Cải tạo phi cơ cũ thành máy bay chở hàng - 'canh bạc' mới của hàng không thế giới

20/12/2020 10:52 AM | Xã hội

Từ Air Canada đến CDB Aviation của Trung Quốc, các hãng hàng không và đơn vị cho thuê đang gấp rút chuyển đổi vĩnh viễn máy bay chở khách cũ thành máy bay vận tải.

Từ Air Canada đến CDB Aviation của Trung Quốc, các hãng hàng không và đơn vị cho thuê đang gấp rút chuyển đổi vĩnh viễn máy bay chở khách cũ thành máy bay vận tải. Họ muốn đánh cược vào sự bùng nổ của thương mại điện tử khi giá trị của máy bay đã qua sử dụng giảm trong bối cảnh đại dịch.

Điều này đã tạo ra cơ hội lớn cho các công ty chuyển đổi máy bay vận chuyển hành khách thành vận chuyển hàng hóa (passenger-to-freighter - P2F), bao gồm Singapore Technologies (ST) Engineering, công ty Israel Aerospace Industries (IAI) và công ty Aeronautical Engineers có trụ sở tại Mỹ.

Công ty phân tích hàng không Cirium dự kiến số lượng chuyển đổi P2F trên toàn cầu sẽ tăng 36% lên 90 máy bay vào năm 2021 và lên 109 máy bay vào năm 2022.

“Chúng tôi ước tính rằng hầu hết vị trí chuyển đổi sẽ được bán hết vào năm 2021 và ít nhất là 40% vào năm 2022”, Chris Seymour, trưởng bộ phận phân tích thị trường của Cirium, cho biết. “Có sự gia tăng trong các chương trình thế hệ mới, đặc biệt là 737 – 800 và A321 cũng như A330, dù nhu cầu dành cho các đời cũ hơn như 767 vẫn cao, được thúc đẩy trong vài năm vừa qua do Amazon xây dựng đội bay riêng”.

Cải tạo phi cơ cũ thành máy bay chở hàng - canh bạc mới của hàng không thế giới - Ảnh 1.

Bên trong một phi cơ Airbus A321 được chuyển đổi thành máy bay chở hàng. Ảnh: Reuters.

Theo công ty tư vấn Ishka, giá trị thị trường của những chiếc máy bay 15 năm tuổi đã giảm 20% xuống còn 47% kể từ đầu năm tùy thuộc vào kiểu máy bay, điều này khiến việc chuyển đổi máy bay trở nên hấp dẫn hơn.

Air Canada đang tìm cách chuyển đổi một số máy bay Boeing Co 767, Tập đoàn S7 của Nga đang mua lại những chiếc máy bay 737 – 800 được chuyển đổi sang vận tải đầu tiên từ bên cho thuê GECAS, và bên cho thuê CDB Aviation đã đặt hàng hai chiếc Airbus SE A330 chuyển đổi từ liên doanh EFW của ST Engineering và Airbus.

Chuyển đổi P2F là một bước tiến xa hơn việc chuyển đổi tạm thời giá rẻ, loại bỏ các ghế hành khách để chở nhiều hàng hóa hơn, được nhiều hãng máy bay áp dụng trong đại dịch.

Việc chuyển đổi vĩnh viễn là một sự đánh cược tài chính rằng nhu cầu vận tải hàng không, vốn còn yếu trong giai đoạn trước đại dịch, sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ vào các năm tới khi người tiêu dùng chuyển sang thương mại điện tử. Ngành hàng không ước tính rằng phải đến năm 2024, lưu lượng hành khách mới có thể phục hồi như năm 2019.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng thị trường vận tải hàng hóa nổi tiếng là biến động và đã bị bao vây bởi nhiều đợt suy thoái kéo dài, tình trạng thiếu hụt có thể nhanh chóng chuyển thành dư thừa.

Thông thường, khoảng một nửa lượng hàng hóa trên thế giới được vận chuyển trong các khoang máy bay chở khách, nhưng nhu cầu gia tăng khiến thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào các chuyên cơ vận tải.

“Năm 2020 chứng kiến mức sử dụng kỷ lục của máy bay vận tải, và quan điểm của chúng tôi là đại dịch đã thúc đẩy sự chuyển dịch cấu trúc dài hạn theo hướng gia tăng nhu cầu thương mại điện tử”, giám đốc điều hành của CDB Aviation, Patrick Hannigan, cho biết.

