"Các thầy cúng Việt Nam giỏi hơn cả Gia Cát Lượng ư?

14/02/2022 08:50 AM | Xã hội

Một số thầy bây giờ vẫn khẳng định có thể dâng hình nhân cứu được mệnh. Nói vậy hóa ra các thầy cúng Việt Nam giỏi hơn ngài Gia Cát Lượng ư? Đó là mê tín.

Vốn là giáo viên dạy triết học ở Hà Nội, bà Phan Oanh có khả năng ngoại cảm sau một cơn đột biến. Bằng vốn liếng của một người am hiểu triết học, đạo Phật, với bề dày hơn 40 năm trải nghiệm và nghiên cứu tâm linh, bà đã có nhiều kiến giải gây chú ý.

Tháng giêng, mùa của nhiều lễ hội tín ngưỡng, tâm linh, nhà báo Hoàng Anh Sướng đã có cuộc trò chuyện kéo dài 5 tiếng đồng hồ với bà Phan Oanh, để mang tới cho Quý độc giả nhiều gợi ý quan trọng trong việc thực hiện các nghi lễ.

Các thầy cúng Việt Nam giỏi hơn cả Gia Cát Lượng ư? - Ảnh 1.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng trò chuyện với nhà văn hóa tâm linh Phan Oanh.

Các thầy cúng Việt Nam giỏi hơn cả Gia Cát Lượng ư? - Ảnh 2.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Thưa bà! Chúng ta đang bước vào những ngày đầu của Xuân Nhâm Dần. Tháng Giêng là tháng đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt Nam – thời gian có rất nhiều nghi thức tâm linh diễn ra như lễ cúng giao thừa, lễ dâng sao giải hạn, lễ rằm tháng Giêng… Đây là những nghi lễ đặc biệt quan trọng đã diễn ra từ ngàn năm. Song ý nghĩa của những nghi lễ này thế nào, phương pháp thực hiện ra sao cho hiệu quả, hiện không phải ai cũng hiểu, cũng biết, nhất là thế hệ trẻ!

Phan Oanh: Chúng ta đừng quá quan trọng mâm lễ mà chúng ta nên quan tâm chuẩn bị trong hành trang của chúng ta: Nhận thức thế nào về lễ nghĩa để những giây phút linh thiêng trong một năm ta đón nhận được nguồn năng lượng linh thiêng nhất của trời đất.

Cho nên, trước khi làm lễ cúng, phải làm sao cho sạch tâm, sạch thân. Bởi gốc vẫn là con người. Con người không thể để nguyên sơ. Con người phải có công phu tu tập. Minh triết của vũ trụ đặt ở Phương Đông. Ta muốn đi tìm minh triết phải biết kết hợp đạo trời, đạo Phật, đạo tổ nhất nguyên.

Lễ giao thừa chúng ta tri ân dâng vật lễ với tâm thế: "Mẹ thiên nhiên ơi! Con ở đây dâng ván cờ nhân quả". Chúng ta phát nguyện học thôi, tu thôi. Tẩm tưới các hạt thiện, nhận diện các hạt ác để làm người có ích cho gia đình và xã hội.

Nếu năm nay bằng linh căn, linh giác ta thấy rằng đang đi vào một vận hội khó thì ta phải xin cho con trí tuệ khai mở, cho con nội lực, cho con bản lĩnh, cho con đi trong chánh niệm, chánh định để con trả được nghiệp, con khôn lớn trưởng thành, con khai mở nội lực, con góp phần làm sáng danh ông bà tiên tổ và làm sáng danh dân tộc Việt Nam.

Chúng ta xin để tu, xin chỉ lối để đi chứ không phải xin để Ngài ban cho quả to, quả lớn. "Linh tại ngã, bất linh tại ngã". Nếu chúng ta cứ cầu xin, khi trăm họ chỉ dâng lời cầu xin là nuôi dưỡng tâm tham. Nhân gieo ở đâu mà các con đòi hái quả? Nếu bản thân ta luôn tu nhân, tích đức để ruộng phúc thêm lớn thì khi ấy, không tìm cầu quả ngọt vẫn hiện hữu ở tại thế nhân. Tất cả là ở trong ta.

Các thầy cúng Việt Nam giỏi hơn cả Gia Cát Lượng ư? - Ảnh 3.

Con người chúng ta ví tựa như một thành quách, 6 giác quan là 6 cổng thành. Mẹ thiên nhiên cho ta làm người, ban cho ta bản năng, 6 cổng thành là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nếu chỉ nhìn ra bên ngoài thôi, ta dễ bị nuôi dưỡng tâm tham, sân, si. 6 giác quan ấy đều có thể khai mở để ta nhìn vào bên trong ta. Chỉ khi nào nhìn vào bên trong, ta mới có thể làm sạch ta, làm mới ta, ngọc báu Mani trong ta mới hiện hữu. Lập tức chúng ta đỡ phải đi tìm cầu ở đâu.

Để có được sự màu nhiệm, chúng ta phải chuyển từ cảnh giới động, hoàn cảnh động sang tĩnh. Thần thức của chúng ta sẽ vượt qua các biên độ trong thiên nhiên, tạo ra một sự rung động, tạo ra sự kết nối. Kết nối được với các nguồn năng lượng vi tế trong trời đất.

Các thầy cúng Việt Nam giỏi hơn cả Gia Cát Lượng ư? - Ảnh 4.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Hàng ngàn năm nay, trong đời sống tâm linh người Việt, việc đi chùa dâng sao giải hạn là một nghi lễ tâm linh đặc biệt quan trọng. Nhưng cho đến ngày hôm nay, rất nhiều câu hỏi đặt ra là nghi lễ này bắt nguồn từ đâu, khi nào và các sao chiếu mệnh có ảnh hưởng thực sự đến số mệnh, tài vận của chúng ta không, thưa bà?

Phan Oanh: Trong giáo lý của nhà Phật, kể cả đại thừa, nhất là nguyên thủy càng không nói đến lễ dâng sao giải hạn. Thay bằng khái niệm dâng sao giải hạn thì có nhiều ngôi chùa cũng thiết lập những pháp đàn cúng cầu an. Tôi xin nhắc lại cái giáo lý, cái phương pháp tổ chức lễ cầu an năm mới chính là để hòa chúng, để thỏa mãn cái nhu cầu mong ước của tất thảy chúng sinh. Đúng như câu Phật dạy: "Tùy duyên ta hóa độ". Cho nên nhiều ngôi chùa vẫn tổ chức lễ cầu an đầu năm cho các Phật tử và cho tất thảy bách gia trăm họ dù đã quy y hoặc chưa quy y. Nếu ai ngưỡng mộ giáo lý của nhà Phật thì chúng ta đều có thể tham dự.

Một pháp đàn giải sao hay một pháp đàn cầu an phụ thuộc vào tuệ giác hay đạo lực của người đăng đàn. Khi đã vào chiếu giữa đăng đàn chính là làm cái cầu nối để nối con người lên các nguồn năng lượng trong thiên nhiên.

Vậy lễ dâng sao giải hạn là chúng ta nói ngọn. Nó giống như cây tre trăm đốt. Lễ dâng sao giải hạn đầu năm nó là đốt thứ 100. "Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa".  "Tiên học lễ". Vậy khởi đầu học lễ, kết thúc cũng lại là lễ. Nó gặp nhau tại một điểm ở đường tròn này. Nếu như những người thực hành tâm linh không làm sáng tỏ về phần lý luận, về nghĩa lý thì chính họ sẽ làm cho chúng sinh, làm cho những người đi lễ nuôi dưỡng tâm tham, mong cầu quá nhiều, để thỏa mãn tâm nguyện của mọi người, của các bạn đồng tu.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Là một nhà tâm linh, bà có thường tổ chức lễ cầu an không?

Phan Oanh: Những năm chưa xảy ra đại dịch Covid, tôi cũng tổ chức lễ cầu an. Nhưng tiêu chí của chúng tôi trong tờ giấy viết tên tuổi, địa chỉ, nơi ở là lễ dâng trình công đức để cầu an gia đạo. Tức là nó phải có gốc thì mới dẫn đến ngọn. Tại sao chúng ta lại lãng quên cái gốc?

Một kẻ buôn thuốc phiện cũng lập một quả lễ dâng sao giải hạn cực kỳ to và làm một mình không làm với ai, thì sẽ ra sao?. Cái này họ chẳng có lỗi nhưng những người dẫn dắt, những người thực hành tâm linh phải làm sáng tỏ. Vì vậy, tôi được người mẹ thiên nhiên dạy rằng: "Hầu hết những người làm tâm linh thường bạc phúc, lỗi đạo. Còn làm bất cứ việc gì cũng có tả phù hữu bật, đều có trợ lý. Tướng nào cũng có sĩ. Tượng, xe nào cũng có pháo mã, tốt đỏ, tốt đen. Có rất nhiều người ngồi vào vị trí quan trọng, thần thiêng nhờ bộ hạ.

Các thầy cúng Việt Nam giỏi hơn cả Gia Cát Lượng ư? - Ảnh 5.

Chính vì vậy mà lễ dâng sao giải hạn chính là chúng ta làm ngọn. Mà làm ngọn sẽ dẫn đến sự mê mờ, mê lạc, mê tín. Nếu chúng ta chỉ cần đưa thêm một khái niệm: Lễ dâng trình công đức thì với khái niệm này, sau một đàn lễ, nhờ vào phương pháp tâm linh chân chính, cao quý, nhờ một người thầy dẫn dắt trong sáng mà người ta từ buôn thuốc phiện thôi không buôn thuốc phiện thì công đức của thầy tâm linh vô lượng.

Người ta đang cho vay nặng lãi cắt cổ thiên hạ, người ta tự thấy mình kiếm tiền phạm đạo, mình thu tiền phạm đức, mình đương làm khổ quá nhiều dứt khoát phải nói với thầy viết cho con một lá sớ, con thề con đoạt tuyệt với công việc con đang làm thì chắc chắn công đức của ông thầy tâm linh vô lượng. Vì ông đã cứu được một người phúc đẳng hà sa.

Các thầy cúng Việt Nam giỏi hơn cả Gia Cát Lượng ư? - Ảnh 6.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Vậy chúng ta có nên đi lễ, làm lễ không, thưa bà?

Phan Oanh: chúng ta vẫn phải có Lễ, nhưng quan trọng là lễ thế nào cho đúng? Lễ thế nào cho có nghĩa? Lễ thế nào cho đúng lý? Lễ thế nào để khóa lễ ấy chạm được vào trái tim làm tâm ta thay đổi cuộc tu, rèn luyện chữ tâm, để từ cái tâm hoang sơ, từ cái tâm rất động nó tĩnh dần, tĩnh dần.

Theo tôi, 30% nhờ vào pháp lễ. Tôi nhắc lại, 30% nếu chúng ta lễ đúng thì có sự mầu nhiệm chuyển hóa được tâm. Nhưng nếu chúng ta cứ lễ theo cái nhìn của phàm nhân thì chúng ta càng nuôi dưỡng cái tâm tham, tâm sân, tâm si, càng nuôi dưỡng cái tâm so sánh, cái tâm được mất, cái tâm thắng thua, phải trái, đúng sai. Và thế là ta lại bắt đầu nuôi dưỡng phiền não. Như vậy là lỗi đạo, trái đạo.

Vì thế, tôi rất mong muốn không chỉ bách gia trăm họ, mà tất cả những người đang phụng sự ở đền to, chùa lớn, những người có căn cơ, có sứ mệnh làm thầy tiếp tục phải học, phải dung nạp kiến thức vũ trụ, kiến thức tâm linh để chúng ta làm một công việc "tùy duyên hóa độ", chứ không nên máy móc.

Còn cách lễ là phương pháp, tôi không muốn động chạm vào phương pháp vì nó muôn hình vạn trạng. Có những người thiết đàn rất to, có những người nói: "Thôi, việc lễ nghi cốt ở cái tâm". Họ hướng dẫn tư vấn làm những quả lễ dâng trình công đức, cầu an gia đạo năm mới rất đơn giản.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Bà có tin vào chuyện dâng một hình nhân có thể thế được mệnh mình như nhiều người đã và đang làm hiện nay không?

Phan Oanh: Không. Tôi không tin. Đến giỏi như Gia Cát Lượng còn không đảo sao cứu được mệnh mình nữa là. Ngài đã dặn dò mọi người khi đăng đàn thế mà Nguỵ Diên vẫn cứ bước vào. Trong cái phần hồn, phần vía, phần bóng của Nguỵ Diên mang một trường lực của vũ trụ, nó tạo ra một luồng năng lượng rất lớn làm tắt ngọn đèn trùng. Thế mà một số thầy bây giờ vẫn khẳng định có thể dâng hình nhân cứu được mệnh. Nói vậy hóa ra các thầy cúng Việt Nam giỏi hơn ngài Gia Cát Lượng ư? Đó là mê tín.

Các thầy cúng Việt Nam giỏi hơn cả Gia Cát Lượng ư? - Ảnh 7.

