Các ông lớn như Vingroup, Sungroup, GE, LG… tác động như thế nào đến kinh tế Hải Phòng?
"Tập đoàn Vingroup với tổng vốn đầu tư gần trăm nghìn tỷ đồng. Tập đoàn Sungroup đang khẩn trương đầu tư vào khu vực Cát Hải, Cát Bà với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD. Một loạt các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khác cũng không ngần ngại rót hàng nghìn tỷ đồng vốn...", Cục thống kê Thành phố Hải Phòng ghi nhận.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hải Phòng trong 6 tháng đầu năm tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất từ trước đến nay. Số liệu cũng cho thấy công nghiệp tiếp tục là một điểm sáng, đóng góp cho kinh tế toàn thành phố.
Cục Thống kê thành phố Hải Phòng đã chỉ rõ một số doanh nghiệp có đóng góp lớn cho tăng trưởng công nghiệp của toàn thành phố trong nửa đầu năm 2019.
Cụ thể, với việc Nhà máy sản xuất ô tô VinFast được khánh thành ngày 14/6 đã đánh dấu giai đoạn sản xuất hàng loạt ô tô mang thương hiệu Việt Nam. Trong tháng 6/2019, nhà máy dự kiến sản xuất gần 1.900 xe ô tô, trong đó chủ yếu xe cỡ nhỏ Fadil với 1.850 chiếc, những chiếc xe đầu tiên đã được bàn giao tới khách hàng vào ngày 17/6/2019, vượt tiến độ cam kết 2 tháng. Các dòng sản phẩm là Lux A2.0 và Lux S A2.0 sẽ được bàn giao vào cuối tháng 7/2019.
Cũng trong tháng này, số lượng xe máy điện được VinFast sản xuất là 1,2 nghìn chiếc. Tuy nhiên, phía Cục thống kê cho biết xe đang tiêu thụ chậm vì giá bán khá cao, doanh nghiệp hiện có chính sách giảm giá để tăng tiêu thụ.
Theo kế hoạch đến cuối năm 2019, VinFast sẽ ra mắt thêm 4 mẫu xe máy điện thông minh, bao gồm các phân khúc từ trung cấp, cao cấp đến siêu cao cấp nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.
Còn với nhà máy Vinsmart, khối lượng điện thoại của đơn vị này sản xuất trong tháng 6 đã sụt giảm mạnh do doanh nghiệp sẽ chính thức dừng sản xuất và chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất tại Khu kinh tế Đình Vũ - Hải Phòng sang nhà máy đặt tại KCN cao Hòa Lạc - Thạch Thất (Hà Nội) trong 1 – 2 tháng tới.
Ngành sản xuất thiết bị điện 6 tháng tiếp tục đạt mức tăng cao nhất, hơn 200%, với đóng góp chủ lực của chi nhánh công ty TNHH GE Hải Phòng với sản phẩm chính là máy phát điện tuabin gió và các linh kiện hệ thống điều khiển điện. Dự kiến tháng 6/2019 sản xuất và tiêu thụ giảm nhẹ do các đơn hàng lớn tập trung trong tháng 5.
Ba doanh nghiệp thuộc tập đoàn LG trong 6 tháng năm 2019 dự kiến tăng 51,9% so cùng kỳ, thu hút và tạo việc làm cho hơn 15,5 nghìn lao động, tăng 70% so cùng kỳ. Theo đó, khi LG Innotek tăng công suất nhà xưởng 2, LG Display đưa nhà máy 2 vào hoạt động chính thức và LG Electronic phát triển sản xuất với các dòng sản phẩm điện thoại thông minh sau khi hoàn tất việc dịch chuyển nhà máy từ Hàn Quốc tới Hải Phòng thì đây sẽ là động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế của thành phố.
Trong 6 tháng đầu năm, Cục thống kê thành phố Hải Phòng cũng nhận định có sự phát triển vượt bậc, tập trung vốn đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào các dự án lớn nhất từ trước đến nay của thành phố.
"Đó là Tập đoàn Vingroup với tổng vốn đầu tư gần trăm nghìn tỷ đồng. Tập đoàn Sungroup đang khẩn trương đầu tư vào khu vực Cát Hải, Cát Bà với tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD. Một loạt các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khác cũng không ngần ngại rót hàng nghìn tỷ đồng vốn vào Hải Phòng như Tập đoàn BRG với dự án sân golf và khu biệt thự Đồ Sơn hơn 2.100 tỷ đồng; khách sạn 5 sao Hilton hơn 1.000 tỷ đồng...Những công trình này đang được đánh giá là sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo đô thị và phát triển kinh tế Hải Phòng", báo cáo cho biết.
Nguồn vốn FDI đầu tư vào Hải Phòng cũng không ngừng tăng nhanh những năm gần đây (chiếm 29,5% tổng mức đầu tư toàn xã hội).
Tính riêng 3 dự án của Tập đoàn LG đã có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 4 tỷ USD. Cùng với đó là một loạt các nhà đầu tư nước ngoài đã có mặt tại Hải Phòng như Regina Miracle Internatinonal Việt Nam, Bridgestone, Nippro Pharma, Kyocera, Fuji Xerox, GE,… Trong 6 tháng đầu năm 2019 có dự án sản xuất vật liệu nam châm đất hiếm của công ty TNHH vật liệu nam châm Shin-Etsu Việt Nam đã bổ sung thêm vốn đầu tư 81 triệu USD.