Quỹ bình ổn giá xăng dầu, doanh nghiệp xin bỏ, bộ kiên trì giữ
Việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu khiến giá trong nước không “đồng điệu” với giá thế giới. Phía đề nghị bỏ Quỹ đưa ra nhiều lý lẽ, bên muốn giữ lại cũng có lập luận “nặng ký”.
Giá xăng tăng - giảm thất thường
Cách đây ít lâu, tại văn bản gửi Văn phòng Chính phủ ngày 12/4/2019, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đại diện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã thêm 1 lần ý kiến về Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Theo Hiệp hội xăng dầu, việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu khiến người tiêu dùng “chịu thiệt thòi hơn là được lợi” vì bản chất là người tiêu dùng đang ứng trước cho Quỹ. Bên cạnh đó việc sử dụng Quỹ mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu.
“Bỏ quỹ bình ổn giá để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới. Mặt khác, khi bỏ quỹ bình ổn, tính minh bạch công khai trong việc điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống các DN đầu mối”, Hiệp hội Xăng dầu kiến nghị.
Liệu nhận xét của Hiệp hội xăng dầu có phù hợp hay không? Câu trả lời là có phần đúng nếu theo dõi việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu từ đầu năm đến nay.
Vào những tháng đầu năm nay, giá xăng dầu thế giới tăng rất mạnh. Theo lẽ thông thường, giá xăng dầu trong nước cũng phải tăng theo cho phù hợp. Nhưng vì nhiều lý do, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định không tăng giá xăng dầu trong nhiều kỳ điều chỉnh. Thay vào đó, để kiểm soát mức tăng giá xăng, liên Bộ đã xả mạnh Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Giá xăng dầu đang diễn biến không cùng chiều với giá thế giới. Ảnh: Lương Bằng
Trước đó, việc Quỹ bình ổn giá cũng được xả rất mạnh. Ngày 15/2, nhiều tính toán cho thấy giá xăng dầu phải tăng do giá thế giới tăng gần 2 USD/thùng thì liên Bộ tiếp tục giữ nguyên giá. Quỹ bình ổn giá lại được chi “khủng” với mức gần 2.000 đồng/lít xăng E5, và hơn 1.000 đồng/lít với các loại xăng, dầu khác. Tình hình này cũng diễn ra trong tháng 1/2019.Có thời điểm Quỹ bình ổn đã được xả ở mức cao chưa từng có. Đó là tại kỳ điều hành ngày 18/3, khi ai cũng nghĩ giá xăng phải tăng rất mạnh, thì liên Bộ vẫn giữ nguyên giá xăng dầu. Đồng thời, mức chi Quỹ bình ổn giá lên mức kỷ lục chưa từng có là 2.800 đồng/lít xăng E5, Xăng RON95 là 2.061 đồng/lít. Một lý do là “nhường” cho giá điện tăng vào 20/3.
Mặt tích cực là, giá xăng dầu trong nước được kiềm chế tăng giá. Nhưng mặt trái của nó là khiến cho Quỹ bình ổn giá vốn đang dương hàng nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2018, thì nhanh chóng trở về con số âm với mức âm có thời điểm Quỹ lên đến 700 tỷ đồng.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm nặng, khiến cho nhiều DN xăng dầu “lo ngay ngáy” khi phải dùng tiền vốn tự có hoặc vay ngân hàng để bù cho mức Quỹ bị âm. Nhiều DN tỏ ra không hài lòng với việc xả quỹ mạnh thời điểm đầu năm 2019.
Trong 2 tháng gần đây, giá xăng dầu thế giới giảm. Nhưng vì quỹ bình ổn giá bị âm, cho nên mức giảm giá xăng dầu trong nước lại không tương xứng. Lý do là liên Bộ Công Thương - Tài chính phải tính toán trích lập Quỹ bình ổn giá, để giảm số âm của Quỹ. Bởi vậy, có nhiều thời điểm, giá xăng dầu trong nước giảm rất nhẹ dù giá thế giới giảm mạnh.
Đơn cử tại kỳ điều hành giá xăng dầu gần nhất là ngày 18/6, giá xăng RON 95 đáng lẽ có thể giảm 1.000 đồng/lít nhưng đã không thành hiện thực do phải bỏ ra 500 đồng để trích lập Quỹ. Còn một số kỳ điều chỉnh khác gần đây, như kỳ điều hành ngày 17/6 liên bộ trích lập Quỹ với giá xăng RON 95 và các mặt hàng dầu lên tới 900 đồng/lít. Điều này khiến giá xăng trong nước khi đó đáng lẽ giảm được tới gần 2.000 đồng/lít thì chỉ giảm được 1.085 đồng.
Vậy nên, nhận xét của Hiệp hội xăng dầu về Quỹ bình ổn giá như nêu ở trên là có lý. Giá xăng dầu rõ ràng “lạc nhịp” với sự biến động của giá xăng dầu thế giới.
Lý lẽ lo giá tăng 'sốc'?
Thế nhưng, ở quan điểm khác, lãnh đạo Bộ Công Thương cũng nhiều lần đưa ra các lý do để duy trì Quỹ bình ổn giá này.
Trong đó, lý do chủ đạo nhất là việc có Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ giúp cho nhà điều hành có công cụ để kiểm soát khi giá thế giới tăng cao, nhất là ở một số thời điểm “nhạy cảm” như Tết. Bởi nếu giá thế giới tăng cao, giá xăng dầu trong nước sẽ không thể tránh khỏi tăng sốc, kéo theo hàng loạt mặt hàng “té nước theo mưa”, đẩy lạm phát lên cao ngoài tầm kiểm soát.
Lý do ấy có vẻ thuyết phục khi thực tế có những thời điểm Quỹ bình ổn giá đã phát huy tác dụng. Nhưng về lâu dài, như đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây đã đề nghị xây dựng lộ trình bãi bỏ một số quỹ, trong đó có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để mặt hàng xăng, dầu cũng được quản lý giá như các mặt hàng khác theo luật Giá mà không cần quỹ bình ổn.
Rõ ràng, việc bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ làm cho giá xăng dầu trong nước lên xuống nhịp nhàng theo giá thế giới. Việc cân nhắc lộ trình bỏ Quỹ này là phù hợp với một nền kinh tế thị trường cũng giúp cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng không lung túng mỗi lần giá xăng tăng giảm. Đây là việc trước sau gì cũng phải làm.
Còn với lo ngại giá xăng dầu đột biến có thể làm lạm phát tăng cao, thì kiểm soát lạm phát không phải chỉ dựa vào công cụ kiểm soát giá, mà còn nhiều công cụ khác như điều hành chính sách tiền tệ chẳng hạn.