Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn nhất thế giới kiếm tiền ra sao?

08/03/2022 15:05 PM | Kinh doanh

Chiến tranh là điềm gở với phần đa nền kinh tế, nhưng chuẩn bị cho chiến tranh lại là ngành kinh doanh tỷ đô. Theo một tổng hợp của trang tin quốc phòng uy tín Defense News, bất chấp đại dịch, 6 tập đoàn buôn bán vũ khí lớn nhất Mỹ vẫn tăng có mức tăng trưởng dương trong năm 2020, dẫn đầu bởi “ông lớn” Lockheed Martin, nhà sản xuất mẫu máy bay chiến đấu “best-seller” F-35.

Từ 2020 đến nay, bên cạnh COVID-19, tình hình căng thẳng gia tăng giữa các quốc gia, khu vực đã khiến nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là các công ty của Mỹ tiếp tục kinh doanh khả quan.

Từ sau thế chiến đến nay, nhu cầu vũ trang vẫn cao và nhà cung cấp lớn nhất vẫn là các công ty Mỹ. Theo bảng xếp hạng Top 100 công ty quốc phòng lớn nhất thế giới tính theo doanh thu năm 2020 của Defense News, Mỹ đẫn đầu thế giới với 6 công ty nằm trong top 10. Họ bao gồm Lockheed Martin, Raytheon Technologies, Boeing, Northrop Grumman, General Dynamics và L3Harris Technologies.

Ngoại trừ Boeing có doanh thu từ công nghiệp quốc phòng chỉ chiếm 56%, các cái tên còn lại đều có trên 80% doanh thu đến từ mảng này.

Năm 2020, 5 trong 6 công ty trên vẫn có mức tăng trưởng dương. Đây cũng là các công ty có cổ phiếu tăng mạnh trong bối cảnh cuộc chiến Ukraine và Nga leo thang. Chỉ trong một tháng nay, Northrop Grumman tăng 25.5%, Lockheed tăng 16%. 4 công ty còn lại giá cổ phiếu tăng từ 5 - 10% trong thời gian chiến sự căng thẳng.

 Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn nhất thế giới kiếm tiền ra sao?  - Ảnh 1.

Các công ty có doanh thu quốc phòng trên 10 tỷ USD. Nguồn: DefenseNews

 Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn nhất thế giới kiếm tiền ra sao?  - Ảnh 2.

Từ 2019 trong 2020, tổng cộng cả sáu công ty này đã tăng 2% doanh thu (5% nếu tính cả thương vụ hợp nhất thành Raytheon Technologies), mặc dù có giảm 18% tổng lợi nhuận. Mức giảm này phần lớn đi ra từ khoản chi phí vượt mức để sửa chữa mẫu máy bay chở dầu KC-46A và máy bay VC-25B của Boeing, khiến lợi nhuận công ty này giảm 41% trong 2020. Trái với tình hình ảm đạm tại Boeing, năm công ty còn lại đều có mức doanh thu tăng.

Dẫn đầu là Lockheed Martin với mức tăng trưởng doanh thu 9%, tương đương 5.6 tỷ đô, đưa tổng doanh thu công ty vào 2020 lên 62.5 tỷ đô. Trước đó, Lockheed Martin cũng đã có doanh thu tăng 6.1 tỷ đô vào 2019. Chỉ trong hai năm, doanh thu công ty này đã tăng 11.7 tỷ đô, tương đương 20%.

Lý giải cho thành công này là nhờ đẩy mạnh sản xuất các mẫu máy bay tiêm kích tàng hình thuộc dòng F-35, một sản phẩm đắt hàng của công ty. Trong 2020, số lượng máy bay F35 sản xuất được của công ty đã đạt kỷ lục 170 chiếc. Nhờ tối ưu được chi phí sản xuất, mức giá của mỗi chiếc F35 cũng giảm 13% trong giai đoạn 2019 - 2020.

Ngoài F35, Lockheed Martin còn là nhà sản xuất của hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, chiến đấu cơ F-22 Raptor, F-117, máy bay do thám U-2…

Ở vị trí số 2 là Raytheon Technologies – pháp nhân mới được hình thành từ hợp nhất 2 cái tên lớn là Raytheon Company với United Technologies, có tổng doanh thu 42 tỷ USD. Raytheon là nhà sản xuất của nhiều loại tên lửa nổi tiếng như Tomahawk, tên lửa phòng không Stinger hay tên lửa chống tăng Javelin đang được nhắc đến nhiều tại Ukraine.

Mức tăng trưởng đáng chú ý cũng đến từ Northrop Grumman. Sang 2020, công ty này tăng 2.8 tỷ đô doanh thu (tương đương 9%) lên mức 31.4 tỷ đô. Trong 2020, Northrop Grumman cũng đã ký hợp đồng 13.3 tỷ đô với Không quân Hoa Kỳ để phát triển hệ thống tên lửa hạt nhân xuyên lục địa trang bị cho tàu ngầm Trident II của nước này.

 Các tập đoàn công nghiệp quốc phòng lớn nhất thế giới kiếm tiền ra sao?  - Ảnh 3.

F-35 Lightning II, máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm của Mỹ

Theo danh sách của Defense News, các doanh nghiệp quốc phòng lớn nhất bên ngoài nước Mỹ gồm có Aviation Industry of China (25 tỷ USD) và China State Shipbuilding (13,4 tỷ USD) của Trung Quốc, B.A.E Systems của Anh (23,5 tỷ USD), Airbus (12 tỷ USD)… Tổng cộng có 15 công ty có doanh thu trên 10 tỷ USD.

Khác với Boeing, nguồn thu từ sản phẩm quốc phòng của Airbus chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ với 20% tổng doanh thu.

Theo báo cáo ngành Hàng không vũ trụ và Quốc phòng năm 2021 của hãng kiểm toán PwC, trong giai đoạn COVID-19, ngành công nghiệp quốc phòng vẫn đứng vững và được nhận định sẽ tăng trưởng mạnh mẽ. Nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra đến từ tình hình căng thẳng toàn cầu tại nhiều khu vực. Chính phủ của tổng thống Biden trong năm tài chính 2021 dự định sẽ tăng ngân sách quốc phòng lên 715 tỷ đô từ mức 704 tỷ đô 2020.

Tại châu Âu, vương quốc Anh, Đức và Pháp cũng đã xác nhận tăng ngân sách quốc phòng. Đáp ứng tình hình mới này, thị trường công nghiệp quân sự đã chuyển chiến dịch kinh doanh sang hướng đẩy mạnh đầu tư để mở rộng quy mô. Cuộc chơi vì thế ngày càng tập trung vào các ông lớn. Ví dụ rõ ràng nhất là các thương vụ M&A lớn giữa Lockheed Martin và Aerojet Rocketdyne, Harris sáp nhập với L3 Technologies, Northrop Grumman sáp nhập Orbital ATK, Raytheon sáp nhập United Technologies và General Dynamic mua lại CSRA.

Theo Yên Khê

Cùng chuyên mục
XEM