Các ngân hàng đang mở cờ trong bụng
Nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng có nợ xấu cao, đang phấn khởi ra mặt…
Theo kế hoạch của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, ngày 21/6 tới đây, Quốc hội sẽ bấm nút thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Nợ xấu được xem là cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu, mà theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương của Quảng Bình thì nó có thể gây đột quỵ hoặc đe dọa tính mạng của nền kinh tế.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cung cấp tại kỳ đại hội này cho thấy, nợ xấu nếu tính cả các khoản nợ tiềm ẩn và nợ bán cho VAMC chưa được xử lý thì chiếm tới hơn 10% trên tổng dư nợ, tức khoảng 600 ngàn tỷ đồng. Đại biểu Nguyễn Văn Thắng đoàn Hà Nội, là chủ tịch VietinBank nói rằng trong số 600 ngàn tỷ ấy có đến 90% là tiền của dân, tiền ngân hàng chỉ có 10% và việc xử lý các khoản nợ xấu này sẽ giúp nền kinh tế có thêm vốn để làm được rất nhiều việc, trong đó minh họa sôi động nhất là xây được đến 3 sân bay Long Thành.
Trong những phiên thảo luận vừa qua, gần như toàn bộ các đại biểu đều thừa nhận rằng với bối cảnh hiện nay thì một nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu là cần thiết, thậm chí còn...chậm. Tuy nhiên, cũng cần phải cẩn trọng trong việc xây dựng luật riêng cho các ngân hàng, để làm sao tránh tình trạng mượn các quy định trong Nghị quyết để chống lưng cho các sai phạm gây ra nợ xấu, hoặc bị lợi dụng để phục vụ cho nhóm lợi ích nào đó.
Qua 2 phiên thảo luận tại hội trường và một phiên thảo luận ở tổ cùng những tiếp thu ý kiến từ phía cơ quan chủ trì soạn thảo là Ngân hàng Nhà nước, đến nay chỉ còn một vấn đề chưa thống nhất được đó là về phạm vi nợ xấu để xử lý. Vẫn còn tồn tại hai quan điểm, gồm một là chỉ xử lý nợ xấu từ 31/12/2016 trở về trước và hai là áp dụng cho cả các khoản nợ xấu phát sinh trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực. Phía cơ quan soạn thảo mong muốn đại biểu thông qua phương án 2, nhưng nhiều ý kiến còn chưa đồng tình và theo phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, việc quyết định lựa chọn phương án nào cuối cùng sẽ do đại biểu bỏ phiếu thông qua.
Còn lại các vấn đề cơ bản của nghị quyết đã được đồng thuận, trong đó có những điểm đáng chú ý như không dùng ngân sách xử lý nợ xấu; xử lý nghiêm trách nhiệm của cá nhân, tổ chức gây ra nợ xấu; trao quyền xử lý tài sản đảm bảo (những tài sản không có tranh chấp, không nằm trong các vụ án) cho các tổ chức tín dụng...
Thời gian qua, việc xử lý tài sản đảm bảo đã gây khó khăn rất lớn cho các tổ chức tín dụng, trong khi có tới hơn 70% các khoản cho vay liên quan đến tài sản đảm bảo. Các ngân hàng đồng loạt “kêu” rằng việc chậm xử lý tài sản đảm bảo do vướng mắc các quy định liên quan đến luật làm cho tài sản giảm sút giá trị, có những tài sản đến khi xử lý được đã giảm tới hơn một nửa giá trị so với ban đầu, khiến ngân hàng lại phải gia tăng trích lập dự phòng, sử dụng dự phòng để bù đắp cho các khoản vay ấy và ăn mòn vào lợi nhuận.
Nút thắt về tài sản đảm bảo được gỡ bỏ như dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu đang trình lên Quốc hội nếu được thông qua vào ngày 21/6 rõ ràng là một tin vui khó tả với các ngân hàng, đặc biệt là những nhà băng đang phải ôm các hoản nợ xấu kếch sù. Những kỳ vọng của nhà đầu tư vào nghị quyết cũng đang thể hiện rõ trên sàn chứng khoán khi giá trị cổ phiếu của tất cả các ngân hàng liên tục tăng trong mấy tuần gần đây và đang ở đỉnh của nhiều năm như STB của Sacombank, SHB của SHB, MBB của MB, BID của BIDV, VIB của VIB...
Tổng hợp số liệu từ báo cáo tài chính của 10 ngân hàng lớn bao gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, Techcombank, MB, SHB, VPBank, Sacombank và Eximbank cho thấy, tổng nợ xấu của 10 nhà băng này trong quý đầu năm lên tới 59.375 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tới 8/10 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gia tăng so với đầu năm, bao gồm VietinBank, ACB, Techcombank, MB, SHB, VPBank, Eximbank...
Trong khi đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn cũng tăng nhẹ 2%, lên 29.501 tỷ đồng. 7/10 ngân hàng có nhóm nợ này gia tăng bao gồm Vietcombank, VPBank, Techcombank, Eximbank, MB, SHB...