Cách mạng Apple 2020: Nơi Google và Microsoft đã thất bại, Apple phải thành công
Khi trải nghiệm hiển thị trên smartphone đi vào ngõ cụt, iPhone cũng đi vào ngõ cụt. Cứu cánh duy nhất cho Apple là một thế giới số đầy tiềm năng từng được Google và Microsoft khai phá (nhưng không thành công).
Với con người, giác quan quan trọng nhất là thị giác. Muốn chứng minh điều đó, bạn chỉ cần nhìn vào thị trường hi-tech là đủ. Năm 2015, Amazon tiên phong cho cuộc cách mạng loa thông minh, nơi chúng ta chỉ cần dùng giọng nói vẫn có thể truy vấn thông tin từ Internet hay điều khiển các thiết bị số. Sau 4 năm, tất cả các ông lớn từ Google, Apple cho đến Microsoft hay Samsung đều đã tham gia cuộc chơi này, nhưng đến cuối cùng, loa thông minh vẫn không thay thế được smartphone.
Bởi đơn giản là khi ra mắt iPhone vào năm 2007, Steve Jobs đã tạo ra loại thiết bị có màn hình chuẩn mực nhất: "modern smartphone". Đó là một thiết bị đủ nhỏ để mang theo con người mọi lúc mọi nơi. Đó là thiết bị đủ mạnh mẽ và có màn hình đủ lớn để hiển thị tất cả các loại nội dung mà con người mong muốn. Chiếc smartphone là loại hình thái công nghệ hoàn hảo nhất mà con người có thể chạm tay tới vào lúc này.
Nhưng chính điều đó cũng đã làm hại các công ty smartphone, mà đặc biệt là công ty của Steve Jobs. Quý vừa qua, doanh thu iPhone giảm tới 30%. Dù các mảng khác (mà đặc biệt là dịch vụ) đang trỗi dậy để bù đắp, Apple vẫn là một công ty phần cứng. Apple cần một cuộc cách mạng tiếp theo, và Tim Cook cũng đã hứa về cuộc cách mạng ấy.\
Một lần nữa, đó phải là cuộc cách mạng có liên quan đến hiển thị. Apple phải làm mới được trải nghiệm hiển thị của con người, và đây phải là một cách mạng thực sự, chứ không phải tăng độ phân giải hay OLED... Cũng giống như Macintosh, iPod, iPhone hay iPad trước đây, Apple cần phải làm mới cách chúng ta tương tác với thế giới số.
Trước Apple, có ít nhất là 2 gã khổng lồ đã làm điều đó. Không còn cách nào mới để "gói" không gian số bên trong màn hình, họ đem không gian số hòa trộn với không gian ảo. Năm 2013, Google vén màn Google Glass với Android 4.4 tích hợp đầy đủ bên trong. Năm 2016, Microsoft cũng ra mắt HoloLens với không gian ảo mang màu sắc khối cục của Windows.
Nhưng đáng tiếc rằng cả 2 đã thất bại trong việc chinh phục người tiêu dùng. Google Glass có giá ban đầu lên tới 1500 USD còn HoloLens thậm chí có giá 3500 USD (dành cho các nhà phát triển). Những lo ngại về quyền riêng tư và trải nghiệm quá hạn hẹp sau đó đã khiến 2 công nghệ này phải lùi bước trở thành các giải pháp dành riêng cho giới doanh nghiệp.
Thật trớ trêu, những thất bại của Microsoft và Google đã tạo thành một không gian vàng cho Apple phát triển. Hàng chục năm qua, Apple đã luôn thành công theo cách như vậy: để kẻ khác đi trước và vấp ngã, Apple vào tìm hiểu rồi mới tạo ra một giải pháp hoàn chỉnh và... thành công. Đơn cử, Microsoft đã có tablet từ 2001 nhưng lại sử dụng giao diện Windows tối ưu chuột phím; Apple tạo tablet tối ưu cho cảm ứng rồi thành công. Google ra mắt Android Wear trước Apple nửa năm nhưng không tạo giao diện tối ưu cho "một chạm" và cũng chẳng sử dụng núm xoay trực quan; Apple Watch không mắc sai lầm này và nay "độc bá" thị trường smartwatch.
Trong lĩnh vực AR, Microsoft và Google đã tạo ra vấn đề từ trước đến nay Apple đã luôn giải quyết rất tốt: tối ưu trải nghiệm. Chỉ tiếc rằng, trải nghiệm AR của Apple sẽ như thế nào thì chúng ta buộc phải đợi đến năm 2020 mới có câu trả lời.
Ít nhất, Apple đã có thể nhìn thấy tất cả những giới hạn của Google Glass và HoloLens. Apple hiểu những lo ngại về quyền riêng tư và cảm giác kỳ cục khi "huơ huơ" tay trong không gian để điều khiển, và vì thế Apple ra mắt một bằng sáng chế vào đầu năm cho phép kết hợp sử dụng smartphone/tablet làm thiết bị điều khiển trong không gian thực tại kết hợp. Apple hiểu HoloLens quá ít tính năng, và vì thế đã công bố ARKit từ 2017 để nhà phát triển làm quen với khái niệm thực tại tăng cường: đến nay, ứng dụng AR đã tràn ngập App Store.
Trong suốt nhiều năm vừa qua, Tim Cook đã liên tục lên tiếng ca ngợi trải nghiệm AR trong khi ARKit mới chỉ hỗ trợ cho iPhone và iPad... Ai cũng biết rằng, thực tại tăng cường chưa/không phải là tính năng "đỉnh" để đem ra bán iPhone hay iPad. Sự tích cực của Tim Cook có thể đang báo hiệu rằng, Apple đang đặt cược vào tương lai AR không giới hạn trong iOS.
Các tin đồn từ thị trường cho thấy điều tương tự. Trong vòng 2 năm, Apple đã thâu tóm một loạt các công ty liên quan dến lĩnh vực AR như Vrvana, SensoMotoric, Akonia, Flyby, chưa tính đến các công ty trong lĩnh vực máy học và nhận diện hình ảnh (vốn rất quan trọng với AR). Số lượng kỹ sư được tuyển về cũng tăng mạnh vào khoảng đầu 2018, chưa kể chuỗi cung ứng cũng đã lên tiếng đặt cược vào chiếc kính bí ẩn của Apple.
Đặc biệt, Apple thậm chí còn bắt tay làm hòa với Qualcomm trong một thương vụ có giá 4,5 tỷ USD, chấm dứt 2 năm dài kiện tụng. Nhiều người sẽ nghĩ rằng lý do cho vụ bắt tay này là chip 5g cho iPhone, nhưng Apple mới đây đã lên tiếng khẳng định điều ngược lại. Kết nối di động sẽ chẳng khiến iPhone thành hay bại, nhưng với một thiết bị đeo thông minh có khả năng "số hóa" thực tại thì 5G lại vô cùng quan trọng.
Mọi mảnh ghép đều đã hướng về chiếc kính "Apple AR" và một hệ điều hành hoàn toàn mới... Câu hỏi duy nhất còn lại chỉ là, Apple sẽ cách mạng hóa AR như thế nào? Những truyền nhân của Steve Jobs sẽ phải tìm ra câu trả lời, và có vẻ như họ sẽ công bố câu trả lời đó vào năm 2020.