Các doanh nghiệp Mỹ đang rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng sạch tại đồng bằng sông Cửu Long
Theo đánh giá của AmCham, tiềm năng ngành năng lượng sạch (chủ yếu là điện mặt trời và điện gió) của đồng bằng sông Cửu Long rất lớn: khoảng 5.000 MW và cần số tiền đầu tư khoảng 10 tỷ USD. Hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp đến từ Mỹ đã đang và sắp tham gia cuộc chơi ở đây như First Solar, UPC Renewables, Shire Oak, Vina Capital…
Việt Nam đang là điểm đến ngày càng hấp dẫn về thương mại và đầu tư, với nền kinh tế phát triển nhanh, mạng lưới các hiệp định thương mại tự do; lực lượng lao động trẻ, hiểu biết về công nghệ - lao động giá cả phải chăng; tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và vị trí gần nguồn sản xuất và quốc gia đích. Trong tất cả, Khu vực sông Mekong đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các doanh nghiệp AmCham, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo.
"Khu vực sông Mekong là một trong những khu vực đa dạng sinh học phong phú nhất trên thế giới; nhưng đây cũng là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất thế giới bởi biến đổi khí hậu. Ngoài ra, khu vực sông Mekong cũn có một số quỹ đất và tài nguyên thiên nhiên rất thích hợp nhất cho năng lượng tái tạo - dồi dào nắng và gió.
Hơn ai hết, các công ty thành viên của AmCham rất mong muốn được hợp tác cùng các địa phương tại khu vực sông Mekong để phát triển năng lượng tái tạo - từ việc cung cấp các tấm pin mặt trời hoặc tuabin gió đến phát triển dự án và sản xuất năng lượng sạch", bà Mary Tanowka – Giám đốc điều hành AmCham Việt Nam – khu vực TP. HCM và Đà Nẵng chia sẻ trong Hội nghị Connect Mekong 2020.
Trước đây, đã có nhiều công ty thành viên của AmCham như Cargill, Coca-Cola, Suntory Pepsi và Pharmacity có các hoạt động kinh doanh – sản xuất rộng khắp khu vực sông Mekong. Theo đó, các sản phẩm nông nghiệp từ khu vực sông Mekong như tôm, cá da trơn, thanh long và xoài hiện đang được ưa chuộng trên toàn nước Mỹ.
Hiện tại, ngoài nông sản, các doanh nghiệp đến từ nước Mỹ còn rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng tái tạo tại khu vực sông Mekong.
Cụ thể: First Solar đã đầu tư gần 1 tỷ USD vào Việt Nam và hiện là nhà sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời màng mỏng tiên tiến hàng đầu thế giới. Nhà sản xuất này không chỉ xuất khẩu các mô-đun này sang Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc mà còn cung cấp cho thị trường quốc nội. First còn góp phần tạo ra nhiều công ăn việc làm, tuyển dụng 1.700 công nhân, đảm bảo an ninh năng lượng, cũng như sự phát triển bền vững và chuỗi cung ứng năng lượng sạch.
Bên cạnh đó, UPC Renewables hiện đang phát triển các trang trại gió tại Lạc Hòa và Hòa Đông thuộc tỉnh Sóc Trăng với vốn đầu tư 120 triệu USD. Nhận thấy tiềm năng khu vực, UPC đang có kế hoạch đầu tư lên tới 10 tỷ USD vào năng lượng gió, nhằm cung cấp năng lượng sạch cho sản xuất và phát triển kinh tế bền vững tại TP. HCM và khu vực miền Nam Việt Nam.
Phần Shire Oak, họ đang phát triển một danh mục lớn các dự án năng lượng mặt trời trên khắp Việt Nam, với 23 dự án đang hoạt động, tổng công suất 64 MW và 52 dự án khác đang được xây dựng, với công suất 100 MW. Chúng bao gồm các dự án ở Cần Thơ và các khu vực khác trong khu vực sông Mekong. Đặc biệt, mới hôm qua, Shire Oak đã khởi động một dự án điện mặt trời áp mái với Tập đoàn Cam Nguyên tại Đồng Tháp, tiết kiệm cho doanh nghiệp này khoảng 80.000 USD mỗi năm.
Chưa hết, VinaCapital thông qua quan hệ đối tác với Bechtel, cũng mong muốn xúc tiến đầu tư vào các dự án năng lượng mặt trời và gió trên toàn khu vực sông Mekong.
"Việc hoàn thiện các quy định của Thỏa thuận mua bán điện trực tiếp sẽ cho phép sử dụng nhiều năng lượng mặt trời hơn, cho phép đầu tư nhiều hơn và tăng sức hấp dẫn của Việt Nam đối với các công ty toàn cầu cùng cam kết phát triển bền vững. Việc gia hạn Biểu thuế cho nguồn cấp gió sau tháng 10/2021 cũng góp phần cung cấp sự ổn định về chính sách và khả năng dự đoán cần thiết để thu hút thêm đầu tư.
Theo tôi, phát triển tốt mảng năng lượng tái tạo có thể giúp khu vực sông Mekong thay đổi cuộc chơi, tạo ra an ninh năng lượng sạch thúc đẩy đổi mới, việc làm và tăng trưởng bền vững", bà Mary Tanowka khẳng định.
Đại diện AmCham cho rằng, tổ chức này rất lạc quan về Việt Nam và đang quyết tâm làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng bền vững, đồng thời giúp các thành viên của họ thành công. AmCham cũng mong muốn tăng cường quan hệ đối tác kinh tế giữa họ với Việt Nam và khu vực Mekong. AmCham tự nhận mình đang đầu tư vào tương lai.