Cấm xe máy qua cầu để ưu tiên xe buýt nhanh BRT: Cận cảnh trước giờ G

23/12/2016 14:26 PM | Xã hội

Trước thông tin xử phạt nguội các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh BRT, nhiều người tỏ ra lo ngại giao thông các tuyến đường xe buýt nhanh chạy qua sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Vừa qua, Sở GTVT Hà Nội đã công bố phương án phân làn trên một số tuyến đường xe buýt nhanh BRT di chuyển qua.

Theo đó, sẽ cấm dừng đỗ tất cả phương tiện trên dọc tuyến đường hoạt động của xe buýt nhanh.

Phương án này khiến nhiều lo ngại khi đi qua đây vào giờ cao điểm bởi thường ngày mật độ giao thông trên trục đường này đã rất cao.

Chị Lan, một người sống gần đường Láng Hạ cho biết: "Vào giờ cao điểm tuyến đường này thường ùn tắc, không biết khi xe buýt BRT đi vào hoạt động thì các phương tiện khác sẽ di chuyển thế nào?".

Một trong những quyết định khiến nhiều người lo lắng, bức xúc nhất là cấm xe máy đi trên 2 cầu vượt nhẹ Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng trong giờ cao điểm, sáng 6-9h, chiều 16-19h30.

Theo quan sát của PV Infonet, vào giờ cao điểm, mật độ giao thông qua 2 ngã tư có cầu vượt đi qua rất cao, chỉ một xung đột giao thông nhỏ cũng có thể xảy ra ùn tắc.

Việc cấm xe máy đi trên cầu vượt sẽ khiến mật độ giao thông tại các ngã tư này tăng rất cao, trong đó làn dành cho xe buýt BRT lại chiếm mất gần một nửa mặt đường.

Một đại diện Ban quản lý Dự án trọng điểm Hà Nội cho biết, tại làn đường dành cho xe buýt nhanh đều có biển cảnh báo cho phương tiện biết, phía dưới có vạch sơn kẻ đường và có gắn camera, các phương tiện cố tình đi vào sẽ bị CSGT xử phạt nguội.

Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho biết thêm, trong trường hợp xảy ra ùn tắc, người điều khiển giao thông có quyền cho các phương tiện đi vào làn xe buýt nhanh để giải tỏa ùn tắc, giảm áp lực giao thông.

Theo kế hoạch, ngày 15/12/2016, xe buýt nhanh BRT sẽ tiến hành khảo sát và chạy thử nghiệm trong 15 ngày. Bắt đầu từ đầu năm 2017, tuyến xe buýt này sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Theo Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM