Các nước châu Á cần chuẩn bị sẵn sàng cho những dấu hiệu suy thoái toàn cầu?
Nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào thương mại giờ đây đang đối diện với thời khắc khó khăn nhất tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Rủi ro suy thoái kinh tế ám ảnh kinh tế toàn cầu. Trong tuần này, thị trường trái phiếu thế giới phát đi dấu hiệu rằng kinh tế Mỹ đang suy giảm. Sản xuất toàn cầu vốn đã suy yếu đi.
Tại châu Á, động thái hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của chính phủ Singapore vào ngày 13/8/2019 cho thấy sự thật rằng các nền kinh tế châu Á phụ thuộc vào thương mại giờ đây đang đối diện với thời khắc khó khăn nhất tính từ khủng hoảng tài chính toàn cầu – cuộc khủng hoảng mà chính phủ các nước này đang chật vật để ứng phó.
Trong quý gần nhất, kinh tế Singapore dường như không tăng trưởng. Chính phủ Singapore vì vậy buộc phải hạ dự báo tăng trưởng xuống mức từ 0% đến 1%, thấp hơn so với con số 1,5% đến 2,5% theo công bố trước đó. Vào tháng 7/2019, phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat từng nói rằng ông không tin kinh tế nước ông sẽ có suy thoái kinh tế trong cả năm.
Tuy nhiên, tuyên bố của ông được đưa ra trước khi nhiều số liệu tiêu cực được công bố, gần đây các thông tin cho thấy kinh tế Đức đang suy giảm, sản lượng công nghiệp Trung Quốc tăng trưởng chậm và rớt xuống mức thấp nhất trong gần 2 thập kỷ.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc không có nhiều dấu hiệu suy giảm. Sau khi nhiều vòng đàm phán thương mại gần đây đổ vỡ, việc có được thỏa thuận trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang dần trở nên xa vời.
Ngày 13/8/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm thời trì hoãn áp dụng thuế cao hơn với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, thông tin này không khỏi khiến thị trường lạc quan hơn. Thế nhưng tác động tồi tệ hơn của chính sách tiến lùi không rõ ràng của ông chỉ khiến cho bất ổn tác động đến niềm tin của nhà đầu tư và nhà sản xuất trở nên lớn hơn, họ cắt giảm đơn hàng sản xuất và giảm đầu tư.
Chuyên gia kinh tế thuộc Morgan Stanley, ông Chetan Ayah, nhận xét rằng bất kỳ cuộc chiến thương mại leo thang nào sẽ chỉ khiến cho suy thoái kinh tế toàn cầu trong nửa đầu năm 2020 trở nên tồi tệ hơn. Ngân hàng đầu tư này tính toán rằng tăng trưởng sẽ rớt xuống dưới mức 2,5% từ mức 3% hiện tại.
Ngay cả nếu kịch bản trên có thể tránh được, triển vọng xung đột thương mại kéo dài sẽ tạo ra cả kẻ thắng và người thua, đặc biệt tại khu vực châu Á.
Thứ hai, dù rằng những yếu tố suy yếu của triển vọng toàn cầu có nguyên nhân từ Tổng thống Trump, nhiều vấn đề cấu trúc cũng đang tác động. GDP Trung Quốc đang tăng trưởng chững lại, rớt xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ. Phần lớn các chuyên gia phân tích cho rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục sụt giảm vào năm sau.