Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch cúm do virus Covid-19 chờ chính sách hỗ trợ từ Chính phủ

25/02/2020 20:38 PM | Xã hội

Nhiều ý kiến cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp.

Diễn biến dịch cúm do virus Sars-Covid-19 gây ra đang trở nên phức tạp trên toàn thế giới. Mặc dù số người nhiễm mới ở Trung Quốc đã có dấu hiệu giảm dần và có hơn 23.000 người được chữa khỏi, tuy nhiên Hàn Quốc, Italia, Iran lại đang bùng phát dịch với số ca nhiễm mới tăng dần từng ngày. Việt Nam là một điểm sáng của Châu Á khi đã chữa khỏi thành công cho 16 ca nhiễm bệnh, tuy nhiên công tác phòng dịch không thể chủ quan.

 Dịch cúm Covid 19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của Trung Quốc nói riêng và các quốc gia Châu Á nói chung. Hàng không, du lịch là hai ngành bị ảnh hưởng trực tiếp, tuy nhiên hầu hết các ngành sản xuất đều bị ảnh hưởng do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu của Trung Quốc. Trước tình hình đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp.

Các giải pháp của Chính phủ

Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), Trung Quốc và các nước Đông Nam Á đẩy mạnh chính sách hỗ trợ nền kinh tế trước tác động tiêu cực dịch virus COVID-19. NHTW Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm 0,1% và 0,05% với kỳ hạn 5 năm sau khi đã thực hiện bơm thanh khoản cũng như điều chỉnh hạ lãi suất với khoản vay trung hạn 0,1% trước đó. PBOC qua đó gửi thông điệp sẽ nới lỏng tiền tệ ở mức vừa phải.

NHTW Indonesia cũng giảm lãi suất chính sách 0,25% theo sau động thái cắt giảm của NHTW Malaysia, Thailand, Philippines.

Theo kiến nghị của Bộ KH-ĐT, NHNN Việt Nam nghiên cứu một số gói chính sách tín dụng (duy trì, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh, giãn nợ, miễn lãi quá hạn. ..) hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch và báo cáo Chính phủ trong tháng 2. SBV hiện đang tích cực điều tiết thanh khoản qua kênh tín phiếu. Trong bối cảnh hiện tại, SBV cũng có thể tính đến phương án giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay khi diễn biến CPI ổn định trong tháng 2, tăng trưởng chậm trong quý I.

Ở thời điểm hiện tại, một số ngân hàng lớn (như Vietcombank, BIDV…) đã chủ động giảm lãi suất cho vay 100-150 điểm phần trăm đối với các khoản vay ngắn hạn cũ của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bới Covid-19.

Chính phủ hiện cũng đã trì hoãn thời gian tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, giá dịch vụ y tế và học phí…để kiềm chế lạm phát.

Theo báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán SSI, có một số phương án có thể tính đến để hỗ trợ cho các doanh nghiệp giai đoạn này.

Thứ nhất, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương có thể sẽ đưa ra một số ưu đãi thuế (như giảm thuế, không phạt nộp chậm thuế..) cho một số doanh nghiệp và nông dân bị ảnh hưởng. Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ có thể được thực hiện như giảm phí hoặc giảm chi phí kinh doanh. Thông tin chi tiết có thể được công bố vào thời gian từ 10-15 tháng 3/2020.

Thứ hai, tăng giải ngân đầu tư công có thể là một giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Điều này có thể bao gồm tất cả các khoản tiền đã lên kế hoạch giải ngân từ năm 2019 đến quý 1/2020: cho phép rút ngắn các thủ tục đầu tư công. Chuyển đổi các dự án theo hình thức PPP (mô hình hợp tác công tư) hiện tại (như BOT, BT..) thành mô hình đầu tư công để khởi công sớm hơn, đặc biệt là các dự án PPP trên đường cao tốc Bắc Nam (phần phía Đông). Ngoài ra, đối với các dự án PPP (đã bị trì hoãn vì không có nhiều nhà đầu tư ủng hộ mô hình BOT), chính phủ cũng đang xem xét mô hình mua sắm trực tiếp (tức là chỉ định hợp đồng trực tiếp) nhằm thúc đẩy quá trình đầu tư.

Một số giải pháp đối với các ngành cụ thể, như thúc đẩy khách du lịch bằng cách truyền thông Việt Nam là điểm đến an toàn, ngoài ra có thể giảm phí thị thực hoặc miễn thị thực, cho phép xin visa trực tuyến cho một số thị trường ít nhất 2-3 tháng sau dịch.

Một số kiến nghị cụ thể

Hiệp hội Du lịch Việt Nam muốn đề xuất với Chính phủ có chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp du lịch  như: miễn, giảm tiền điện nước, tiền thuê đất, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn visa và các ngân hàng giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất… Đồng thời, phát huy mối quan hệ gần gũi với Hiệp hội Du lịch các nước là thị trường nguồn của Du lịch Việt Nam để hỗ trợ, thúc đẩy việc trao đổi khách du lịch.

