Các doanh nghiệp Mỹ bắt đầu “ngấm đòn” thương chiến?
Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu có dấu hiệu "ngấm đòn" các hàng rào thuế quan được triển khai gần đây.
Nếu như cách nay không lâu Tổng thống Donald Trump khá hào hứng khi chia sẻ trong khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung liên tiếp đẩy chứng khoán Trung Quốc chìm sâu, ngược lại chứng khoán Mỹ tiếp tục phá đỉnh, thì những đợt lao dốc gần đây của Dow Jones, S&P 500 hay Nasdaq có thể buộc ông phải nhìn nhận lại. Đáng lo hơn là nhiều doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu có dấu hiệu "ngấm đòn" các hàng rào thuế quan được triển khai gần đây.
Những con số biết nói
Thống kê mới nhất cho thấy trong số 140 công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả quý III năm nay, có đến 81% công bố thu nhập trên mỗi cổ phiếu cao hơn kỳ vọng của Phố Wall, trong khi tỷ lệ công bố kết quả thấp hơn ước tính của các nhà phân tích chỉ là 10,7%. Trước đó, tỷ lệ dự báo số công ty đánh bại kế hoạch ước tính theo các chuyên gia phân tích chỉ là 64%.
Tuy nhiên, con số trên cũng không khiến nhà đầu tư yên tâm hơn, và cũng không có ý nghĩa gì lớn khi nhìn vào một số doanh nghiệp sản xuất lớn của Mỹ đã bắt đầu có dấu hiệu giảm sút vì những tác động của cuộc chiến tranh thương mại. Ngày 23/10, cổ phiếu Caterpillar - công ty Mỹ nằm trong Fortune 100 đã giảm 7,6%, sau khi gã khổng lồ công nghiệp này dù báo cáo lợi nhuận và doanh thu cao hơn kỳ vọng, nhưng cũng đưa ra những dự báo bi quan cho giai đoạn tới.
Cùng ngày, cổ phiếu 3M - tập đoàn sản xuất đa quốc gia với hơn 90.000 nhân viên và sản xuất hơn 55.000 sản phẩm, cũng giảm mạnh 4,4%, sau khi Công ty báo cáo lợi nhuận và doanh thu quý III không như kỳ vọng. Theo sau các "ông lớn" sản xuất là Caterpillar và 3M, ngày 24/10, cổ phiếu Texas Instruments lao dốc 8,5% và cổ phiếu Intel giảm 4,7% khi các hãng sản xuất chip cảnh báo về sự suy yếu nhu cầu.
Đến ngày 26/10, đến lượt cổ phiếu Amazon giảm 7,8%, sau khi thông báo lợi nhuận kỷ lục nhưng doanh số bán hàng gây thất vọng, và quan trọng hơn là dự báo cho doanh thu quý IV - giai đoạn mua sắm dịp nghỉ lễ quan trọng - thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích.
Điểm chung của những doanh nghiệp trên là các công đoạn sản xuất, kinh doanh đều ít nhiều có dính đến thị trường Trung Quốc. Như tại Tập đoàn Caterpillar, chi phí tăng cao vì các hàng rào thuế quan được dựng lên cho thấy cuộc chiến thương mại hiện đang tác động đến doanh nghiệp này nói riêng, cũng như những doanh nghiệp Mỹ trong ngành sản xuất nói chung, dù hiện nay chỉ mới ở giai đoạn đầu của cuộc chiến.
Với chi phí sản xuất cao hơn do giá nhập khẩu tăng cao, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến lạm phát của Mỹ vốn cũng đang tăng nhanh trở lại. Lạm phát tăng lại buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn để hạn chế bất ổn. Khi đó ảnh hưởng kép từ cuộc chiến thương mại và lãi suất tăng sẽ càng khiến các doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn hơn, trong khi cầu tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng khi giá hàng hóa leo thang. |
Trong khi đó, những dấu hiệu đình trệ bắt đầu xuất hiện ở những hãng sản xuất chip như Texas Instruments, khi công bố doanh số bán hàng thấp hơn kỳ vọng, khiến các nhà đầu tư không ngừng bị ám ảnh tác động từ cuộc chiến thương mại với Trung Quốc sẽ còn sâu rộng, đồng nghĩa với lợi nhuận của nhiều công ty có thể đã đạt đỉnh gần đây và sẽ bước vào chu kỳ đi xuống.
Chỉ mới là giai đoạn đầu
Chính những lo ngại trên cộng thêm kết quả kinh doanh không mấy tích cực và những dự báo bi quan về tăng trưởng lợi nhuận cho giai đoạn kế tiếp của các "ông lớn" sản xuất, đã góp phần kéo thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp lao dốc trong những ngày gần đây, khiến các chỉ số Dow Jones hay S&P 500 giảm điểm trở lại so với đầu năm nay, và ắt hẳn Tổng thống Trump sẽ khó có thể giữ được sự hả hê như trước, và điều này rõ ràng là không tốt khi cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ đang tới gần.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, những ảnh hưởng trên gần như chưa đáng kể khi mới chỉ là giai đoạn đầu của cuộc chiến. Với những bế tắc trong đàm phán thương mại và hai bên không hề có dấu hiệu nhượng bộ, thì khả năng sẽ có thêm các hàng rào thuế quan được dựng lên, như lời đe dọa của ông Trump là sẽ đánh thuế lên tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 550 tỷ USD.
Và trong một cuộc chiến cả hai bên sẽ đều chịu mất mát và thiệt hại, quan trọng là ai sẽ bị thiệt hại nhiều hơn, chứ khó có thể chỉ một bên thiệt và một bên lợi. Nếu như doanh nghiệp Trung Quốc bị chặn đường vào Mỹ, hàng xuất khẩu mất lợi thế cạnh tranh do giá đắt hơn vì các hàng rào thuế, thì các doanh nghiệp Mỹ tất yếu cũng sẽ bị ảnh hưởng từ những chính sách trả đũa thuế quan tương tự từ Bắc Kinh.
Khi đó, không chỉ những sản phẩm xuất vào Trung Quốc bị đánh thuế, mà những doanh nghiệp Mỹ nào nhập khẩu các sản phẩm từ Trung Quốc làm đầu vào cho các nhà máy sản xuất tại Mỹ cũng sẽ đối mặt với chi phí tăng vì hàng rào thuế quan mà Mỹ dựng lên.
Với chi phí sản xuất cao hơn do giá nhập khẩu tăng cao, tất yếu sẽ ảnh hưởng đến lạm phát của Mỹ vốn cũng đang tăng nhanh trở lại. Lạm phát tăng lại buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn để hạn chế bất ổn. Khi đó ảnh hưởng kép từ cuộc chiến thương mại và lãi suất tăng sẽ càng khiến các doanh nghiệp Mỹ gặp khó khăn hơn, trong khi cầu tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng khi giá hàng hóa leo thang.
Điều đáng lo hơn là không chỉ những doanh nghiệp Mỹ nội địa, mà những tập đoàn đa quốc gia đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc như Apple cũng có thể trở thành nạn nhân khi cuộc chiến lên đến cao trào. Và đó cũng là lý do mà Tổng thống Trump đã nhiều lần gợi ý Giám đốc Điều hành Apple là Tim Cook nên chuyển nhà máy về lại nước Mỹ, cho thấy ông có thể đã lường trước được hậu quả của cuộc chiến dài hạn lần này sẽ ảnh hưởng không chỉ đến những doanh nghiệp Mỹ trong nước mà còn là những doanh nghiệp Mỹ đang ở tại Trung Quốc.