Cách tư duy được Harvard giảng dạy để "chạm đích" nhanh hơn: Cả Google, Apple và Samsung đều cùng áp dụng cho nhân sự
Phương pháp tư duy này thường được vận dụng cả trong công việc lẫn cuộc sống cá nhân thường ngày, kết quả đem lại có thể ngoài mong đợi. Nếu can đảm nhìn vào hoàn cảnh hiện tại đúng với bản chất của nó và có dũng khí để thay đổi thì tương lai sẽ trọn vẹn, đầy đủ hơn.
Phương pháp đột phá
Bắt nguồn từ tiếng Anh "design thinking", thuật ngữ tư duy thiết kế được phát triển từ năm 1940 và được áp dụng rộng rãi trong khoảng hai thập kỷ gần đây. Tư duy thiết kế là một phương pháp luận về quá trình tìm hiểu người dùng, xác định chính xác vấn đề và đưa ra những giải pháp sáng tạo để giải quyết.
Hiểu theo cách đơn giản nhất, tư duy thiết kế là một phương pháp giúp tìm ra những giải pháp mới, có tính đột phá nhằm giải quyết một vấn đề cụ thể theo cách tối ưu. Đây là một quy trình tuần hoàn, có thể lặp đi lặp lại để đổi mới, cải tiến liên tục.
Mô hình tư duy thiết kế đã và đang được giảng dạy tại nhiều trường đại học, học viện nổi tiếng ở Mỹ và châu Âu như Harvard, Stanford, MIT…, được áp dụng ở nhiều doanh nghiệp, kể cả những tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Apple, Samsung…
Được áp dụng rộng rãi trên thế giới với các nguyên tắc chung nhưng phương pháp tư duy thiết kế có nhiều biến thể. Trong đó, phương pháp tư duy thiết kế 5 giai đoạn của Chương trình nghiên cứu tư duy thiết kế Hasso Plattner tại Đại học Stanford (Mỹ) được nhiều tổ chức, cá nhân đánh giá cao.
Giám đốc sáng lập chương trình này chính là tiến sĩ Larry Leifer. Ông đã cùng hai vị tiến sĩ nổi tiếng khác, Michael Lewrick và Jean-Paul Thommen, viết nên cuốn "The Design Thinking Life" vừa được ra mắt tại Việt Nam với tên "Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống". Cả 3 người đều có những đóng góp lớn về phát triển, quảng bá tư duy thiết kế trên thế giới.
Tiến sĩ Larry Leifer.
5 giai đoạn của tư duy thiết kế
Năm giai đoạn của tư duy thiết kế bao gồm: thấu hiểu người dùng, xác định nhu cầu và vấn đề của họ, đưa ra các ý tưởng và xác định những thách thức, tạo nguyên mẫu-bắt đầu triển khai các ý tưởng và thử nghiệm, kiểm tra, nhận phản hồi từ mục tiêu với nguyên mẫu.
Giai đoạn thấu hiểu là trọng tâm của tư duy thiết kế. Phải quan sát và tìm ý để hiểu được cách người dùng thực hiện mọi việc; cách họ suy nghĩ và tương tác với thế giới bên ngoài; hiểu được nhu cầu về thể chất, tinh thần, cảm xúc của họ; hiểu được những gì có ý nghĩa thực sự trong cuộc đời họ…
Phương pháp tư duy thiết kế giúp kích hoạt cả hai bán cầu não để vừa mô tả, xác định vấn đề một cách khách quan, khoa học, logic nhất, vừa đưa ra nhiều ý tưởng, giải pháp sáng tạo nhất, "hoang dã" nhất. Với tác phẩm "Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống", ba vị tiến sĩ danh tiếng Michael Lewrick, Jean-Paul Thommen và Larry Leifer nhận định, tư duy thiết kế có nghĩa là:
Chúng ta tạm biệt những định kiến về "cách mọi thứ hoạt động"; Tạm gác lại các kỳ vọng về những gì sẽ xảy ra; Tò mò để hiểu được sự thật và vấn đề một cách sâu sắc; Mở ra cho bản thân nhiều khả năng mới; Hỏi những câu đơn giản.
Nét đặc sắc, khác biệt của "Tư duy thiết kế ứng dụng trong cuộc sống" chính là các tác giả đã cụ thể hóa các kỹ thuật, chiến lược khám phá bản thân, xác định vấn đề, tìm ra giải pháp và kiên trì thực hiện một cách vừa cô đọng, súc tích vừa trực quan sinh động, dễ hiểu, dễ vận dụng.
Thông qua ba nhân vật tưởng tượng, đại diện cho hầu hết người lớn trong xã hội ngày nay, các tác giả đã chỉ ra cách vận dụng tư duy thiết kế để giải quyết vấn đề. Đó là ông John sẽ nghỉ hưu sớm sau khi thành công trong ngành dịch vụ. Đó là cô Sue trong độ tuổi 30 đang có công việc, cuộc sống nhiều thử thách, đầy thú vị ở nước ngoài, nhưng cảm thấy không trọn vẹn về dài hạn. Đó là anh Steve vừa tốt nghiệp đại học đang lưỡng lự nên học cao học hay đi làm cho một công ty khởi nghiệp.
Họ đều có những câu hỏi mà rất nhiều người trong chúng ta đều từng đặt ra cho mình ít nhất một lần trong đời: Ta nên dành nhiều thời gian cho công việc, thay vì cho gia đình, để thành đạt (và thành đạt hơn nữa) hay buông bỏ, giảm bớt tham sân si để ở bên cạnh người thân nhiều hơn theo kiểu "cả nhà cùng vui"?
Các vấn đề mà ba nhân vật này gặp phải rất cụ thể, cách giải quyết cũng rất cụ thể, nhưng quá trình khám phá bản thân, nhận diện và xử lý vấn đề theo tư duy thiết kế có những điểm chung nổi bật, thực sự hữu ích, dễ dàng được vận dụng trong đời sống cá nhân của nhiều người.