Cách đơn giản để sửa chữa sai lầm trong công việc: Nhận lỗi và tha thứ cho bản thân

30/06/2016 10:34 AM | Sống

Mỗi người trong chúng ta ai đều có lúc mắc lỗi, ngay cả trong công việc. Khi vấp ngã, bạn đừng nản lòng, hãy thực hiện 4 bước đơn giản dưới đây để sửa chữa sai sót và hoàn thành công việc tốt hơn.

Tự giác nhận lỗi

Che giấu sai lầm chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn khi rất có thể những người xung quanh sẽ bị ảnh hưởng bởi những lỗi bạn gây ra. Nên trung thực, xin lỗi và cho họ biết chuyện gì đang xảy ra để cùng khắc phục. Đừng chỉ nhận lỗi suông rồi bỏ đi hay chối bỏ trách nhiệm. Hãy đứng lại và bắt tay ngay vào việc hạn chế thiệt hại.

“Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại” - sẽ chẳng ai trách bạn nếu bạn nhận ra và chịu trách nhiệm về sai lầm của bản thân. Sẽ tốt hơn nếu bạn tự sửa chữa. Tuy nhiên, để tránh việc tiếp tục sai sót hoặc bỏ lỡ khiến công sức uổng phí, bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết, đừng ôm đồm tất cả về mình.

Tha thứ cho bản thân

Đừng khiến bản thân cảm thấy chán nản, mệt mỏi cùng cực mỗi khi mắc sai lầm. Điều này chỉ làm lãng phí thời gian. Người Nhật từng có câu: “Thất bại bảy lần, đứng dậy lần thứ tám”. Hãy biến thất bại này thành một bài học cuộc sống, và sử dụng nó để giúp bạn làm việc tốt hơn. Thêm vào đó, tự rút kinh nghiệm cho bản thân và tránh sai sót về sau.

Hãy tha thứ cho bản thân, bước ra khỏi cảm giác chán nản khi mắc sai lầm. Tuy nhiên, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và tránh sai sót kế tiếp.

Hãy sáng tạo

Sau khi thừa nhận sai lầm, không nên ngồi một chỗ và chờ đợi cấp trên chỉ đạo biện pháp khắc phục. Lập một kế hoạch hành động ngay lập tức bằng cách xác định phương pháp tốt nhất để kiểm soát thiệt hại và thực hiện. “Thất bại là mẹ thành công”, có thể sẽ bị sếp trách mắng nhưng họ sẽ để ý đến bạn nhiều hơn và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của bạn.

Lấy lại niềm tin và bứt phá

Ngay cả khi bạn đã thực hiện đủ 3 điều trên, quan trọng nhất vẫn là lấy lại niềm tin. Bắt đầu ngay, giải quyết hiệu quả và chính xác từ những dự án nhỏ nhất còn tồn đọng trên bàn làm việc. Sau đó, chuyển sang những dự án lớn hơn. “Cần cù bù thông minh”, rồi ông chủ cũng sẽ bị thu hút bởi cách làm việc miệt mài của bạn.

Theo Nguyễn Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM