Các nhà khoa học Trung Quốc lại vừa nhân bản thành công 5 con khỉ biến đổi gen đầu tiên trên thế giới

26/01/2019 08:35 AM | Khoa học

Việc đó chẳng khác nào bạn vào thư mục hệ thống System32 trong Windows, chọn một file rồi xóa nó xem máy tính có gặp vấn đề gì hay không.

Trung Quốc tiếp tục trở thành chủ điểm cho các nghiên cứu gây tranh cãi về đạo đức, sau khi các nhà khoa học nước này công bố vừa nhân bản thành công 5 con khỉ biến đổi gen đầu tiên trên thế giới. Những con khi có gen lỗi và thể hiện một loạt các triệu chứng về bệnh di truyền.

Các nhà khoa học đã biết trước điều đó, nhưng họ vẫn chủ đích tạo ra những sinh linh bệnh tật và ban cho chúng một "cuộc sống". Mục đích mà họ tuyên bố là sẽ sử dụng những con khỉ chỉnh sửa gen làm vật thí nghiệm trong nghiên cứu y sinh.

Ý tưởng là nếu có thể sử dụng những con khỉ nhân bản bị bệnh, chúng ta sẽ hạn chế được việc đưa những con khỉ đang sống khỏe mạnh vào nghiên cứu, từ đó giảm được tổng số động vật thí nghiệm trên toàn cầu.

Nhưng liệu đó có đơn giản là câu chuyện hình nhân thế mạng? Hai nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí Khoa học Quốc gia Trung Quốc tiếp tục trở thành mỏ khai thác các vấn đề đạo đức.

Nó cũng khiến công chúng phải tự hỏi: Liệu những lợi ích tiềm năng phục vụ khoa học có đủ để nhân danh cho công việc mà các nhà khoa học Trung Quốc đã làm, đồng thời đảm bảo những rủi ro có thể xảy ra đối với những con khỉ này hay không?

Theo bản báo cáo từ hai nghiên cứu mới, các nhà khoa học Trung Quốc đã bắt đầu công việc của họ trên một con khỉ gốc. Họ sử dụng công cụ chỉnh sửa gen CRISPR /Cas9 để thay đổi DNA của con khỉ này.

CRISPR/Cas9 là công cụ chỉnh sửa gen tiên tiến nhưng đơn giản và hiệu quả nhất hiện nay. Nó sử dụng những trình tự lặp trong DNA vi khuẩn để cắt DNA từ đó tùy chỉnh được các biến đổi theo mong muốn của người sử dụng.

Các chuyên gia coi đây là một bước tiến quan trọng, do CRISPR có thể chỉnh sửa DNA nhanh gọn và quan trọng hơn là với chi phí thấp. Nhưng cũng có một số nghiên cứu gần đây chứng minh công cụ chỉnh sửa gen này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ ngoài ý muốn .

Trong thí nghiệm này, các nhà khoa học Trung Quốc đã chỉnh sửa để "tắt" một gen có tên BMAL-1 trong con khỉ gốc. Gen này góp một phần trách nhiệm vào quá trình chạy của chiếc đồng hồ sinh học trong cơ thể nó.

Con khỉ bị tắt gen này thế hiện các triệu chứng lo lắng và trầm cảm, giảm thời gian ngủ và thậm chí biểu hiện những hành vi giống như bệnh tâm thần phân liệt. Sự gián đoạn nhịp sinh học thậm chí có liên quan đến bệnh tiểu đường và ung thư.

Sau khi tạo ra được một con khỉ gốc có các triệu chứng này. Nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã thu thập các hạt nhân từ tế bào mô của nó, rồi chuyển vào những tế bào trứng để tạo ra 325 phôi nhân bản vô tính.

Các phôi này được đưa vào cơ thể 65 con khỉ cái, 16 trong số đó đã mang thai, nhưng chỉ có 5 con khỉ nhân bản được ra đời. Chúng sống nhưng đều biểu hiện các triệu chứng rối loạn di truyền từ con khỉ gốc.

Giải thích cho nghiên cứu của mình, tác giả Hung-Chun Chang, một nghiên cứu viên đến từ Viện Khoa học Thần kinh Trung Quốc cho biết hy vọng của ông là tạo ra được các sinh vật có mô hình bệnh tật xác thực hơn với con người, để nghiên cứu các căn bệnh di truyền, bao gồm các bệnh về não, ung thư và các rối loạn khác, đồng thời tìm cách điều trị chúng.

Nếu tạo ra được các con vật giống hệt nhau, có lẽ các nhà khoa học có thể khoanh vùng nguyên nhân và chữa trị cho chúng nhanh hơn.

Trung Quốc nhân bản 5 con khỉ biến đổi gen đầu tiên trên thế giới  

Bình luận về nghiên cứu, Jose Cibelli, một giáo sư về công nghệ sinh học động vật từ Đại học Michigan, Hoa Kỳ nghĩ rằng công trình này là "một minh chứng thuyết phục rằng chúng ta có thể tắt gen trong một loài linh trưởng không phải người, xem xét tác động của nó đối với con vật và sau đó tạo ra các bản sao của con vật đó".

