Cần gì phải nhờ bạn bè đi nước ngoài xách đồ về cho khi đã có một dịch vụ order đồ chuyên nghiệp như thế này?
Nền tảng giao dịch thương mại điện tử mới mang tên Grabr có ý tưởng cực hay ho - kết nối người mua hàng với khách du lịch để nhờ mua và xách tay đồ đạc, hàng hóa.
Nếu có bạn bè, người thân đi du lịch nước ngoài, điều mà tất cả mọi người thường nghĩ đến chính là nhờ mua hộ đồ đạc, vừa tiện lợi, vừa đáng tin và còn tiết kiệm kha khá tiền. Hơn nữa, mua được một món đồ ở nước ngoài mang về mà trong nước hoặc không có, hoặc bán đắt hơn nhiều mang lại cảm giác rất đã.
Trong khi đó, nhiều người lúc đi du lịch nước ngoài cũng thường muốn được kinh doanh nhận mua một ít đồ đạc về bán cho mọi người, vừa đi chơi vừa kiếm ra tiền.
Không cần order qua trung gian, bạn có thể trực tiếp kết nối với một vị khách du lịch đang vi vu ở trời Tây và mua đồ về hộ mình.
Nắm bắt tâm lý này, một nền tảng thương mại điện tử mới được ra đời mang tên Grabr, giúp kết nối người ở nhà muốn mua đồ nước ngoài và người đi du lịch tranh thủ làm dịch vụ mua sắm kiếm chút tiền công.
Tất cả những gì bạn cần làm chính là lấy link của sản phẩm mình cần mua rồi gửi đến cho hệ thống. Grabr sẽ cập nhật đơn hàng của bạn lên hệ thống; các người dùng khác sẽ thấy order này và có thể liên lạc, nhắn tin với bạn để trao đổi về đơn hàng.
Các bước mua hàng vói Grabr: lấy link sản phẩm, đề nghị oder, chọn người mua hộ mong muốn, thanh toán và nhận hàng.
Điểm thú vị của dịch vụ này chính là người mua được trao đổi với nhiều người nhận order tiềm năng và thương lượng các điều khoản khác như thời gian giao nhận hay mức tiền công và cuối cùng chốt với người mà mình thấy hợp lý nhất. Thời gian giao nhận cũng linh hoạt hơn, tùy thuộc vào nơi bạn cần mua có nhiều khách du lịch sẵn sàng mua không, thời gian họ quay về là khi nào. Tất nhiên, vị khách du lịch mua hàng hộ bạn nên sống cùng tỉnh thành hoặc quốc gia để việc giao hàng sau đó nhanh chóng, thuận lợi và tiết kiệm.
Một đơn hàng nhờ mua iPad Mini 4 có giá website 399 USD (khoảng 9,1 triệu đồng) và tiền công là 60 USD (khoảng 1,37 triệu đồng), vận chuyển từ San Franciso (Mỹ) đến Sao Paulo (Brazil) được chấp nhận trên Grabr chỉ sau vài tiếng đăng offer.
Nhờ có sự quản lý trung gian của Grabr, chẳng bên nào có thể bùng đơn của nhau. Bạn sẽ phải thanh toán qua hệ thống Grabr trước khi nhận hàng và tiền chỉ chuyển đến người nhận order khi đơn hàng đã thành công.
Có hàng ti tỉ website mà Grabr nhận đặt hàng cho bạn, từ những bách hóa như Amazon, ebay, Walmart đến các website chuyên một mặt hàng như Apple, BestBuy cho đồ điện tử, công nghệ; Macy’s, Sephora cho mĩ phẩm; Nike, Adidas cho đồ thể thao hay Carter’s, ToysRus cho đồ trẻ em…
Grabr giúp bạn mua hàng từ mọi nơi trên thế giới, miễn là có người anh em cùng dân tộc với bạn đang đi du lịch ở đó.
Thậm chí, Grabr còn nhận mua đồ ở các cửa hàng truyền thống, miễn là bạn cung cấp thông tin sản phẩm và nơi bán cụ thể để các khách du lịch dễ dàng mua hàng.
Điểm thú vị của dịch vụ này chính là giúp người mua kết nối với những khách du lịch sẵn sàng bỏ thời gian mua sắm để kiếm thêm thu nhập. Còn người mua lại được hưởng lợi về mặt chi phí vì chỉ cần trả một khoản tiền công nhỏ, không phát sinh các phí khác vì được xách tay về. Ngoài ra, bạn sẽ được làm quen với nhiều người khác và còn trau dồi kỹ năng mặc cả nếu bạn là người thích điều này.
So với dịch vụ nhờ một bên trung gian order hộ về, bạn có thể mất công sức hơn một chút trong việc giao dịch với người nhận order nhưng đổi lại, việc thương lượng này khá thú vị và còn có thể rẻ hơn đôi phần vì chỉ mất tiền công cho một người duy nhất, không tốn tiền vận chuyển, giao nhận nhiều bên.
Bạn có muốn Grabr sớm phủ sóng ở Việt Nam và trải nghiệm dịch vụ hay ho này không?