Cách cựu CTO Paypal thành tỷ phú: Mở startup phục vụ nhu cầu mua trước trả sau, giải quyết nỗi đau về tài chính của hàng triệu người

16/04/2022 15:25 PM | Kinh doanh

Đôi khi, bất hạnh của người này lại là sự may mắn của người khác.

Max Levchin - đồng sáng lập và cựu giám đốc công nghệ (CTO) của PayPal, là doanh nhân hiện sở hữu khối tài sản trị giá hơn 1 tỷ USD và đang đảm nhiệm vai trò CEO của Affirm. Công ty gần 10 năm tuổi này là một trong những startup mua trước trả sau hàng đầu thế giới, cho phép khách hàng mua sắm online và trả góp hàng tháng.

Levchin là người sáng lập thứ ba trong lĩnh vực mua trước trả sau trở thành tỷ phú trong đại dịch Covid-19. Nhờ nắm giữ 27,5 triệu cổ phiếu của Affirm, tháng 1 năm ngoái, Levchin chính thức gia nhập hàng ngũ tỷ phú thế giới.

Thành tỷ phú nhờ vận rủi mất việc, không có tiền mua sắm của hàng triệu người trên thế giới - Ảnh 1.

Trước đó, vào tháng 7/2020, hai người đồng sáng lập của Afterpay là Nick Molnar và Anthony Eisen đã trở thành tỷ phú. Molnar, khi đó mới 30 tuổi, là tỷ phú tự thân trẻ tuổi nhất nước Úc.

Về phần Levchin, anh rời PayPal ngay sau khi nó được bán cho eBay vào năm 2002. Vài năm sau, anh thành lập Slide – công ty được Google mua lại năm 2010 với giá 182 triệu USD. Bên cạnh đó, anh cũng là một nhà đầu tư ban đầu vào nền tảng tổng hợp nhận xét và đánh giá Yelp.

Theo Business Insider, nhiều công ty mua trước trả sau như Affirm hay Afterpay đã phát triển vượt bậc trong đại dịch do sự bùng nổ của thương mại điện tử và tình trạng suy thoái kinh tế. Thay vì trả toàn bộ số tiền, với các ứng dụng trên, người tiêu dùng thiếu tiền mặt có thể mua sản phẩm, từ hàng tạp hóa đến những món hàng trị giá hàng nghìn USD và trả góp hàng tháng.

Một thống kê năm 2021 cho thấy 21% người dùng hình thức mua trước trả sau không đủ tiền để thanh toán dứt điểm trong một lần. Trước đại dịch, 61% người được khảo sát cho biết họ kiếm được ít hơn 50.000 USD/năm trước thuế. Đến khi dịch bệnh bùng phát, tỷ lệ đó đã tăng lên 70% và 6% trong số đó bị mất hoàn toàn thu nhập.

Việc số lượng người bị mất một phần hoặc thu nhập tăng vọt là một trong những nguyên nhân chính góp phần tạo nên sự tăng trưởng bùng nổ của các ứng dụng mua trước trả sau. Do gặp khó khăn về tài chính, nhóm này đã tăng chi tiêu thông qua dịch vụ mà các công ty hàng đầu như Afterpay hay Affirm cung cấp.

Thành tỷ phú nhờ vận rủi mất việc, không có tiền mua sắm của hàng triệu người trên thế giới - Ảnh 2.

Ảnh: Internet.

Theo báo cáo, tổng giá trị hàng hóa (GMV) trong quý IV/2021 của Affirm đạt 2,5 tỷ, USD, tăng 106%. GMV trong năm tài chính 2021 của công ty là 8,3 tỷ USD, tăng 79%.

Trong đó, công ty sản xuất thiết bị tập thể dục Peloton luôn chiếm tỷ lệ cao kể từ khi đại dịch bùng phát do khách hàng có xu hướng luyện tập tại nhà nhiều hơn do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa.

Trong một cuộc phỏng vấn, Levchin chia sẻ: "Thay vì xem hàng tại cửa hàng và đặt giao về nhà, người tiêu dùng có xu hướng mua trực tuyến và nhận hàng tại cửa hàng. Đây là một bước ngoặt lớn đối với ngành công nghiệp mua trước trả sau.

Theo một số phương diện nhất định, tôi nghĩ rằng trong đại dịch, dịch vụ của chúng tôi đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với người tiêu dùng. Không ít người rơi vào cảnh mất việc làm đột ngột hay bị cắt giảm thu nhập. Một số khác thì tìm cách chi tiêu phù hợp với khả năng chi trả hơn. Tôi cho rằng họ thực sự được hưởng lợi từ Affirm. Và chúng tôi rất tự hào trong việc góp phần giúp họ giảm bớt gánh nặng phải thanh toán trong một lần duy nhất".

Nguồn: BI

G.Vũ

Cùng chuyên mục
XEM