Nếu chúng ta bổ ra, cắt lát ra những vấn đề này thì nó rất phong phú nhưng trong buổi trò chuyện ngắn ngủi này, tôi chỉ tổng kết lại những điều mà ơn trên cho tôi cảm thụ được. Đo với chân lý và nương vào giáo lý của nhà Phật mà soi rọi, tôi thấy thấu tình đạt lý. Mạn phép và xin lỗi tôi sẻ chia đôi chút. Mong nhận được sự cảm thông của các bậc cao nhân, cao đạo.

Các thầy cúng Việt Nam giỏi hơn cả Gia Cát Lượng ư? - Ảnh 8.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Thưa bà! Như tôi được biết, tục dâng sao giải hạn bắt nguồn từ đạo Giáo của Trung Quốc chứ không phải từ đạo Phật. Song khi du nhập vào nước ta, nó sớm ăn sâu bám rễ trong đời sống tâm linh người Việt. Cho nên đã dẫn đến tình trạng ngày càng có nhiều người đổ đến các chùa làm lễ giải hạn như một trào lưu. Và tệ hơn, nhiều chùa đã biến đây thành cơ hội để kiếm tiền. Bà nghĩ gì về thực trạng này?

Phan Oanh: Minh triết của vũ trụ đặt ở Phương Đông và đất nước Trung Quốc cũng là 1 trong 4 cái nôi được nhân loại công nhận là trung tâm văn hoá. Cho nên những bậc tu tiên người ta cảm nhận được những quy luật của trời đất. Họ viết thành sách, họ để lại cho chúng ta những giá trị vô vàn cao quý.

Với quan điểm của tôi, tất cả những thành quả ấy là mẹ Thiên nhiên ban tặng cho nhân loại, ban tặng cho loài người ở cõi ta bà này nếu nhìn từ góc độ 33 cung trời chiếu xuống tạo ra các trường lực để làm cho vạn vật vận hành sinh sôi, phát triển từ lúc sinh ra đến lúc chết. Chứ tôi lại không nói đó là sản phẩm, thành quả của các bậc thánh nhân giống như ngài Thích Ca, giống như ngài Giê-su.

Cho nên, trong dịch học, trong chiêm tinh thì người ta đều đón nhận, cung kính, trân quý để tìm hiểu sự vận hành của vũ trụ. Tôi chỉ mong những ai có duyên thì học đến nơi đến chốn. Đừng cắt khúc ra, học bập bõm mà đã vội vàng đi trợ duyên cho trăm họ e lỗi đạo.

Tôi nghĩ việc của các ngài các ngài cứ làm còn việc của chúng ta cứ tu, cứ dưỡng, cứ học, cứ rèn, cứ luyện. Và trong 108 ngôi sao có 36 cụ thiện (sao lành), 36 cụ dữ (sao hung), 36 cụ trung dung chế hóa cái lành và dữ. Theo tôi đây là sự gia hộ sinh dưỡng của tạo hóa.

Nếu như năm nay mình sẽ bị chiếu tướng bởi "Nữ Kế Đô, nam La Hầu" thì chúng ta phải nhớ, nghiệp ác có thể trổ ra thành hạn hoạ. Vốn thế phải thế. Nếu nghiệp đến mà chúng ta có trí tuệ, trí tuệ giác ngộ, trí tuệ giải thoát thì đây là cơ hội cho chúng ta được trả nghiệp. Chúng ta hãy an nhiên, hãy tự tại đối diện, đừng chạy chốn. Cho nên lễ trình công đức (dâng sao) cũng giống như các đàn lễ khác, phải tuân thủ những yếu tố như:

- Nhờ phúc âm của tổ tiên (Kỳ vận của từng dòng họ và gia đình).

- Nhờ đức hạnh của chúng ta ngay kiếp này đang sống làm người.

- Phải có niềm tin mình là sản phẩm của thiên nhiên và chúng ta xuống đây để học chứ không phải để hưởng. Và nếu như năm nay chúng ta phải trả bài thì hãy an nhiên đi, tự tại đi, giác ngộ đi. Tôi tin rằng trả bài sẽ được điểm cao và một sự diệu kỳ là gia đình nhà mình sau một năm vẫn được tạ ơn tiên tổ con vẫn được bình yên. Nếu 3 yếu tố này mà thiếu thì mặc dầu chúng ta có cầu gì trong khi phạm tội khuynh thành đảo địa cả thiên nhiên, tự nhiên, cả luật lệ, cả đạo đức, thì tôi xin thưa, sự mầu nhiệm sẽ không còn.

