Các nhà khoa học kì vọng vào liệu pháp chữa ung thư được tìm thấy ở một nơi ít ai ngờ tới là... toilet
Nhiều nhà khoa học hiện đang tìm kiếm phương thuốc chữa trị ung thư ở một nơi ít ai ngờ tới: nhà vệ sinh.
Các nghiên cứu mới cho thấy có mối liên hệ giữa hàng tỉ vi khuẩn sống trong ruột và hiệu quả của các phương pháp miễn dịch – những loại thuốc củng cố hệ miễn dịch của cơ thể để chiến đấu với các khối u. Chính điều này đã khiến các công ty trên toàn thế giới bắt đầu nghiên cứu phân của bệnh nhân nhằm hiểu rõ hơn về các vi sinh vật trong hệ tiêu hóa.
Jonathan Peled, một chuyên gia ghép tủy xương ở Trung tâm ung thư Memorial Sloan Kettering ở New York, cho biết: “Ngành công nghệ sinh học (CNSH) đã bắt đầu để ý hơn khi các loại thuốc miễn dịch phổ biến hiện nay được đưa vào sử dụng”.
Trong khi các liệu pháp miễn dịch cho thấy nhiều hứa hẹn và doanh số hàng năm có thể tăng gấp 3 đến 22 tỷ USD vào năm 2020, nhưng chúng vẫn chỉ chứng tỏ được tác dụng trên một lượng nhỏ bệnh nhân ung thư. Bên cạnh đó chúng còn có nhiều tác dụng phụ như bệnh viêm gan và viêm ruột kết, dẫn đến tiêu chảy cấp.
Các nhà đầu tư lớn, từ Seventure Partners và Flagship Pioneering Inc. cho đến các công ty dược khổng lồ Bristol-Myers và Johnson & Johnson, đều hứa sẽ đầu tư ít nhất 125 triệu USD cho các công ty khởi nghiệp về sử dụng vi sinh vật trong điều trị ung thư trong những năm gần đây.
Tập trung chủ yếu ở Paris và Boston, các công ty mới đã phân tích hàng chục ngàn mẫu phân, chủ yếu là các loại vi khuẩn nằm ở thành đường ruột-dạ dày. Theo Pierre Belichard, CEO của công ty CNSH Pháp Enterome, thì việc này cũng “bình thường như người ta lấy máu vậy”.
Yếu tố bất ngờ
Mối liên hệ giữa vi sinh vật trong ruột với các liệu pháp miễn dịch đã đưa đến 2 nghiên cứu tiên phong được công bố vào năm 2015. Một nghiên cứu cho thấy phân của bệnh nhân được xử lý với thuốc ung thư miễn dịch đã kích hoạt hiệu quả của thuốc ở chuột như thế nào. Nghiên cứu còn lại cho biết một số loại vi khuẩn khi kết hợp với thuốc miễn dịch đã làm ngừng tốc độ phát triển của khối u.
Hệ sinh thái vi khuẩn có thể giúp các bác sĩ đạt được 3 mục tiêu chủ chốt để khiến các liệu pháp miễn dịch hoạt động tốt hơn. Mục tiêu đầu tiên là xác định rõ hơn ai có thể nhận sự trợ giúp. Mục tiêu thứ hai là làm thế nào điều chỉnh hệ miễn dịch của cơ thể để việc chữa trị có tác dụng với nhiều bệnh nhân hơn. Và thứ ba là làm thế nào để ngăn chặn một tác dụng phụ phổ biến: hệ miễn dịch tấn công ruột. Và xa hơn nữa, nhưng có vẻ hơi viển vông, là một biện pháp chữa trị cho phép vi khuẩn trong ruột chiến đấu hoặc ngăn chặn ung thư.
Cấy ghép phân liệu có khả thi?
Vẫn chưa rõ loại vi khuẩn nào có lợi nhất và liệu có tốt hơn nếu đưa chúng vào cơ thể theo dạng cấy ghép phân hay thuốc uống, hay các nhà nghiên cứu có nên tập trung vào các loại thuốc dựa trên tác dụng của chúng hay không. Khó khăn ở đây là phải nhận diện được “hệ sinh thái tốt nhất”, một sự kết hợp giữa các vi khuẩn vừa không độc lại vừa có hiệu quả.
Trong lĩnh vực điều trị ung thư, mục tiêu là “làm xáo trộn hệ miễn dịch theo cách có lợi”, khiến nó hành động và tấn công các tế bào ung thư. Theo David Cook, Giám đốc Khoa học của Seres Therapeutics Inc., thì “hiện đã có một số bằng chứng gián tiếp, những bằng chứng rất mạnh mẽ cho thấy vi khuẩn có thể làm được việc đó”.