Cách một startup Việt 'đấu' với DN từ Trung Quốc: Bán khay đồ ăn giá 1 triệu đồng cho người Mỹ, sản lượng 200 cái/mẫu/tháng, suýt cháy hàng
Khay đựng thức ăn bằng gỗ dài 36” (91 cm) của Tidita được bán đến người tiêu dùng Mỹ với giá hơn 42 USD (hơn 1 triệu đồng), chưa bao gồm phí vận chuyển, hiện chỉ còn 1 chiếc trong kho. Bất chấp sức cạnh tranh về giá và phí vận chuyển từ các bạn hàng Trung Quốc, sản phẩm made in Vietnam này của anh Trung Bùi bán được hơn 200 đơn hàng trong tháng trước, rating 4,8/5 sao trên Amazon.
"Biết người biết ta" là một trong những kim chỉ nam của Trung Bùi - Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Tidita – đơn vị bán sản phẩm gia dụng nhà bếp tại thị trường Mỹ thông qua Amazon.
"Biết người biết ta" - bí kíp để sinh tồn với các ông lớn từ Trung Quốc, Mỹ, Mexico
"Giữa một biển cơ hội, hoặc là choáng ngợp và bị nhấn chìm, hoặc là chiếm lĩnh một lối đi riêng", Trung Bùi - chàng kỹ sư nghỉ việc khởi nghiệp với thương mại điện tử xuyên biên giới - tâm sự.
"Năm 2017, mình đã có cú quay xe từ một kỹ sư xây dựng trở thành nhà bán hàng trên Amazon. Kết quả là lỗ nặng. Ngoài vốn hạn hẹp, nguyên nhân quan trọng nhất là mình chưa chọn đúng sản phẩm thị trường cần".
Năm 2019, sau nhiều nghiên cứu, Trung nhận thấy ngành gỗ vẫn còn những ngách tiềm năng. Home kitchen - đồ dùng nhà bếp - là một thị trường chưa được khai thác bài bản.
Chỉ tính riêng tại thị trường Mỹ, tổng giá trị thương mại điện tử cho nhóm hàng Nội thất và Trang trí nhà cửa đã đạt mức 145,56 tỷ USD trong năm 2022, theo công ty nghiên cứu thị trường eMarketer.
Theo thống kê của Amazon, ngành hàng Nội thất và Trang trí nhà cửa đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội trong giai đoạn 2020-2022. Trong vòng 3 năm trở lại đây, Nhà cửa & Nhà bếp cũng liên tục góp mặt trong Top ngành hàng bán chạy nhất của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon.
Trong danh mục Nhà cửa & Nhà bếp, các sản phẩm nội thất từ gỗ kích thước lớn như bàn ghế, khung kệ giường, giá tủ, gỗ lát sàn trong nhà và ngoài trời... chiếm tỷ lệ cao với sự có mặt của nhiều nhà sản xuất lớn. Các thương hiệu Việt nhỏ, mới thành lập sở hữu nguồn vốn tương đối nhỏ sẽ khó cạnh tranh với không chỉ các thương hiệu nội địa tại Mỹ khác mà cả các nhà cung cấp nước ngoài như Trung Quốc, Mexico với lợi thế về giá cả, hay vận chuyển.
Trước bối cảnh ấy, Trung hiểu rằng cần phải tìm được một ngách sản phẩm nhỏ hơn, chưa được khai thác nhiều, còn khoảng trống để phát triển - đồng thời phải tận dụng được thế mạnh sản xuất của Việt Nam.
"Từ review khách hàng và các công cụ về keywords search trên Amazon, mình cũng hiểu hơn về nhu cầu của khách hàng Mỹ. Mình thấy họ rất quan tâm vật liệu bền vững. Khách hàng Mỹ vừa yêu cầu cao về mặt thiết kế, vừa khắt khe về chất lượng cũng như tính đa năng của sản phẩm".
"Do đó, mình lựa chọn đi theo sản phẩm gỗ trang trí nhà bếp, có hơi hướng home decor, vừa sử dụng được vừa có thể dùng để trang trí. Người dùng Mỹ ưa chuộng kiểu dáng mang hơi hướng minimal hoặc vintage, nên các thiết kế của Tidita đều được phát triển theo hướng này", Trung chia sẻ.
Chủ động nguồn cung, không làm con buôn "mua đi bán lại", doanh số tăng gấp 3
Xuất thân là một kỹ sư, kim chỉ nam của Trung đối với Tidita là không ngừng nghiên cứu và cải tiến sản phẩm theo nhu cầu của khách hàng quốc tế. Việc đầu tư cho R&D phản ánh trong việc chọn chất liệu gỗ Acacia mà Tidita sử dụng. Đây là chất liệu gỗ keo tự nhiên, giá cả hợp lý, có độ bền cao, góp phần tạo nên những thiết kế tinh xảo của Tidita.
Các sản phẩm chủ lực của TIDITA bao gồm: khay gỗ đa năng "Lazy Susan", thớt gỗ charcuterie, kệ sắp xếp đồ bếp đa năng, tấm che bàn bếp bằng gỗ... Các sản phẩm của Tidita cũng có vòng đời dài hơn nhờ tính độc đáo, khác biệt so với đối thủ và độ phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
"Trước đây, mình gặp một số khó khăn khi phụ thuộc vào nhà cung cấp, ảnh hưởng đến việc kinh doanh trên Amazon. Vì thế, mình đã có một quyết định mang tính bước ngoặt - mở xưởng sản xuất để chủ động nguồn cung và tối ưu được giá thành".
"Mình chọn Bình Dương là nơi mở xưởng bởi đây là thủ phủ đồ gỗ của Việt Nam, với nguồn nhân công tay nghề cao và hệ sinh thái phụ kiện đầy đủ cho việc sản xuất. Khi nhìn lại thì mình thấy đây là một quyết định đúng đắn, khi sau đó, hàng đi gấp 3 - 4 lần so với thời điểm phụ thuộc nguồn cung", Trung Bùi nhớ lại.
Hiện 1 khay đựng thức ăn bằng gỗ dài 36" (91 cm) của Tidita được bán đến người tiêu dùng Mỹ với giá hơn 42 USD (hơn 1 triệu đồng), chưa bao gồm phí vận chuyển, đến ngày 4/2/2024 chỉ còn 1 chiếc trong kho. Bất chấp sức cạnh tranh về giá và phí vận chuyển từ các bạn hàng Trung Quốc, sản phẩm made in Vietnam này của anh Trung Bùi bán được hơn 200 đơn hàng trong tháng trước, rating 4,8/5* trên Amazon.
"Sau một thời gian kinh doanh, Tidita nhận được đánh giá tốt của khách hàng, listing ranking 10/10, 90% các sản phẩm của TIDITA được đánh giá trên 4,5* trên Amazon. Doanh số tăng gấp 3 lần so với trước kia, trong các dịp lễ hay Giáng sinh, doanh số cao 3 lần mùa thấp điểm. Tỷ lệ khách hàng quay lại cao".
"Nếu tận dụng tốt nguyên liệu có sẵn và thế mạnh nhân công của Việt Nam, doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với các nhà cung cấp lớn trên thế giới bằng thương hiệu uy tín và chất lượng sản phẩm cao. Theo tôi quan sát được, nhiều doanh nhân Việt sở hữu tư duy linh động, biết người biết ta, luôn tìm ra được kẽ hở thị trường", nhà sáng lập Tidita tự tin khẳng định.