Các thầy cúng Việt Nam giỏi hơn cả Gia Cát Lượng ư? - Ảnh 9.

Tôi luôn chia sẻ với mọi người: ai cứu mình? Chỉ có mình cứu được mình bởi vì trong trời đất còn có luật "Đức năng thắng số". Đức năng thắng số chứ đức năng không thắng được mệnh.  Mệnh là mình phải học Phật, phải cải hóa chính mình, tức là phải rèn cho cái tâm đang thô thành ngọc báu Mani, làm cho bụi trần gian không thể bám được thì mệnh cũng sẽ được cải hoá 1, 2, 3 phần.

Sự thực, chúng ta ít hiểu về cái lý lẽ giải sao. Chúng ta có cảm tưởng rằng, nếu không tham gia vào pháp đàn giải sao này thì bao nhiêu hạn hoạ, tai ương sẽ ập xuống. Tôi xin thưa, không có chuyện này đâu. Thay bằng lễ giải sao, hàng ngày chúng ta biết kiểm soát chính mình. Chúng ta cứ tích nhân, tích đức, hành thập thiện, tu tâm, dưỡng tính đúng theo lời Thánh hiền đã dạy thì tôi khẳng định, chúng ta sẽ cải hóa được số. Hạn có thể diễn ra mười phần. Nhờ có đức, có phúc, nhờ có cái tâm an nhiên mà ta có thể hóa giải được 1, 2, 3, 4, 5, 6,7… Cái này là nhân quả. Nhân quả của sự tích cóp vốn liếng và nhân quả của sự tu tập.

Đây là một chuyên đề rất dài, tôi mong những người làm tâm linh hoặc những người giữ những đền to chùa lớn phải tiếp tục làm sáng tỏ về phần lý luận. Còn lễ là về phương pháp, chúng ta có thể làm theo pháp Phật, pháp Thần, pháp Tiên, pháp Thánh, pháp Thủy, pháp Địa nhưng người đi lễ phải có pháp nhân tâm. Chứ chúng ta không được phép xoa hai tay và nói: "Con bạch thầy, con trăm sự nhờ thầy. Thầy đăng đàn để giải hạn cho gia đình nhà con".

Nhiều khi có rất nhiều người lầm tưởng rằng nhờ các bậc cao đạo ấy giải hạn cho chúng ta. Cái đó sẽ dẫn đến mê tín dị đoan. Thực tế, có nhiều nhà lập đại đàn dâng sao giải hạn, năm ấy đầy rẫy những hạn hoạ, tai ương đấy thôi. Có ai dám đến bắt đền thầy không? Chắc chắn là không.

Nhà báo Hoàng Anh Sướng: Về vấn đề này, tôi hoàn toàn nhất trí với quan điểm của bà. Như bà biết, tôi sinh năm 1973. Năm ngoái Tân Sửu 2021, tính theo tuổi âm, tôi bước sang tuổi 49. "49 chưa qua, 53 đã tới". Theo quan niệm dân gian từ ngàn đời nay, đó là hai tuổi hạn lớn nhất trong đời. Tuổi 49, tương ứng với nam gặp sao Thái Bạch, nữ gặp sao Thái Âm. Sao Thái Bạch hay còn gọi là Kim Tinh, là một hung tinh mạnh nhất trong hệ thống cửu diệu niên hạn. Người bị sao Thái Bạch chiếu mệnh trong năm sẽ hao tốn nhiều tiền của, ốm đau, công việc làm ăn lận đận, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả tính mạng.

Biết tôi tuổi 49, sao Thái Bạch chiếu mệnh, một số người thân lo lắng, mồng 4 Tết đã khuyên tôi nên sớm đến chùa nhờ các sư thầy làm lễ dâng sao giải hạn, Tôi khước từ. Nhưng tôi đã bước qua tuổi 49 một cách an nhiên, tự tại. Sức khỏe vẫn tốt, công việc vẫn hanh thông, nhiều dự án cho riêng mình và cộng đồng đều hoàn thành tốt đẹp...

Phan Oanh: Chúc mừng anh đã có một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời. Anh sớm giác ngộ được như vậy, thật đáng quý.

(còn nữa)

Theo Hoàng Anh Sướng

Cùng chuyên mục
XEM