Boeing cho biết số lượng hàng hóa phải vận chuyển tăng 40% trong suốt tháng 9 do sự gián đoạn hành khách liên quan đến đại dịch Covid-19. Hãng cũng dự báo rằng hơn 60% việc vận tải hàng không trong 20 năm tới đây sẽ đến từ máy bay chuyển đổi, không phải là máy bay vận tải thân rộng mới như 777. Máy bay thân hẹp chiếm hầu hết máy bay chuyển đổi.

Sự bùng nổ chuyển đổi máy bay cũng giúp các nhóm bảo trì, sửa chữa và đại tu hàng không bù đắp phần nào khoản lỗ kinh doanh do lượng khách hàng giảm sút.

Chủ tịch Jeffrey Lam của ST Engineering Aerospace cho biết việc chuyển đổi thường tiêu tốn hàng triệu USD so với chi phí máy bay và mất từ 3 đến 4 tháng để thực hiện.

Công ty của ông đang tăng cường công suất, với kế hoạch chuyển đổi ít nhất 18 máy bay A321 trong năm tới, và tăng lượng máy bay chuyển đổi hàng năm lên 25 – 30 chiếc, tăng so với một đơn vị trong năm nay.

“Chúng tôi đã kín lịch chuyển đổi máy bay cho năm 2021", Lam nói. “Vị trí trống đầu tiên phải chờ tới năm 2022”.

Cải tạo phi cơ cũ thành máy bay chở hàng - canh bạc mới của hàng không thế giới - Ảnh 2.

Một phi cơ Airbus321 đã hoàn tất chuyển đổi tại nhà chứa máy bay của ST Engineering Aerospace. Ảnh: Reuters.

ST Engineering cũng cân nhắc bổ sung các máy bay chuyển đổi vận tải vào hoạt động kinh doanh cho thuê, vốn tập trung vào máy bay chở khách, ông nói.

IAI có thể chuyển đổi 18 máy bay 767 hoặc hơn thế trong vòng 1 năm và cung cấp hầu hết những chiếc công ty Amazon sử dụng.

“Chúng tôi đang đầu tư rất nhiều nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường”, tổng giám đốc nhóm hàng không của IAI, ông Yosef Melamed nói. Công ty hiện cũng đang nghiên cứu việc chuyển đổi P2F lần đầu tiên cho loại máy bay 777-300ER cỡ lớn hơn. Đây nằm trong hợp đồng chuyển đổi 15 máy bay của công ty với GECAS.

“Với sự bùng phát của Covid-19, các chuyến bay thương mại đã giảm đáng kể … các chuyến bay quốc tế giảm xuống gần bằng 0”, Yosef nói. “Vậy nên giải pháp duy nhất để vận chuyển hàng hóa, và với xu hướng mọi người ở nhà đặt hàng trực tuyến, là máy bay chở hàng”.

Công ty Aeronautical Engineers có trụ sở tại Mỹ cũng chứng kiến mức gia tăng đáng kể của nhu cầu chuyển đổi, ông Robert Convey, phó chủ tịch cấp cao mảng bán hàng và tiếp thị của công ty cho biết. Ông cũng nói rằng giá trị của máy bay giảm đến 30-40%.

“Chúng tôi chứng kiến các máy bay mới và mới hơn được chuyển đổi do lượng lớn máy bay chở khách đã bị mắc kẹt và không có khả năng quay trở lại hoạt động trong tương lai gần”, ông nói.

Grant Stevens, phó chủ tịch mảng dịch vụ tại KF Aerospace của Canada, cho biết nhu cầu chuyển đổi P2F đang ngày càng tăng, từ việc chiếm 10% hoạt động kinh doanh trước đại dịch đến nay đã lên đến 50%, giúp bù đắp phần nào sự thiếu hụt nhu cầu bảo dưỡng máy bay.

“Chúng tôi đã có thể giữ lại hầu hết nhân viên bằng việc thực hiện chuyển đổi”, ông nói.

Hoàng Hà

Từ khóa:  hãng hàng không
Cùng chuyên mục
XEM