Các nhà khoa học đã trồng được cây tại sa mạc nóng tới 50 độ C

02/07/2018 13:38 PM | Xã hội

Nhà khoa học người Na Uy Kristian Morten Olesen đã được cấp bằng sáng chế một quá trình trộn các hạt nano đất sét với nước và liên kết chúng với các hạt cát để cải thiện đất sa mạc.

Faisal Mohammed Al Shimmari trồng trọt trong một số điều kiện khắc nghiệt nhất thế giới tại Al Ain, một ốc đảo ở sa mạc Ả Rập thống nhất nơi nhiệt độ có thể đạt tới 50 độ C.

Làm nông nghiệp trong môi trường sa mạc rất đắt đỏ vì người dân phải mua nước thường xuyên để tưới cho cây trồng. Nông dân phải sử dụng xe bồn để chở nước, và các trang trại ở sa mạc sử dụng nước nhiều gấp 3 lần so với những trang trại ở vùng khí hậu ôn đới. Điều này khiến cho trồng trọt ở sa mạc trở nên thiếu thực tế. Do đó, UAE nhập khẩu khoảng 80% lương thực.

Tuy nhiên, đây có thể là tương lai canh tác của nhiều quốc gia. Hạn hán gia tăng, nạn chặt phá rừng và các phương pháp thâm canh đang biến một khu vực có diện tích bằng ½ nước Anh thành sa mạc mỗi năm.

Theo LHQ, đến năm 2030, 135 triệu người có thể mất nhà cửa và sinh kế của họ do sa mạc hóa. Vấn đề này gia tăng thách thức trồng trọt trong điều kiện ngày càng khắc nghiệt hơn, nhưng một nhà khoa học đã đưa ra một sáng kiến có thể đem màu xanh trở lại với sa mạc.

Đất sét lỏng

Các nhà khoa học đã trồng được cây tại sa mạc nóng tới 50 độ C - Ảnh 1.

Nhà khoa học người Na Uy Kristian Morten Olesen đã được cấp bằng sáng chế một quá trình trộn các hạt nano đất sét với nước và liên kết chúng với các hạt cát để cải thiện đất sa mạc. Ông đã nghiên cứu loại đất Liquid Nanoclay (LNC) này từ năm 2005.

Olesen cho biết: “Quá trình xử lý cho phép các hạt cát được phủ một lớp đất sét hoàn toàn có thể thay đổi tính chất vật lý của chúng và cho phép chúng liên kết với nước. Quá trình này không sử dụng bất kỳ tác nhân hóa học nào. Chúng tôi có thể thay đổi bất kỳ loại đất cát chất lượng kém nào thành đất nông nghiệp năng suất cao chỉ trong vòng 7 giờ.”

Con trai của Kristian Ole Morten Olesen, giám đốc điều hành công ty Desert Control mà 2 cha con thành lập, chia sẻ: “Chúng tôi chỉ trộn lẫn đất sét tự nhiên trong nước, hỗn hợp này sau đó được đưa vào trong cát tạo thành một lớp phủ dày nửa mét biến đất cát thành đất màu mỡ.”

Thử nghiệm ở UAE

Tại UAE, Faisal đã chấp nhận thử nghiệm LNC vào tháng 12 năm ngoái, và 2 khu vực đã được trồng với các loại cây trồng được tuyển chọn như cà chua, cà tím và đậu bắp. Một khu vực được xử lý bằng LNC và khu vực còn lại giữ nguyên trạng thái.

Faisal cho biết: “Tôi ấn tượng với thành công của LNC. Nó tiết kiệm lượng nước tiêu thụ tới hơn 50%. Điều đó đồng nghĩa với việc bây giờ tôi có thể tăng gấp đôi sản lượng với cùng lượng nước.”

Thử nghiệm cho thấy khu vực không được xử lý sử dụng gần 137 m3 nước cho tưới tiêu và khu vực còn lại được xử lý bằng LNC chỉ dùng 81 m3.

Chi phí xử lý 1 ha sa mạc dao động từ 1800 – 9500 USD tùy thuộc vào quy mô dự án. Con số còn khá cao so với hầu hết nông dân ở thời điểm hiện tại. Đất đòi hỏi tái xử lý 15 -20% sau 4 hoặc 5 năm nếu đất được cày cấy và nếu không cày cấy thì thời gian tái xử lý sẽ kéo dài hơn.

Dù giá thành vẫn còn đắt đỏ đối đối với nhiều người nhưng LNC sẽ mở ra một tương lai mới cho những nông dân ở các khu vực khô cằn.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM