Cách cô gái 28 tuổi đang chờ sinh con đầu lòng biến 500 USD thành doanh nghiệp trị giá 1 tỷ USD

25/08/2018 08:18 AM | Kinh doanh

Khi mang thai nhưng lại thiếu thốn về tài chính, Kendra Scott nhận ra rằng cô phải tìm ra cách để kiếm được nhiều tiền hơn.

Nằm trên giường nghỉ ngơi tại nhà riêng ở Austin, Texas, chờ đợi sự ra đời của đứa con đầu lòng, Kendra bắt đầu thiết kế đồ trang sức trong phòng ngủ trống của cô và người chồng đầu tiên. Đó là thời điểm năm 2002, khi ấy Kendra mới chỉ 28 tuổi và cố gắng bắt đầu kinh doanh với 500 USD tiết kiệm ít ỏi.

Cách cô gái 28 tuổi đang chờ sinh con đầu lòng biến 500 USD thành doanh nghiệp trị giá 1 tỷ USD - Ảnh 1.

Sau khi con trai cô ra đời, Kendra quyết định rằng cô và con trai sẽ ra ngoài cùng nhau để bán những chiếc hoa tai và các đồ trang sức khác. Kendra chia sẻ: “Khi tôi hoàn thành bộ sưu tập đầu tiên của mình, tôi đã cho con trai nhỏ của mình vào một cái địu và đặt hàng mẫu vào một hộp trà. Sau đó, chúng tôi đã đến từng cửa tiệm thời trang ở Austin để bán những sản phẩm của tôi. Tôi đã bán hết trong ngày đầu tiên. Từ đó, tôi đã có một công việc kinh doanh.”

Ở thời điểm hiện tại, công ty Kendra Scott của cô được định giá hơn 1 tỷ USD, và tài sản cá nhân của cô được ứng tính là 500 triệu USD. Trong danh sách những phụ nữ tự thân giàu nhất năm 2017 của tạp chí Forbes, cô đứng ở vị trí 36, cao hơn cả những ca sĩ như Taylor Swift và Beyonce.

Sinh ra và lớn lên ở tiểu bang Wisconsin ở vùng Midwest của Mỹ, Kendra học đại học ở Texas, nhưng bỏ học 1 năm sau đó, và cuối cùng, sống tại Austin, thủ phủ của Texas. Sau đó, cô thành lập và điều hành một công ty trong 2 năm, sản xuất những chiếc mũ dễ chịu cho những phụ nữ trải qua quá trình hóa trị. Nguồn cảm hứng đến từ cuộc chiến của bố dượng cô với căn bệnh ung thư, và cô đã tặng một phần lợi nhuận cho các bệnh viện địa phương.

Quá trình phát triển

Cách cô gái 28 tuổi đang chờ sinh con đầu lòng biến 500 USD thành doanh nghiệp trị giá 1 tỷ USD - Ảnh 2.

Ý tưởng công ty khởi nghiệp về trang sức đến với Kendra sau khi cô nhận ra một khoảng trống lớn trong thị trường. Hầu hết các đồ trang sức đều rất đắt tiền hoặc rất rẻ, và có rất ít mặt hàng có giá trị ở giữa. Do đó, kế hoạch của cô là cố gắng sản xuất ra đá quý chất lượng mà cô và những người phụ nữ khác muốn đeo với mức giá phải chăng hơn.

Kendra nói: “Mọi phụ nữ, bất kể kinh tế như thế nào, đều muốn cảm thấy tự tin và xinh đẹp.”

Ban đầu nhờ bán buôn – cung cấp cho các cửa hàng khác thay vì tự mở bất kỳ cửa hàng nào, công ty Kendra Scott đã tăng trưởng chậm nhưng chắc. Kendra chia sẻ rằng cô đã rất may mắn khi tuyển dụng được những nhân viên tốt, những người đã giúp cô phát triển công ty trong lúc cô phải đối mặt với những thách thức trong đời sống cá nhân. Cuộc hôn nhân đầu tiên của cô kết thúc sau sự ra đời của đứa con thứ hai.

Kendra cho biết: “Tôi tập trung vào xây dựng một đội ngũ những người tài năng để giúp tôi phát triển công ty, và 7 nhân viên ban đầu của tôi – tất cả đều là phụ nữ - vẫn sát cánh với tôi cho tới tận bây giờ.”

