Cách làm của các nước để khuyến khích người dân tiêm vaccine Covid-19

17/11/2021 16:00 PM | Xã hội

Trước áp lực ngày càng gia tăng đối với hệ thống y tế công cộng do sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, một số quốc gia đang áp dụng các biện pháp khuyến khích kết hợp quy định buộc những đối tượng chưa tiêm chủng tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng đẩy lùi Covid-19.

Giữa bối cảnh “bóng ma” đại dịch Covid-19 đang trở lại ở châu Âu, các chuyên gia đã chỉ ra ba lý do chính dẫn đến tình trạng hiện nay, bao gồm: hiệu quả của vaccine giảm dần theo thời gian, dỡ bỏ hạn chế quá sớm và Covid-19 giờ trở thành đại dịch của những người chưa tiêm chủng .

Lý do thứ ba có lẽ là vấn đề gây tranh cãi nhất khi vẫn còn rất nhiều người chưa được tiêm chủng trên khắp thế giới.

Theo Viện Robert Koch, cơ quan y tế công cộng của Đức, ở nước này, số người chưa tiêm phòng ở độ tuổi từ 18-59 phải nhập viện cao gấp 4 lần so với những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở cùng nhóm tuổi. Ở nhóm tuổi trên 60, con số này cao gấp 6 lần.

“Trên tất cả, chúng ta đang trải qua một đại dịch của những người chưa tiêm chủng”, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nói.

Các chuyên gia chỉ ra rằng các quốc gia Đông Âu có tỷ lệ tiêm chủng thấp, như Romania và Bulgaria đang có tỷ lệ lây nhiễm cực cao và nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất. Cả hai nước này đều có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn 35%.

Trước áp lực ngày càng gia tăng đối với hệ thống y tế công cộng do sự bùng phát trở lại của dịch bệnh, một số quốc gia đang áp dụng các biện pháp khuyến khích kết hợp quy định cứng rắn buộc những đối tượng chưa tiêm chủng tham gia vào nỗ lực chung của cộng đồng đẩy lùi Covid-19.

Áo

Kể từ ngày 15/11, Chính phủ Áo đã áp dụng một lệnh cấm trên toàn quốc đối với các công dân chưa tiêm vaccine Covid-19. Theo đó, những người chưa tiêm chủng buộc phải ở nhà, ngoài các hoạt động cơ bản khác như làm việc, mua đồ và đi dạo. Người đến rạp chiếu phim, phòng tập thể dục... mà không có chứng nhận đã tiêm vaccine sẽ bị phạt.

Trước khi áp dụng lệnh cấm này, ở Áo, những người chưa tiêm phòng cũng đã bị cấm vào nhà hàng, quán cà phê, tiệm làm tóc và khách sạn.

Singapore

Theo quy định mới (sẽ bắt đầu áp dụng từ tháng 12/2021), những người lựa chọn không chủng ngừa ở Singapore phải tự trả hoàn toàn chi phí điều trị nếu bị mắc Covid-19. Chính phủ Singapore lý giải, hiện tại những người chưa tiêm chủng chiếm phần lớn số ca bệnh nặng cần phải dùng đến phòng điều trị tích cực, tiêu tốn nguồn lực, gây căng thẳng cho hoạt động chăm sóc sức khỏe của cộng đồng.

Trước đây, Chính phủ Singapore thanh toán các hóa đơn y tế của người dân có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, ngoại trừ những người có xét nghiệm dương tính trong vòng 14 ngày kể từ khi họ đến Singapore.

Singapore đã có câu trả lời về cách thức chấm dứt đại dịch Covid-19?

VOV.VN - Khả năng loại bỏ hoàn toàn virus SARS-Cov-2 sẽ khó xảy ra nhưng sẽ đến ngày Covid-19 không còn là đại dịch và Singapore có thể là minh chứng cho điều này.

Anh

Chính phủ Anh cho biết, từ tháng 4/2021, tất cả các nhân viên chăm sóc sức khỏe ở Anh làm việc với người dân phải được tiêm vaccine Covid-19, bất chấp lo ngại động thái này có thể khiến hàng nghìn người nghỉ việc.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid nói với các nhà lập pháp tại Hạ viện rằng mặc dù tiêm chủng không phải là bắt buộc với hầu hết mọi người, nhưng các nhân viên y tế là đối tượng duy nhất có trách nhiệm phải tiêm chủng vì họ tiếp xúc với những người dễ bị bệnh nhất.

Mặc dù vậy, vẫn có những ngoại lệ cho những người được miễn trừ về mặt y tế và các nhân viên hoạt động trong lĩnh vực y tế nhưng không trực tiếp tiếp xúc với người bệnh.

Quy định này chỉ áp dụng ở Anh còn Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland có những quy định riêng.

Malaysia

Theo thống kê chính thức, hơn 75% dân số Malaysia đã được tiêm phòng đầy đủ. Mặc dù con số này cao hơn nhiều so với các quốc gia khác nhưng Chính phủ Malaysia đang có kế hoạch gây áp lực lớn hơn với những người chưa tiêm vaccine.

“Xin lỗi phải nói rằng, chúng tôi sẽ khiến cuộc sống của bạn gặp rất nhiều khó khăn nếu bạn lựa chọn không tiêm chủng”, Bộ trưởng Y tế Malaysia Khairy Jamaluddin gần đây cho biết.

Kể từ đầu tháng 11, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực công bắt buộc phải tiêm phòng.

“Nếu bạn chọn không tiêm phòng thì chúng tôi có thể sẽ yêu cầu bạn làm các xét nghiệm thường xuyên và bạn phải trả phí”, ông Jamaluddin cảnh báo. Tuy nhiên, kế hoạch này đến nay chưa thành hiện thực.

New Zealand

Hàng triệu người lao động ở New Zealand làm việc trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc người khuyết tật. Công việc của họ được đảm bảo bởi quy định “không tiêm chủng, không làm việc”.

Giáo viên sẽ bị cho là phạm pháp nếu đến trường mà chưa được tiêm phòng. Giáo viên chưa tiêm vaccine buộc phải giảng dạy từ xa hoặc cung cấp đủ bằng chứng cho thấy họ được quyền miễn trừ về y tế nếu muốn giảng dạy trực tiếp.

Các trường học được yêu cầu liên hệ với cảnh sát nếu phát hiện trường hợp giáo viên chưa tiêm phòng nhưng vẫn lên lớp./.

Hùng Cường

Cùng chuyên mục
XEM