“Cán bộ được giao trách nhiệm tái cơ cấu tổ chức tín dụng như đi tháo ngòi nổ bom”

27/10/2017 09:30 AM | Xã hội

Cán bộ được giao trách nhiệm đi tái cơ cấu tổ chức tín dụng như tháo gỡ ngòi nổ bom. Vì vậy, việc phân công người buộc phải đảm nhận nhiệm vụ này cũng phải có cơ chế đặc biệt. Nếu luật không có cơ chế khuyến khích tham gia thì sẽ ảnh hưởng tới việc thu hút nhân tài vào tham gia giải quyết những vấn đề khó...

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ủy ban thường vụ Quốc hội cho biết sẽ bỏ quy định về miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Con người là nhân tố quyết định

Trước đó, tại kỳ họp thứ 3, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất này khi cho rằng, cán bộ Ngân hàng Nhà nước tham gia ban kiểm soát đặc biệt, cá nhân được điều động tham gia vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém phải tham gia xử lý một công việc rất khó, phức tạp, không có tiền lệ, quy định của pháp luật lại chưa được đầy đủ dễ dẫn đến gặp rủi ro pháp lý.

Tuy nhiên, sang tới phiên họp mà nhiều khả năng luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ được nhất trí thông qua, quy định này lại đang được xem xét loại bỏ. Nguyên nhân được Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa ra là để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

“Có ý kiến cho rằng việc đưa ra điều luật bảo vệ người tham gia tái cơ cấu TCTD có thể dẫn tới việc lợi dụng cơ chế. Tuy nhiên, theo tôi, chúng ta không cần quá lo ngại. Tại dự thảo luật trước đó đã quy định rất kỹ là chỉ được miễn trách nhiệm khi người có trách nhiệm tham gia tái cơ cấu làm đúng và đủ yêu cầu đề ra”, đại biểu Bùi Thanh Tùng đánh giá.

Ông Tùng nhận định, làm ngân hàng phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố rủi ro, đặc biệt là trong vấn đề tái cơ cấu. “Cán bộ được giao trách nhiệm đi tái cơ cấu tổ chức tín dụng như tháo gỡ ngòi nổ bom”. Vì vậy, việc phân công người buộc phải đảm nhận nhiệm vụ này cũng phải có cơ chế đặc biệt.

Nếu luật không có cơ chế khuyến khích tham gia thì sẽ ảnh hưởng tới việc thu hút nhân tài vào tham gia giải quyết những vấn đề khó. Thay vì loại bỏ hoàn toàn, Quốc hội nên xem xét cơ cấu rõ hơn trách nhiệm của người tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng chia sẻ lo lắng của các cán bộ ngân hàng được giao kiểm soát đặc biệt. Theo ông, bên cạnh luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, cũng nên xem xét cả luật NHNN để đảm bảo rõ hơn quyền lợi và nghĩa vụ của những người tham gia tái cơ cấu.

Trên thực tế, việc miễn trách nhiệm với những người tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém đã có tiền lệ ở nhiều quốc gia. Đại biểu Đinh Duy Vượt cho biết, một số nước trên thế giới đã có quy định miễn trách nhiệm cho những người tham gia nhiệm vụ tái cơ cấu tổ chức tín dụng với điều kiện người tham gia đã thực hiện đúng và đủ trách nhiệm được giao.

“Theo tôi cần có quy định cụ thể trách nhiệm với người tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém. Nhân tố con người vẫn là nhân tố quyết định”, ông Vượt cho biết.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng, người đồng thời cũng là chủ tịch VietinBank cho biết, đơn vị ông đã tham gia tái cơ cấu 2 ngân hàng, có thể thấy rõ công việc tái cơ cấu rất nặng nề, ranh giới giữa làm đúng và sai rất mong manh.

“Chúng tôi cũng đã nghiên cứu kỹ và nhận thấy quy định miễn trừ trách nhiệm không hề chồng chéo, không hề mâu thuẫn so với luật khác. Mong chính phủ sẽ bổ sung quy định ngay trong dự thảo luật này”, ông Thắng nói.

Có nên phân biệt dùng Ngân sách “trực tiếp” hay “gián tiếp”?

Một trong những nguyên tắc xuyên suốt luật tổ chức tín dụng sửa đổi lần này đó là nguyên tắc không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, một số điều khoản trong dự thảo luật lại cho thấy nguyên tắc này khó có thể áp dụng triệt để. Chẳng hạn điều 146 trong luật cho phép các TCTD vay lãi suất ưu đãi 0%, miễn, quyết định các khoản vay đặc biệt, miễn trừ một số loại phí, thuế. Các đại biểu Quốc” hội đánh giá, đây thực tế vẫn là tác động vào Ngân sách Nhà nước.

“Trong quy định mới gần đây hiện ghi là “không sử dụng trực tiếp vốn vay Nhà nước” để xử lý các TCTD. Theo tôi, chúng ta không nên ghi là sử dụng “trực tiếp” hay “gián tiếp” làm gì”, đại biểu Nguyễn Lưu Mai nêu rõ.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đánh giá, luật không nên né tránh việc sử dụng NSNN vào tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém. Trên thực tế dù không sử dụng ngân sách trực tiếp, việc tái cơ cấu vẫn phải áp dụng những hình thức hỗ trợ gián tiếp qua các khoản vay lãi suất 0%, ưu đãi thuế,…

“Thay vì dùng trực tiếp hay gián tiếp, theo tôi, chúng ta cứ công khai dùng ngân sách hỗ trợ, miễn là cho cử tri thấy là mình đang dùng ngân sách làm gì, làm như thế nào”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, quy tắc này đã được áp dụng ở nước ngoài rất đơn giản. Chính phủ tuyên bố rõ ràng là sử dụng ngân sách tái cơ cấu TCTD yếu kém bằng ngân sách, tiến hành tái cơ cấu tốt và sau một vài năm sẽ bán lại TCTD này cho các nhà đầu tư nước ngoài.

“Trước đây, chính phủ Mỹ đã từng làm như vậy là thành công. Điểm quan trọng ở đây đó là chúng ta phải công khai, chịu trách nhiệm với ngân sách bỏ ra”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Theo Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM