Các 'triệu phú 11/9' Afghanistan đua nhau mua dinh thự tại Dubai bằng tiền từ 2.200 tỷ USD chống khủng bố của người Mỹ
Phần lớn những người giàu lên nhanh chóng từ cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ trên đất Afghanistan đã chuyển tiền ra nước ngoài để tận hưởng an ninh, giáo dục cũng như sự an toàn ngay cả khi đất nước sụp đổ. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ.
Trước vụ khủng bố ngày 11/9/20001, Fahim Hashimy, chàng trai ngoài 20 tuổi sinh ra và lớn lên ở Kabul, là một giáo viên tiếng Anh. Tài sản duy nhất của cậu lúc đó là một chiếc xe đạp. Tuy nhiên, cùng với sự hiện diện của các dấu giày Mỹ trên đất Afghanistan, Hashimy trở thành một trong những người đầu tiên được tuyển dụng để làm phiên dịch tại một căn cứ quân sự của Mỹ.
Vài năm trước, khi công việc kinh doanh của Hashimy Group đang đạt cực thịnh, Hashimy từng chia sẻ rất thẳng thắn với báo giới. Năm 2015, doanh thu của tập đoàn này là 200 triệu USD/năm. Họ sở hữu đài truyền hình lớn thứ 2 Afghansitan cũng như các doanh nghiệp xây dựng và hậu cần. Thậm chí, một hãng hàng không nội địa giá rẻ cũng được tập đoàn này vào năm 2013.
Hashimy tin rằng, thành công của ông hoàn toàn do may mắn. "Không phải ai cũng nói được tiếng Anh và tôi thật may mắn khi làm được điều đó. Bên cạnh đó, tôi cũng có tham vọng và tầm nhìn, chăm chỉ và trách nhiệm cũng như tôi biết các đưa ra những đề xuất", Hashimy nói.
Khi đã vững vàng và quen với cách làm việc của quân đội Mỹ và Anh, Hashimy bắt đầu đề xuất được đảm nhận các hợp đồng cung ứng cho liên quân. Đơn hàng đầu tiên của chàng trai Afghanistan này là các ga trải giường nhỏ trị giá 600 USD. Cho tới trước khi Mỹ và đồng minh rút lui, Hashimy đảm trách việc cung ứng nhu yếu phẩm và cả nhiên liệu cho một phần hoạt động của Mỹ và liên quân ở Afghanistan.
Cách làm của Hashimy cũng là cách làm được hầu hết những "triệu phú 11/9" khác thực hiện. Món hời quá lớn sau đó khiến không ít người coi đó là cơ hội đổi đời. Họ tận dụng mối quan hệ của gia đình họ với các quan chức chính phủ hoặc lãnh đạo các tỉnh để có được những hợp đồng béo bở.
Tại quốc gia nghèo thứ 6 thế giới này, Mỹ có chủ trương bắt tay với các nhà thầu người Afghanistan để tăng cường tính gắn kết cũng như tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế địa phương. Tuy nhiên, những kẻ tham nhũng nhanh chóng nhận ra hợp đồng của Chính phủ Mỹ là miếng bánh không thể thiếu phần.
Vấn nạn tham nhũng và bảo kê đã khiến mục tiêu của Mỹ trở thành lợi bất cập hại. Không ít trong số tiền của người Mỹ lọt vào tay các quan chức tham nhũng và cả các lực lượng chống đối, trong đó có Taliban. Ngay cả khi số tiền được bơm vào vượt xa khả năng hấp thụ của nền kinh tế, người dân Afghanistan vẫn đói khổ.
Theo lời kể của Hashimy, rất nhiều "triệu phú 11/9" ở Afghanistan sử dụng những khoản tiền mà họ kiếm được một cách dễ dàng từ quan hệ và hối lộ, để mua các tài sản ở nước ngoài. Điểm đến xa xỉ và được ưu đãi thuế như Dubai là một lựa chọn phổ biến. Không ai ước tính chính xác được số tiền nhưng chắc chắn nó phải lên tới hàng chục tỷ USD.
