Các chuyên gia Anh đề nghị Chính phủ cấm bán nước tăng lực cho trẻ em dưới 16 tuổi
Nước tăng lực đang chứa quá nhiều đường và caffeine.
Mới đây, một nhóm các chuyên gia Anh đã đề nghị Chính phủ nên có chính sách: Cấm bán nước tăng lực cho trẻ em dưới 16 tuổi. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng báo cáo của họ chỉ các loại nước tăng lực đang chứa quá nhiều đường và caffeine.
Nước tăng lực cũng phải chịu trách nhiệm cho nhiều vấn đề sức khỏe như đau đầu, dạ dày, vấn đề giấc ngủ và đặc biệt là tình trạng béo phì ở Anh . Nó cũng liên quan đến những hàng vi nguy hiểm như uống rượu say và sử dụng ma túy.
Nước tăng lực là loại đồ uống không được khuyến khích cho trẻ em. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng chính ở phân khúc thị trường này, đồ uống tăng lực mới được tiêu thụ mạnh. Trong đúng một thập kỷ qua, doanh số bán của các mặt hàng nước tăng lực ở Anh đã tăng mạnh, vượt mốc 250% từ 235 lên 600 triệu lít.
Một khảo sát tại Anh và 15 quốc gia Châu Âu chỉ ra: 68% trẻ em trong độ tuổi từ 11 đến 18 và 18% trẻ em nhỏ dưới 10 tuổi đang tiêu thụ đồ uống tăng lực. Trong đó, 11% những đứa trẻ nhóm lớn và 12% trẻ nhóm nhỏ tuổi nói trên sẽ uống quá 1 lít cho mỗi lần.
Báo cáo được viết bởi Tiến sĩ Shelina Visram đến từ Đại học Durham, Vương quốc Anh và nhà nghiên cứu dinh dưỡng Kawther Hashem đến từ tổ chức từ thiện sức khỏe “Action on Sugar”. Trong đó, họ dự đoán rằng nhóm trẻ em 11-14 tuổi sẽ có khả năng tăng lượng tiêu thụ thêm 11% nữa trong giai đoạn 2014-2019.
Mức giới hạn được khuyến cáo cho trẻ em 11 tuổi là không quá 105 mg caffeine và 30 g đường một ngày . Tuy nhiên, chỉ một lon nước tăng lực hiệu Monster 500 ml đã chứa 160 mg caffeine và 55 g đường. Một lon Red Bull 250 ml chứa 80 mg caffeine và 27 g đường.
Dựa trên sự nguy hiểm này, báo cáo của hai nhà khoa học đề xuất nước tăng lực nên được cấm bán cho trẻ em dưới 16 tuổi. Đồng thời, mọi hoạt động quảng cáo, tiếp thị nhắm đến đối tượng này cũng không được phép.
Tiến sĩ Shelina Visram hiện đang là giảng viên về chính sách công và y tế tại Đại học Durham cho biết: “Nước tăng lực được tiêu thụ trong giới trẻ là một vấn đề y tế công cộng đang nổi lên, bởi tác hại của caffeine và đường chứa trong đó đã được cảnh báo”.
Trong khi đó, Kawther Hashem cũng khuyến cáo: “Những đứa trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên đang bị lừa dối. Các em tin rằng uống nước tăng lực sẽ giúp cải thiện khả năng suy nghĩ, học tập, chơi thể thao hay thậm chí chỉ cho một đêm dạ hội”.
“Nhưng trong thực tế, nước tăng lực có nhiều khả năng làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường type 2 và sâu răng. Tất cả sẽ ảnh hưởng lên sức khỏe lâu dài của trẻ em và thanh thiếu niên”. Cô đề nghị: “Chính phủ cần thiết lập một giới hạn cứng cho đường phụ gia trong các sản phẩm này. Đồng thời, cấm bán nước tăng lực cho trẻ em dưới 16 tuổi, bởi lượng đường, caffeine và calo trong đó là quá cao”.
Ủng hộ quan điểm nên cấm nước tăng lực đối với trẻ em chưa đủ 16 tuổi, Giáo sư Corinna Hawkes, giám đốc Trung tâm Chính sách thực phẩm, Đại học London cho biết: “Đã một khoảng thời gian dài khi mọi người Anh đều biết rằng nước tăng lực có nhiều tác hại”. Bởi vậy, có lẽ đây là thời điểm thích hợp cho một lệnh cấm.
Ở phía bảo vệ sự có mặt của nước tăng lực trong cặp sách của học sinh, Chủ tịch Hiệp hội Nước giải khát Anh, Gavin Partington, cho biết: “Đánh giá mới nhất của Cơ quan An toàn thực phẩm Châu Âu năm 2015 xác nhận nước tăng lực là an toàn và chỉ chiếm một phần rất nhỏ caffeine tiêu thụ bởi thanh thiếu niên. Con số ở đối tượng trẻ em cũng là không đáng kể”.
“Với một lon nước tăng lực 250 ml thường chỉ chứa lượng caffeine tương đương một tách cà phê, không có căn cứ khoa học để cá biệt hóa nước tăng lực khỏi nhóm thực phẩm đóng góp vào mức tiêu thụ caffeine hàng ngày ở mọi nhóm tuổi bao gồm: trà, cà phê và sô cô la”, Gavin nói.
Về phía Chính phủ Anh, phát ngôn viên của họ nói rằng: “Hầu hết các đồ uống tăng lực sẽ sớm bị đánh thuế đường”. Dự tính, thuế này sẽ có mặt trong luật Tài chính năm 2017 và được áp dụng vào đầu năm 2018. “Số tiền này sau đó sẽ được dùng để giải quyết vấn nạn béo phì quốc gia, bằng cách đầu tư vào hoạt động thể thao trong trường học, câu lạc bộ ăn sáng lành mạnh và các hoạt động sau giờ học ở trường trung học”.