Cái gì 'ngon' nhất đã bán hết rồi

09/06/2016 08:46 AM | Kinh tế vĩ mô

Dự án đầu tư của doanh nghiệp (DN) nhà nước thua lỗ, kém hiệu quả phải tái cơ cấu, xử lý bán vốn, hoặc cho phá sản. Tuy vậy, cũng có lo ngại, những DN có đất vàng cần định giá đúng, tránh bị bán rẻ cho tư nhân.

Đầu tư sai phải chịu trách nhiệm

Sáng 8/6, trao đổi với báo chí, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, các dự án thua lỗ, kém hiệu quả vừa qua báo Tiền Phong nêu do các DN nhà nước đầu tư qua các công ty con. Những dự án như mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ, đạm Ninh Bình… phải xem chủ đầu tư đã trích lập dự phòng rủi ro chưa. Nếu đã lập quỹ dự phòng rủi ro, cộng với giá trị DN vẫn lớn hơn hoặc bằng vốn đầu tư ban đầu sẽ thoái vốn bình thường.

Tuy nhiên, nếu cộng các khoản giá trị DN vẫn thấp hơn vốn chủ sở hữu, việc bán vốn phải do chủ sở hữu quyết định theo quy định. “Dự án đã thua lỗ phải tái cơ cấu, xử lý bán vốn, nếu không bán được, hoặc bán không ai mua phải cho phá sản. Như nhà máy gang thép Thái Nguyên, nếu chỉ bán phần dự án mở rộng đang dở dang sẽ không ai mua, nên phải bán cả phần vốn nhà nước tại công ty, không đầu tư thêm nữa. Các nhà máy khác cũng vậy”, ông Tiến nói.

Về xử lý trách nhiệm liên quan tới các dự án đầu tư vốn nhà nước thua lỗ, ông Tiến cho rằng, nếu ban đầu đã cảnh báo rủi ro, nhưng vẫn đầu tư dẫn tới thua lỗ thì người quyết định phải chịu trách nhiệm.

Thoái vốn chậm vì phần “ngon” đã bán hết

Theo số liệu Bộ Tài chính, cuối năm 2015, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DN nhà nước vào 5 lĩnh vực nhạy cảm (bất động sản, chứng khoán, tài chính-ngân hàng, bảo hiểm và quỹ đầu tư), mới bán được 40% so với yêu cầu. Theo ông Đặng Quyết Tiến, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành chậm vì cái gì “ngon” nhất đã bán rồi, giờ còn lại những khoản đầu tư phải cắt lỗ, chưa phát huy hiệu quả nên khó bán (còn 60% so với yêu cầu). “Đầu tư không hiệu quả phải tính lại nên không nhanh được.

Ngoài ra, có những khoản đầu tư sai luật, cơ quan pháp luật đang thụ lý nên phải đợi kết quả. Chúng tôi cũng mong cơ quan điều tra sớm có kết quả, để phần tài sản xứ lý được sẽ bán ngay”, ông Tiến cho hay. Theo đó, những khoản đầu tư trên chủ yếu diễn ra trước năm 2011.

Trả lời câu hỏi về việc thoái vốn nhà nước, sau đó những khu đất đẹp, dự án tốt đều rơi vào tay các “đại gia”, ông Tiến cho rằng: Nhà đầu tư mua lại DN để tái cơ cấu nhằm kinh doanh hiệu quả hơn thì nhà nước bán, miễn sao đúng pháp luật. “Các đại gia đều là nhà đầu tư lớn, có tiềm năng, họ làm tốt ta nên khuyến khích. Chỉ cần đảm bảo mua bán công khai theo cơ chế thị trường”, lãnh đạo Cục Tài chính Doanh nghiệp nói.

Dù vậy, ông không loại trừ trường hợp nhà đầu tư đánh bóng mình, gây lầm tưởng có điều kiện, nhưng thực chất chỉ ôm dự án rồi bán lại. Như vừa qua không ít nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, tiền đặt cọc nhưng sau đó không tham gia đấu giá. Vì vậy, thời gian tới nhà nước sẽ đánh giá năng lực tài chính nhà đầu tư trước khi bán dự án, DN nhà nước, và giới hạn thời gian nếu không triển khai sẽ thu hồi.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, một số DN nhà nước được cổ phần hóa sở hữu vị trí đất đẹp. Nhưng khi bán lại, nhà đầu tư mua lại không có chức năng, ngành nghề kinh doanh đúng với DN đã mua lại. Điển hình như một công ty vận tải thủy mua lại Xưởng phim truyện Việt Nam (sở hữu vị trí đất đẹp).

“Nhiều người lo ngại, Xưởng phim không phải DN thương mại thuần túy, cổ phần hóa phải nhằm vực dậy và phát triển, nhưng lại được bán cho một DN tàu thủy chưa biết gì về phim, như vậy chẳng khác nào giết nó. Hay mục đích chỉ là miếng đất để kinh doanh bất động sản?”, ông Doanh nói.

Vì vậy, theo chuyên gia này, phải luôn đảm bảo cổ phần hóa sẽ tạo điều kiện cho DN phát triển, không vì DN nhà nước đó sở hữu đất đẹp. Để ngăn chặn tình trạng đánh giá thấp DN nhà nước, hoặc bán cho “công ty sân sau”, theo ông Doanh, phải luôn đảm bảo quá trình bán được công khai, minh bạch.

Nhiều DN nhà nước đã thoái vốn nhưng vẫn nắm trên 50% cổ phần. Theo lãnh đạo Cục Tài chính Doanh nghiệp, có một số bộ ngành vẫn muốn nắm giữ DN nhà nước. Điển hình như tất cả các DN xây dựng khi cổ phần hóa vẫn để tỷ lệ nhà nước nắm giữ rất cao, nhà đầu tư muốn mua nhưng bộ chủ quản không bán. Như khi cổ phần hóa Tổng Cty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Bộ Xây dựng vẫn nắm cổ phần chi phối nên số lượng cổ phần bán được rất ít. Trong khi đó, nếu không thay đổi quản trị DN, tạo năng lượng mới sẽ khó cạnh tranh khi hội nhập.

Theo Lê Hữu Việt

Cùng chuyên mục
XEM