Ông nghĩ rằng có nhiều bản sao của cùng một con vật có thể giúp xác định nguồn gốc bệnh và con đường điều trị. Ủng hộ nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc, giáo sư Cibelli nói nghiên cứu này là một cột mốc quan trọng, và ông không thấy nhiều lựa chọn khác ngoài con đường mà các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang đi.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng đồng ý với điều đó. Nhà sinh vật học Carolyn Neuhaus từ Trung tâm Hastings, một tổ chức phi lợi nhuận về đạo đức sinh học đã tóm tắt phản ứng của cô khi được hỏi về nghiên cứu của Trung Quốc trong một câu ngắn gọn: "Wow, điều này thật choáng váng".

Nghiên cứu nhân bản khỉ biến đổi gen kết hợp rất nhiều vấn đề đạo đức trong cả 3 lĩnh vực: quyền động vật, nhân bản và chỉnh sửa gen. Neuhaus nhấn mạnh rằng ở đây, những con khỉ chỉ được coi là công cụ.

Nhóm nghiên cứu không giấu giếm thực tế là những chú khỉ đang phải chịu đau khổ, trầm cảm và những hành vi giống như bệnh tâm thần phân liệt. Neuhaus lưu ý một chi tiết quan trọng rằng các nhà khoa học Trung Quốc chỉ nhắm đến việc nhân bản những con khỉ bệnh, mà không có giả thuyết khoa học hoặc phương pháp điều trị dự phòng nào cho chúng.

Về cơ bản, họ chỉ tắt một gen trong những con khỉ rồi bỏ mặc chúng xem điều gì có thể xảy ra. Việc đó chẳng khác nào bạn vào thư mục hệ thống system32 trong Windows, chọn một file rồi xóa nó xem máy tính của bạn sẽ gặp vấn đề gì.

Ngoài ra, những con khỉ này có thể biểu hiện những hành vi giống như mắc bệnh ở người, nhưng giữa khỉ và người không hẳn là một so sách trùng khớp. Có thể việc tắt gen BMAL-1 sẽ gây ra các tác dụng khác với chúng ta, khi đó, sẽ thật nguy hiểm nếu tự tin thái quá về những kết quả nghiên cứu trên khỉ.

Còn một điểm cuối cùng nữa, những con khỉ có DNA giống hệt nhau vì nhân bản cũng là điểm yếu của nghiên cứu. Chúng ta biết mỗi người đều có bộ gen khác hẳn nhau, do đó, một phương pháp chữa trị cho những con khỉ giống hệt nhau có thể không hoạt động khi được áp dụng sang bộ gen của con người.

Các nhà khoa học Trung Quốc lại vừa nhân bản thành công 5 con khỉ biến đổi gen đầu tiên trên thế giới - Ảnh 2.

Một chú khỉ nhân bản trên tay một nhà nghiên cứu Trung Quốc

Mặc dù vậy, Neuhaus không nói rằng chúng ta không nên chỉnh sửa gen khỉ. Nhưng, cô ấy nói, "nếu tôi ở trong một ủy ban đánh giá đạo đức, tôi sẽ rất do dự khi phê duyệt [nghiên cứu này] vì mức độ gây hại đáng kinh ngạc của nó đến động vật. Tôi hy vọng các nhà khoa học đang đề xuất nghiên cứu này sẽ có câu trả lời thỏa đáng cho những câu hỏi rất khó về phương pháp của họ và lợi ích họ mong đợi từ nghiên cứu".

Có thể thấy, lĩnh vực nhân bản và chỉnh sửa gen đang chứng kiến những tiến bộ rất nhanh chóng. Các nhà khoa học Trung Quốc mới chỉ công bố nhân bản thành công con khỉ đầu tiên cách đây đúng một năm .

Kỹ thuật CRISPR đã được sử dụng ở người, và nhà khoa học Trung Quốc He Jiankui gần đây tuyên bố đã tạo ra những đứa trẻ được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới, gây ra sự phẫn nộ lớn trong cộng đồng khoa học. Chính phủ Trung Quốc đã điều tra và kết luật hành động của ông He là vi phạm pháp luật.

Các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giỡi cũng từng thảo luận rất nhiều về vấn đề đạo đức của nghiên cứu chỉnh sửa gen. Các công nghệ mới luôn đem đến nhiều quyền năng mới cho con người, nhưng chúng cũng luôn đi kèm với những câu hỏi đạo đức mới.

Liệu khi chúng ta làm một điều gì đó, có thể gây hại và vi phạm những nguyên tắc đạo đức của chúng ta, lợi ích của việc đó có vượt xa những hậu quả tiềm tàng hay không? Trong nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc, câu trả lời cho tiêu chuẩn cơ bản đó dường như không hề rõ ràng.

Theo ZKnight

Từ khóa:  khoa học
Cùng chuyên mục
XEM