Phần lớn số tiền này được ném vào thị trường bất động sản, đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng trên đảo nhân tạo ở Palm Jumeirah. Được cung cấp dịch vụ tốt nhất, những khu nghỉ dưỡng ở đây được bán với giá 11 triệu USD.
BBC dẫn lời một nhân viên kinh doanh bất động sản ở Dubai cho biết: "Nhiều tướng lĩnh và chính trị gia cấp cao cũng như các cá nhân giàu có trong lĩnh vực dầu mỏ, đã mua những ngôi nhà rất đắt tiền ở Palm Jumeirah, Dubai".
Trong khi đó, một trong những người như vậy đang sống ở Palm tiết lộ gần một phần tư tài sản trên khu vực đảo nhân tạo độc nhất vô nhị của Dubai này thuộc sở hữu của các tài phiệt hoặc lãnh chúa người Afghanistan.
Hashimy cũng có 2 ngôi nhà ở Dubai và 4 ngôi nhà ở Kabul. Tuy nhiên, người đàn ông này có một triết lý khác. "Chúng tôi là một trong số ít những công ty đầu tư trở lại cho đất nước Afghanistan. Chúng tôi luôn cam kết đầu tư mạnh mẽ và tự hào về điều đó", Hashimy nói.
Nhìn vào đế chế kinh doanh của Hashimy, người đàn ông này có lẽ không làm màu. Hashimy Group là tập đoàn lớn ở Afghanistan với đài truyền hình lớn, nhiều nhà máy sản xuất, sở hữu các bất động sản, hoạt động trong lĩnh vực vận tải đường bộ hay thậm chí là có cả một hãng hàng không non trẻ. Tuy nhiên, chưa rõ số phận của vị "triệu phú 11/9" này khi Taliban giành quyền kiểm soát đất nước. Hiện tại, mọi nỗ lực liên lạc của truyền thông với Hashimy đều chưa có hiệu quả.
Từ vài năm trước, phần lớn gia đình Hashimy đều đã sống ở Dubai. Sau sự cố an ninh buộc trường quốc tế ở thủ đô Kabul phải đóng cửa vào năm 2015, 2 con trai của Hashimy cũng đã chuyển tới Dubai. An ninh tốt và cơ hội giáo dục vượt trội ở Dubai là lý do thu hút những người Afghanistan siêu giàu chuyển tới đó.
Điều này trái ngược hoàn toàn với những gì đang diễn ra ở thủ đô Kabul chứ chưa nói đến phần còn lại của đất nước. Hàng triệu thường dân sống ở thủ đô Afghanistan chỉ có thu nhập chưa tới 2 USD/ngày. Thống kê năm 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), Afghanistan là quốc gia nghèo thứ 6 trên toàn cầu, thứ hạng vốn cơ bản không đổi kể từ năm 2002. Thu nhập bình quân đầu người chỉ là 500 USD/năm.
Rõ ràng, những khoản viện trợ khổng lồ của thế giới cùng các khoản tái thiết vô cùng lớn của nước Mỹ trong suốt 20 năm qua đã không chảy vào túi người dân Afghanistan. Nói cách khác, tiền này chỉ chảy vào túi một bộ phận nhỏ người Afghanistan, những người mang chúng ra nước ngoài để tận hưởng một cuộc sống vương giả. Ngay cả khi quốc gia này sụp đổ, sự giàu có của họ cũng chẳng hề bị ảnh hưởng.
Trở lại với câu chuyện của Hashimy, đế chế này đã có một cách đi khác biệt để thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cùng với sự sụp đổ của một chính quyền đã bị tham nhũng đục rỗng, chưa thể xác định được tương lai các tài sản mà Tập đoàn Hashimy sở hữu. Cần nhiều thời gian hơn nữa để biết Taliban sẽ làm gì để thúc đẩy nền kinh tế của Afghanistan, quốc gia bị chiến tranh tàn phá suốt 20 năm qua.
Tham khảo: BBC, CNBC