Ca nô lật ở Hội An khiến 17 người chết bị tắt thiết bị giám sát hành trình
Cục Đường thủy cho biết, ca nô chìm khiến 17 người chết ở Hội An không bật thiết bị giám sát hành trình AIS nên trạm thu phát tín hiệu trên bờ không bắt được tín hiệu.
Thuyền trưởng lấy thiết bị vô tuyến điện mang đi
Chiều ngày 26/2, ca nô du lịch mang số hiệu QNa 1152 của Công ty du lịch Phương Đông do ông Lê Sen (52 tuổi) làm thuyền trưởng, chở 39 người (36 hành khách, 3 thuyền viên), xuất bến Cù Lao Chàm để vào đất liền.
Khi đến vị trí cách Trạm Biên phòng Cửa Đại khoảng 2 hải lý thì ca nô bị sóng lớn đánh chìm. Tai nạn thương tâm khiến 17 người tử vong, 22 người được cứu sống.
Liên quan đến vụ tai nạn này, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết, tàu cao tốc chở khách du lịch Phương Đông 05 mang biển số QNa-1152 trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm được cấp chứng nhận đăng kiểm ngày 19/1/2022 và có thời hạn đến 19/1/2023.
Nội dung giấy chứng nhận đăng kiểm thể hiện phương tiện có lắp thiết bị nhận dạng tự động AIS.
Theo quy định tại Thông tư 17/2018 của Bộ GTVT (về quản lý, khai thác thông tin nhận dạng tự động của tàu thuyền), chủ tàu, chủ phương tiện và thuyền trưởng có trách nhiệm duy trì hoạt động của thiết bị AIS lắp đặt trên tàu thuyền theo chế độ 24/7 để truyền phát bản tin AIS theo đúng chức năng thiết kế của thiết bị…
Tuy nhiên, trước và tại thời điểm xảy phương tiện trên bị tai nạn (chiều 26/2), hệ thống nhận thu phát dữ liệu tự động không nhận được dữ liệu của tàu này.
"Theo thông tin từ Công ty TNHHMTV Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam (VISHIPEL), thông tin cuối cùng về thiết bị AIS (thiết bị nhận dạng tự động) của tàu Phương Đông 05 được tiếp nhận là thời điểm 09h19’ ngày 4/12/2020, từ đó đến nay hoàn toàn không có thông tin.
Vào thời điểm tai nạn, các phương tiện khác hoạt động chở khách trên tuyến Cửa Đại - Cù Lao Chàm đều có lưu dữ liệu hành trình, riêng tàu Phương Đông 05, Công ty VISHIPEL không nhận được dữ liệu", Cục Đường thủy Việt Nam thông tin.
Sơ đồ phác họa đoạn luồng cong cua nơi xảy ra tai nạn
Cục Đường thủy Việt Nam cũng thông tin, đây là các thiết bị rất quan trọng trong công tác tìm kiếm cứu nạn, cũng như xác định vị trí, tốc độ của phương tiện khi xảy ra tai nạn.
"Sau khi xảy ra tai nạn, thuyền trưởng đã quay lại ca nô lấy thiết bị vô tuyến điện mang đi", Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cho biết và đã đề nghị Sở GTVT Quảng Nam liên hệ với cơ quan công an của địa phương để xử lý việc trên.
Cũng theo thông tin từ đơn vị này, luồng Cửa Đại - Cù Lao Chàm đáp ứng cho phương tiện lưu thông an toàn, phương tiện có đăng ký, đăng kiểm; thuyền trưởng và thuyền viên có chứng chỉ chuyên môn phù hợp.
Hai đầu bến thủy có đơn vị quản lý của địa phương thực hiện cấp phép cho phương tiện vào, rời bến. Trong đó, đầu bến phía Cửa Đại do Đội quản lý bến thủy thuộc Thanh tra Sở GTVT Quảng Nam; phía Cù Lao Chàm do Ban quản lý bến thuộc UBND xã Tân Hiệp, TP Hội An thực hiện.
Cục Đường thủy Việt Nam cũng nêu rõ, tàu Phương Đông 05 hoạt động trong thời tiết xấu. Theo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa cấp ngày 19/1/2022, tàu được hoạt động trong điều kiện gió không quá cấp 5.
Thuyền trưởng Lê Sen được cho là đã mang thiết bị quan trọng trên ca nô mang lên bờ.
Trong khi đó, lúc 16h ngày 25/2 và 4h ngày 26/2, Đài Khí tượng Quảng Nam phát tin cảnh báo trong 24 giờ tới, vùng biển Quảng Nam có mưa rải rác, gió đông bắc mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật cấp trên cấp 6. Tầm nhìn xa trên 10 km, giảm xuống 4-10 km trong mưa, sóng biển cao 1,5-2,5 m, biển động.
Với điều kiện thời tiết được dự báo có nơi gió cấp 6, giật trên cấp 6, đơn vị quản lý bến cần dừng cấp phép hoạt động cho tàu để đảm bảo an toàn, tuy nhiên tàu vẫn được xuất bến.
Còn trả lời báo chí ngày 1/3, Đại tá Nguyễn Quang Nam, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Nam chi hay việc cấp phép căn cứ dự báo thời tiết của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh.
"Theo dự báo, ngày 25-26/2 biển Hội An có gió đông bắc cường độ 2-3 m/s (gió cấp 2). Với cường độ này thì gió nhẹ, không ảnh hưởng tàu thuyền trên biển. Ở mức 8-10 m/s mới gọi là biển động nhẹ", ông Nam nói.
Vì sao tàu QNa-1152 được cấp chứng nhận đăng kiểm?
Trả lời câu hỏi vì sao tàu QNa-1152 được cấp chứng nhận đăng kiểm ngày 19/1/2022, trong khi đó trước và sau thời điểm trên thiết bị AIS không truyền dữ liệu?
"Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiểm tra, xác minh thông tin trên. Theo đó, ngày 17/1/2022 (trước ngày cấp giấy chứng nhận đăng kiểm), hệ thống thông tin điện tử hàng hải ghi nhận thiết bị AIS phát truyền được dữ liệu đến hệ thống, cho thấy thiết bị AIS của phương tiện trên hoạt động bình thường tại thời điểm kiểm định", đại diện Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.
Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Luật Giao thông đường thủy quy định, khi phương tiện đi vào nơi luồng giao nhau, luồng cong gấp, thuyền trưởng, người lái phương tiện phải giảm tốc độ của phương tiện, phát tín hiệu nhiều lần để đảm bảo an toàn.
Liên quan đến tốc độ tàu, trả lời VnExpress ngày 27/2, ông Lê Sen, thuyền trưởng tàu Phương Đông 05, nói khi rời đảo, tàu chạy 40-45 km/h, về gần đến bờ giảm khoảng 30 km/h.