Bước ngoặt xảy ra vào năm 2010 khi công ty của Kendra chuyển sang bán lẻ, mở chi nhánh đầu tiên tại Austin. Đó là thời khắc quan trọng của công ty Kendra Scott, và Kendra quyết tâm rằng các cửa hàng trang sức của cô sẽ khác biệt so với của các hãng khác.

Theo Kendra, các cửa hàng trang sức thường trang trọng và “đáng sợ” với dây nhung và các hộp kính, trong khi đó, cô muốn tạo ra một trải nghiệm ấm áp, mang tính tương tác và đặc biệt là phải thú vị. Kết quả là khách hàng tại các cửa hàng Kendra Scott được khuyến khích chọn và thử đồ trang sức. Những người mua sắm cũng có thể thiết kế các sản phẩm của riêng mình tại cửa hàng bằng cách trộn và kết hợp các viên đá quý để tạo thành những hoa tai, dây chuyền, vòng tay và nhẫn khác nhau.

Hiện tại, công ty Kendra Scott có 80 cửa hàng bán lẻ trên khắp nước Mỹ và một trang web giao hàng toàn cầu. Ngoài ra, đồ trang sức của công ty này được lưu trữ ở nước ngoài tại các cửa hàng như Selfridges ở London. Công ty có khoảng 2000 nhân viên, 96% trong số đó là nữ giới. Dù hiện tại nó được hỗ trợ bởi các công ty đầu tư, Kendra vẫn là cổ đông lớn nhất của công ty.

Nền tảng thành công

Cách cô gái 28 tuổi đang chờ sinh con đầu lòng biến 500 USD thành doanh nghiệp trị giá 1 tỷ USD - Ảnh 3.

Karen Giberson, chủ tịch Hội đồng Phụ kiện, một cơ quan thương mại đại diện cho các thương hiệu thời trang phụ kiện, cho biết: “Kendra giống như một con kỳ lân trong ngành công nghiệp của chúng tôi. Cô ấy thách thức các xu hướng.”

Bà Giberson cho rằng lý do chính đằng sau sự thành công của Kendra là một người thực sự tài giỏi – cô ấy là một bà mẹ trẻ, làm việc rất chăm chỉ để đạt tới thành công hiện tại. Bên cạnh đó, cô ấy rất tốt bụng, và điều đó đã lan tỏa trong công ty, vào những câu chuyện nuôi dưỡng cảm giác cộng đồng mà khách hàng thích thú. Đó là cái bóng của một nhà lãnh đạo.

Ngoài ra, theo Ken Downing, giám đốc thời trang tại cửa hàng bách hóa tổng hợp Neiman Marcus, Kendra cũng thành công trong việc cung cấp cho khách hàng những sản phẩm mà họ muốn với mức giá hợp lý.

Các khách hàng cũng ấn tượng bởi các hoạt động từ thiện mà công ty thực hiện. Năm ngoái, công ty của Kendra đã quyên góp 5 triệu USD tiền mặt và hàng nghìn trang sức cho một số tổ chức từ thiện, chủ yếu cho phụ nữ và trẻ em. Một ví dụ về hoạt động từ thiện của công ty là Chương trình Kendra Cares. Theo chương trình này, bênh nhận trong các bệnh viện nhi có thể làm đồ trang sức Kendra Scott miễn phí cho bản thân, cha mẹ hoặc những người chăm sóc khác. Nhân viên công ty Kendra Scott cũng tham gia hơn 2000 giờ tình nguyện, và các cửa hàng của họ trên khắp nước Mỹ đã tổ chức hơn 10.000 sự kiện gây quỹ.

Kendra chia sẻ rằng công ty sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động từ thiện này vì cô đã sáng lập doanh nghiệp của mình dựa trên 3 yếu tố cốt lõi “gia đình, thời trang và từ thiện”, những yếu tố “định hướng mọi thứ chúng tôi làm”.

Để đáp ứng yếu tố “gia đình”, công ty cung cấp thời gian nghỉ sinh hào phóng cho cả nhân viên toàn và bán thời gian, hỗ trợ nhận nuôi con và hỗ trợ tài chính cho các trường hợp vô sinh, và một quỹ hỗ trợ các gia đình trong thời điểm khủng hoảng. Nhân viên cũng có thể đem trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đến nơi làm việc.

Bà Kendra chia sẻ: “Trong khi đồ trang sức và thời trang có vẻ là một ngành công nghiệp nông cạn, thì tôi coi nó là một cơ hội để đóng góp cho cộng đồng.”

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM