hành trong phòng học, không được giao thiệp với thế giới bên ngoài, chẳng khác nào giam lỏng.

Vì sao vua Càn Long lại truyền ngôi cho Vĩnh Diễm?

Vĩnh Diễm là con trai thứ 15 của vua Càn Long và Lệnh Ý Hoàng quý phi. Trong các hoàng tử, Vĩnh Diễm là người bình thường, không có tài cán gì xuất chúng. Thậm chí, Vĩnh Diễm còn bị nói là người có "tư chất tầm thường".

Sau khi lên làm vua, Vĩnh Diễm đổi tên thành Ngung Diễm, niên hiệu là Gia Khánh. Hoàng đế Gia Khánh không hoang dâm, không mê muội, là một vị vua ôn hòa, hiền hậu, chuyên tâm cần chính, mộc mạc giản dị.

Mặc dù có rất nhiều cố gắng như xử tử Hòa Thân – một đại tham quan trong lịch sử Trung Quốc, thực hiện cuộc cải cách quy mô lớn để khôi phục lại triều Thanh sau một thời gian dài bị lũng đoạn bởi Hòa Thân, chống nạn buôn thuốc phiện ở Trung Hoa, nhưng tài trị quốc của hoàng đế Gia Khánh vẫn bị đánh giá là kém cỏi. Dưới thời ông trị vì, mâu thuẫn xã hội xảy ra gay gắt, nha phiến lưu nhập Trung Quốc, nạn tham nhũng không những không khởi sắc mà còn nghiêm trọng hơn, triều đình thối nát.

Vậy tại sao một người đa mưu túc trí như Càn Long lại lựa chọn Vĩnh Diễm là người kế vị ngai vàng?

Nguyên nhân dễ thấy là do đến khi gần thoái vị, vua Càn Long chỉ còn lại 5 người con trai. Các vị hoàng tử khác phần lớn đều chết yểu. Do đó, phạm vi lựa chọn ít đi.

Càn Long khắc nghiệt với con cái ra sao mà khiến các hoàng tử không chết thì cũng ngẩn ngơ, có người giả điên để tránh tai họa đổ xuống đầu - Ảnh 3.

Vĩnh Diễm là con trai thứ 15 của vua Càn Long và Lệnh Ý Hoàng quý phi, được vua cha chọn làm người kế vị

Trong 5 người con ấy, Thập thất a ca mới chào đời nên không thích hợp làm trữ quân. Vĩnh Tuyền là người lớn tuổi nhất, ông là một nhà nghệ thuật tinh thông về thư họa, đặc biệt là thư pháp Triệu Mạnh Phủ đạt tới cảnh giới vô cùng cao. Tuy nhiên, tính cách ông lại rất hời hợt, làm việc cẩu thả, bướng bỉnh ham chơi, thậm chí còn phóng túng tới mức ham mê tửu sắc, thêm vào đó là bị tật ở chân, đi lại bất tiện, Càn Long vốn dĩ không có ý định chọn ông làm người kế nhiệm.

Vĩnh Lân từ nhỏ đã không thích học hành, tính cách cũng bồng bột, hấp tấp, lớn lên lại càng hay trốn ra ngoài cung đi trêu hoa ghẹo nguyệt, hành vi bất nhã, bản thân ông cũng tự biết rõ về mình, chẳng bao giờ có ý nghĩ muốn làm hoàng đế, chỉ làm chuyện mà mình thích sống qua ngày.

Vĩnh Tinh tuy giỏi thư pháp nhưng tính tình keo kiệt, bủn xỉn. Vĩnh Cơ là đích tử lại có tài trí, thông minh hơn người, thích hợp nhất để kế vị ngai vàng nhưng lại là con trai của Kế Hoàng hậu – người bị Càn Long ghẻ lạnh suốt những năm tháng cuối đời. Vĩnh Cơ thậm chí còn không được phong làm thân vương, chỉ có danh xưng Bối lặc.

Nguyên nhân sâu xa hơn là do Càn Long "yêu quyền lực hơn cả sinh mệnh". Ông thoái vị sau 60 năm cai trị không phải vì tuổi già sức yếu mà vì không muốn vượt qua số năm cai trị của ông nội Khang Hi đế, người Càn Long rất ngưỡng mộ.

Với tính cách hướng nội, trầm lặng, thật thà và coi trọng nhân hiếu của Vĩnh Diễm, đây là người phù hợp để Càn Long thực hiện được mục đích của mình. Quả thực, sau khi Vĩnh Diễm lên ngôi, ông trở thành vị hoàng đế bù nhìn. Càn Long dù lui về làm Thái Thượng hoàng vẫn điều khiển và thao túng mọi việc quốc gia đại sự.

Nguyễn Phượng

Cùng chuyên mục
XEM