Các "ngân hàng bẩn" đang hứng chịu hồi kết thảm hại
Ngành tài chính của Australia từng khởi sắc trong năm 2008 khi cả thế giới chìm trong khủng hoảng nhưng sự nổi lên của những hành vi bẩn trong giới ngân hàng khiến nhiều trong số đó chịu kết cục thảm hại.
Vượt qua cuộc Khủng hoảng Tài chính 2008 với những vết xước nhỏ, các ngân hàng của Australia được người ta nhìn nhận như những tượng đài của đức hạnh. Nhưng với Jeff Morris, người chịu trách nhiệm lập kế hoạch tài chính cho Commonwealth Bank of Australia – ngân hàng lớn nhất đất nước, dường như điều gì cũng có thể xảy ra.
Từ góc nhìn thuận lợi của một người trong cuộc, Morris nhận thấy một nền văn hóa độc hại, bị ám ảnh bởi tiền thưởng, nơi các nhân viên xuất sắc giả mạo tài liệu và hướng dẫn khách hàng vào những khoản đầu tư rủi ro cao hoàn toàn nằm ngoài mong đợi của họ. "Tôi đã xem những con bọ chét hành hạ những người vô tội", Morris nói.
Người đàn ông này đã không giữ im lặng với những gì mình biết. Morris lần đầu đưa ra cáo buộc với Ủy ban Đầu tư Chứng khoán Australia vào năm 2008 rồi tới năm 2013 nhưng gặp phải sự phản ứng dữ dội. Năm năm sau, các ngân hàng từng được ca ngợi của Australia cuối cùng cũng phải đối mặt với hậu quả, xuất phát từ tính toán sau lầm của họ trong quá khứ.
Một cuộc điều tra do Chính phủ Australia trển khai nhằm vào các sai phạm trong vấn đề tài chính hồi tháng 3 đã khai quật chuỗi dài những vụ bê bối tài chính tưởng như bất tận. Gây phẫn nộ nhất trong số đó là việc tiếp tục thu phí dịch vụ với người chết, lừa dối các nhà quản lý, hối lộ và truyền bá những lời khuyên đầu tư tệ hại tới mức nhiều khác hàng mất nhà cửa.
Cuộc điều tra đã xác định hàng nghìn vi phạm mà không ít trong số đó có thể dẫn tới các cáo buộc hình sự. Các lãnh đạo của ngân hàng Australia, bao gồm cả CEO Matt Comyn của Commonwealth Bank of Australia, cũng đã phải đưa ra những lời xin lỗi trong tủi hổ. Tuy nhiên, chúng dường như chưa đủ. Bê bối liên quan đến tài chính được phanh phui trong bối cảnh nhạy cảm chính trị ở Australia sẽ khiến nhiều người phải trả giá.
Hoạt động sai trái của các ngân hàng bẩn đã trở thành vấn đề tranh luận chính giữa các ứng viên trong cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. Người Australia cũng xếp hạng tài chính như là ngành nghề có đạo đức yếu kém nhất của nền kinh tế.
Thành tựu của các ngân hàng Australia trong cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008 được cho là khởi đầu cho giai đoạn khó khăn hiện tại. 10 năm trước, các ngân hàng dùng mọi cách để tránh bị lỗ cũng như tranh thủ khoản viện trợ của chính phủ. Các biện pháp quản lý lỏng lẻo giúp họ không lâm vào cảnh khốn cùng như phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, lợi ích của khách hàng và người tiêu dùng bị bỏ qua một bên vì mục tiêu lợi nhuận của ngân hàng.
Những vấn đề tương tự cũng đã từng xảy ra với hệ thống ngân hàng khác trên khắp thế giới nhưng có rất ít lý do để tin rằng người Australia sẵn sàng tha thứ hay trực phạt ít hơn với những hành vi sai trái đã bị cuộc điều tra của chính phủ phanh phui. Bốn ông lớn trong giới ngân hàng của Australia, bao gồm Commonwealth Bank, Westpac Banking, National Australia Bank và Australia & New Zealand Banking Group đều có những sai phạm, dù theo cách này hay cách khác. AMP Ltd., một trong những nhà quản lý tài sản lớn nhất ở Australia, cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Điều đó có nghĩa nhiều người Australia biết họ là nạn nhân của những vụ bê bối.
Ủy ban Hoàng gia, cơ quan được mô tả đứng đằng sau các cuộc điều tra, muốn truy tố mạnh mẽ những sai phạm mà không phải né tránh bất cứ lĩnh vực nào. Trong 6 tháng qua, hàng loạt giám đốc ngân hàng đã phải ra trước các phiên điều trần để trả lời những câu hỏi liên quan tới sai phạm trong công ty của họ. Các nhà phân tích chứng khoán lo ngại cổ phiếu ngân hàng sẽ giảm 7% trong 12 tháng tới, một con số rất tệ nếu so với mức tăng trưởng 9% của thị trường chung.
Ngành tài chính đang phải bắt tay dọn rác. Commonwealth, National Australia và ANZ đang xóa bỏ những đơn vị quản lý tài sản của họ, nơi được cho là cội nguồn của hầu hết các hành vi xấu xa. Chủ tịch và CEO của AMP đã từ chức. Ngành công nghiệp này cũng cam kết cắt giảm tầm quan trọng của doanh số cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn đội ngũ nhân viên nhằm loại bỏ những người có vấn đề.
Về phần mình, Morris, người sớm đưa ra những thông tin gây chấn động, đã bỏ việc ở Commonwealth và đang làm việc tự do. Ông hy vọng sự thay đổi sẽ đến và những cải cách sâu rộng hơn sẽ được tiến hành.