Cuối tuần trước (ngày 21/2), Liên minh kích cầu du lịch Việt Nam được Hiệp hội Du lịch Việt Nam quyết định thành lập do ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam làm Trưởng ban.

Liên minh được thành lập với mục đích khắc phục hậu quả của dịch bệnh COVID-19 gây ra tại Việt Nam, chủ động đối phó với dịch bệnh, tạo đà phát triển cho ngành du lịch Việt Nam sau dịch.

Rất nhiều doanh nghiệp hàng không, lữ hành, khách sạn, vận chuyển, nhà hàng, điểm mua sắm… lớn và uy tín đã tham gia chương trình kích cầu này như: Hanoitourist, Saigontourist, Vietravel, Vietnam Travelmart, Thế hệ trẻ TPHCM, Hanoi Redtours, Vietrantour, Vietnam Airlines…

Chương trình đã khởi động ngay các hoạt động kinh doanh tại những vùng không có dịch nhằm đưa hoạt động du lịch trở lại bình thường sau khi dịch bệnh kết thúc.

Các doanh nghiệp bất động sản kiến nghị Thủ tướng gỡ khó về Các quy định trong Nghị định 20; Pháp lý cho dự án bất động sản; Thủ tục hành chính và gỡ về vốn, giảm lãi suất cho vay. Eurowindow Holding kiến nghị Thủ tướng có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản nghỉ dưỡng như giảm thuế, giảm lãi suất vay và có các chính sách cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điểm đến an toàn. FLC cho rằng thủ tục hành chính phải qua rất nhiều cửa, đợi chờ phê duyệt, xin ý kiến của các cấp mất nhiều thời gian. Một văn bản nhanh phải trải qua 2 tháng, lâu nhất là 6 tháng. Việc xử lý các thủ tục nội bộ nếu không cải tổ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản trong tương lai và doanh nghiệp cũng tiếp tục gặp khó, trễ tiến độ thực hiện dự án.

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch cúm do virus Covid-19 chờ chính sách hỗ trợ từ Chính phủ - Ảnh 1.

Đối với ngành dệt may, hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam chủ yếu làm gia công xuất khẩu, có liên kết chặt chẽ với Trung Quốc về nguyên phụ liệu (nhập khẩu 60% vải từ Trung quốc), đứt gãy nguồn cung rất rõ ràng.

Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Vitas chia sẻ "tình hình xuất nhập khẩu tháng 1 của ngành dệt may chưa bao giờ giảm sâu đến thế", KNXK toàn ngành tháng 1 đạt 2,85 tỷ USD, giảm 23,48% so với cùng kỳ 2019, giảm 18,59% so với tháng trước, KNNK với trị giá 1,39 tỷ USD cũng giảm 28,5% so với cùng kỳ 2019 và 34,59% so với tháng  trước. Một phần là do lịch nghỉ tết rơi vào tháng 1 sớm hơn so với các năm, đồng thời cũng là do tác động của dịch covid-19. Tác động của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp lớn chưa thực sự rõ ràng tuy nhiên với những doanh nghiệp nhỏ chưa tự chủ được đơn hàng, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp lớn thì nguyên phụ liệu chỉ có thể đáp ứng được hết tháng 2 tới tháng 3, có thể nhiều doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa.

Ông Cẩm kiến nghị DN dệt may đang cần sự tiếp sức như có nguồn vay ưu đãi, các gói hỗ trợ để tiếp cận công nghệ mới, những chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ. Hay việc hỗ trợ đầu ra từ các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia của Chính phủ cần thiết thực, thay vì chỉ dừng lại ở khâu quảng bá, hỗ trợ kết nối, thông tin tổng quan. Ngoài ra, việc giảm bớt gánh nặng về chi phí điện, nước, phí cầu đường, phí cảng biển cho các doanh nghiệp hiện nay là một việc làm cần thiết.

Đối với ngành hàng không, Chủ tịch Tổng công ty Hàng không Nguyễn Ngọc Minh cho biết, khủng hoảng trong ngành hàng không các nước do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dự kiến kéo dài đến hết tháng 5, doanh nghiệp này đang tính toán các phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp với 3 kịch bản và kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ như giãn nghĩa vụ thuế.

 

Hàng loạt các doanh nghiệp chung tay phòng chống dịch và bảo vệ nhân viên, khách hàng, bạn có thể theo dõi trên mục Doanh nghiệp hành động trong chiến dịch Lá chắn virus Corona trên mạng xã hội Lotus tại đây

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch cúm do virus Covid-19 chờ chính sách hỗ trợ từ Chính phủ - Ảnh 3.

Theo Châu Cao

Cùng chuyên mục
XEM