BV Bạch Mai nói gì về việc thiếu thuốc giải độc, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng người bệnh?

13/09/2022 16:15 PM | Sống

Vài ngày nay, thông tin Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, đơn vị đầu ngành về điều trị giải độc ở Việt Nam, đang thiếu nhiều loại thuốc giải độc đã gây lo lắng.

Điều dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115 chăm sóc bệnh nhân đang phải thở máy do ngộ độc liên quan đến pa tê chay - Ảnh: DUYÊN PHAN
Điều dưỡng Bệnh viện Nhân dân 115 chăm sóc bệnh nhân đang phải thở máy do ngộ độc liên quan đến pa tê chay - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng nay 13-9, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ cho biết đúng là bệnh viện đang thiếu nhiều thuốc trong danh mục thuốc giải độc.

Đây đều là các thuốc hiếm, như huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc clostridium botulinum (tương tự vụ ngộ độc pa tê chay nhiều người bị liệt và có người tử vong năm 2021), giải độc cho bệnh nhân ngộ độc asen, thủy ngân...

Do thiếu các thuốc giải độc đặc hiệu kể trên, bệnh viện phải sử dụng các thuốc thay thế nhưng thời gian điều trị dài hơn và hiệu quả không cao, có thuốc có tác dụng phụ.

Ông Cơ cũng cho biết bệnh viện đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế, đề xuất thành lập kho dự trữ các thuốc hiếm, bởi dù số lượng bệnh nhân cần điều trị rất ít ỏi nhưng khi có người bệnh cần mà không có thuốc giải độc, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng người bệnh.

"Kho dự trữ này có thể đặt ở một trong số bệnh viện có đơn vị điều trị chống độc và điều phối đến các bệnh viện toàn quốc khi có ca bệnh cần sử dụng" - ông Cơ cho biết.

Theo bà Đào Hồng Lan - quyền bộ trưởng Bộ Y tế, ngay sau khi nắm được thông tin về tình trạng thiếu thuốc thuộc danh mục thuốc giải độc, bà đã yêu cầu Cục Quản lý dược có giải pháp hỗ trợ và cung cấp đủ thuốc cho Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

Hồi tháng 5 vừa qua đã có cháu bé 4 tuổi tử vong tại Phú Yên do không có huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia; năm 2021 đã có nhiều người bị liệt vận động và ảnh hưởng chức năng nói, một số người đã tử vong do ngộ độc clostridium botulinum trong pa tê chay.

Thời điểm đó Việt Nam cũng không có thuốc giải độc đặc hiệu cho dạng ngộ độc này, đến khi Tổ chức Y tế thế giới điều phối thuốc hỗ trợ về đến Việt Nam thì nhiều trường hợp đã ở giai đoạn muộn, hiệu quả giải độc thấp.

Cùng chuyên mục
XEM