Các đường bay tới Trung Quốc ảnh hưởng như thế nào tới hàng không Việt?
Thị trường Trung Quốc chiếm đến 32% lượng khách quốc tế đến Việt Nam.Nếu tính toán theo số liệu trung bình của năm 2018, số các đường bay từ Việt Nam đến Trung Quốc tương ứng khoảng 25% số chuyến bay của các hãng.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, từ năm 2010 đến 2019, tỷ lệ tăng trưởng kép lượng khách quốc tế đến Việt Nam hàng năm là hơn 15% với đóng góp lớn nhất từ khách Trung Quốc. Sự phát triển này tạo điều kiện thúc đẩy ngành du lịch và hàng không trong nước tăng trưởng.
Tăng trưởng lượng khách quốc tế đến Việt Nam từ năm 2010 đến 2019. Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Cụ thể, tỷ lệ tăng trưởng khách Trung Quốc hàng năm đạt 23,1% nhờ yếu tố địa lý có chung đường biên giới với Việt Nam. Riêng năm 2019, tỷ lệ khách Trung Quốc 32,2% tổng lượng khách quốc tế - mức tăng trưởng cao nhất theo số liệu từ năm 2010.
|
Tăng trưởng lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam. Nguồn: Tổng cục Thống kê |
|
Tuy lượng người đi du lịch nhưng chi tiêu của hành khách Trung Quốc vẫn thuộc top trung bình. Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Trong tương lai, Việt Nam vẫn là điểm đến đầy hứa hẹn của quốc gia tỷ dân. Tập đoàn Trip.com, một trong những hãng du lịch trực tuyến hàng đầu Trung Quốc dự báo: “Năm 2020, Việt Nam sẽ là một trong những điểm đến du lịch ngắn ngày ưa thích của người Trung Quốc”.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch corona, Cục Hàng không Việt Nam tạm thời hủy các phép bay đã cấp cho các hãng hàng không khai thác chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 13h ngày 1/2 cho đến khi có thông báo mới. Bên cạnh Vietjet ( HoSE: VJC ), Vietnam Airlines ( HoSE: HVN ), Jetstar Pacific, Bamboo cũng thông báo ngừng khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Riêng Vietjet vẫn khai thác các đường bay đến Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc).
Trả lời phóng viên TTXVN, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, hiện 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet đang khai thác 72 đường bay thường lệ và thuê chuyến từ 5 thành phố gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần.
Nếu tính toán theo số liệu trung bình của năm 2018, con số trên tương ứng khoảng 25% số chuyến bay của các hãng.
Bên cạnh việc tạm dừng bay đi/đến Trung Quốc, các hãng hàng không còn phải hoàn vé cho các hành khách bay những chuyến bị hủy. Vietnam Airlines miễn phí hoàn vé, phí thay đổi hành trình. Còn đối với Vietjet, các chuyến bay đến Trung Quốc sẽ có chính sách hỗ trợ, hoàn vé riêng theo từng chuyến, từng trường hợp cụ thể.
Không kể đến ảnh hưởng của virus corona, triển vọng năm 2020 của ngành hàng không được dự đoán kém khả quan do tính cạnh tranh tiếp tục gia tăng, SSI Research nhận định. Kite Air và Viettravel Airlines đều có kế hoạch bắt đầu chuyến bay thương mại đầu tiên từ giữa đến cuối năm 2020, mặc dù, cả 2 công ty đều đang chờ phê duyệt cuối cùng về Chứng chỉ khai thác máy bay (AOC). Trong trường hợp AOC được phê duyệt, tổng số hãng hàng không tại Việt Nam sẽ tăng từ 5 đến 7.
Ngoài ra, tính cạnh tranh đến từ việc tăng trưởng về quy mô đội bay. Theo CAAV, Vietnam Airlines sẽ tăng quy mô đội bay lên 107 máy bay vào năm 2020 và 135 máy bay vào năm 2025 (so với 100 chiếc tại năm 2019). Vietjet cũng có kế hoạch tăng đội bay lên 96 máy bay vào năm 2020 và 200 máy bay vào năm 2025 (so với 71 chiếc vào năm 2019).
Trong trường hợp kế hoạch trên được phê duyệt, 2 công ty này sẽ đưa vào sử dụng 32 máy bay vào năm 2020 và 164 máy bay cho đến năm 2025. SSI Research cho rằng, tính cạnh tranh sẽ tăng thêm vào năm 2020, dẫn đến giảm sản lượng hành khách và hệ số tải cho mỗi máy bay.
Tuy nhiên, ngành hàng không cũng có một số điểm tích cực như tăng trưởng sản lượng hành khách hàng năm ước đạt 13% và chi phí nhiên liệu giảm. SSI Research ước tính giá nhiên liệu trung bình năm 2020 sẽ giảm 3% cùng kỳ, còn 62 USD/ thùng, từ đó, giảm áp lực chi phí cho các doanh nghiệp.