Business Insider: Coronavirus với Việt Nam có thể là "trong rủi có may"
Bất chấp những tiêu cực, Stephen Wyatt, Giám đốc thị trường Việt Nam của Jones Lang LaSalle tin rằng coronavirus có khả năng tạo ra một số cơ hội kinh tế tại Việt Nam.
Business Insider phỏng vấn một số công ty thương mại thường nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc. Họ cho biết hiện tại đã không thể nhập nguyên liệu từ đó, vì biên giới bị đóng cửa một phần. Các công ty xuất khẩu sang Trung Quốc, ngược lại, cũng phải chật vật để bán hàng hóa của họ .
Du khách Trung Quốc, những người thường chiếm khoảng 1/3 khách du lịch đến Việt Nam, đang khan hiếm hơn bao giờ hết. Một phần vì lệnh cấm du lịch của Trung Quốc, và mặt khác cũng vì một vài doanh nghiệp đang cố gắng từ chối khách hàng Trung Quốc, vì sợ coronavirus lây lan.
Vào ngày 14/2, Chính phủ tuyên bố sẽ không hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế vào năm 2020. Tính đến ngày 24/2, đã có 16 trường hợp được xác nhận về COVID-19 tại Việt Nam, trong đó 15 người đã được chữa khỏi (hiện đã chữa khỏi cả 16). Trên toàn cầu, đã có hơn 76.000 trường hợp và hơn 2.200 trường hợp tử vong.
TS. Lê Đăng Doanh nói với Business Insider rằng kinh tế của Việt Nam đã bị ảnh hưởng tiêu cực trên nhiều lĩnh vực, bao gồm xuất khẩu và nhập khẩu từ Trung Quốc, du lịch và dịch vụ vận tải như hàng không và tàu hỏa. "Chính phủ vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng không thay đổi", ông Doanh, người từng là thành viên của Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hợp Quốc từ năm 2016 đến 2018, cho biết trong một email. "Nhưng tôi nghĩ rằng tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam năm 2020 có lẽ sẽ giảm khoảng 1 điểm % từ mục tiêu 6,9%, có thể xuống khoảng 6,0-5,9%".
Stephen Wyatt, Giám đốc thị trường Việt Nam của Jones Lang LaSalle, cho biết tại thời điểm này, công ty bất động sản đã thấy khá ít tác động dài hạn từ quan điểm kinh doanh.
Tuy nhiên, Wyatt cho biết, coronavirus đã có tác động rõ ràng, ngay lập tức đối với một số lĩnh vực nhất định. Các hội nghị hàng năm và các sự kiện quy mô lớn đã bị hủy bỏ. Theo Wyatt, lượng khách vào các trung tâm mua sắm đã giảm, vì mọi người không muốn tụ tập đông người ở không gian công cộng - nơi họ có thể bị nhiễm bệnh. "Chúng tôi đã nói chuyện với một số nhóm khách sạn và doanh số của họ giảm khá đáng kể - giảm 30%, 40%, 50%, 60% so với số liệu hàng năm," tại Việt Nam, Wyatt nói.
Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch của Việt Nam chuẩn bị cho tình huống thiệt hại hàng tỷ USD khi mọi người hủy bỏ kế hoạch du lịch và tránh đi lại. "Trong 3 tháng, thiệt hại trực tiếp ước tính đối với ngành du lịch của Việt Nam có thể lên tới từ 3 đến 4 tỷ USD", đại diện của cơ quan này cho biết.
Khách Trung Quốc thường chiếm khoảng 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế tại Việt Nam. Gần đây, con số đó đã giảm xuống gần như bằng không, do Trung Quốc cấm đi du lịch và Việt Nam cấm nhập cảnh đối với khách du lịch từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ dịch. Các du khách tiềm năng từ các quốc gia khác cũng đang tránh những điểm đến quá gần Trung Quốc.
Trong một lưu ý, nhà phân tích Oliver Chen của Cowen dự đoán rằng coronavirus sẽ có tác động dễ thấy trong quý đầu tiên đối với các nhà bán lẻ quan trọng ở Trung Quốc và các nước láng giềng cũng có thể bị ảnh hưởng. "Chúng tôi tin rằng căn bệnh coronavirus sẽ làm giảm đáng kể lưu lượng khách vào các cửa hàng ở Trung Quốc và các nước láng giềng, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch Trung Quốc sắp tới và cũng có khả năng phá vỡ chuỗi cung ứng", Chen viết.
Bất chấp những tiêu cực, Wyatt tin rằng coronavirus có khả năng tạo ra một số cơ hội kinh tế tại Việt Nam, trong rủi có may. Các vấn đề về chuỗi cung ứng ở Trung Quốc có thể giúp các nhà sản xuất quyết định chuyển thêm hoạt động sản xuất vào Việt Nam - đẩy mạnh xu hướng trước đó, diễn ra vì các công ty muốn đa dạng hóa sang Việt Nam, với thị trường lao động giá rẻ trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chưa có hồi kết.
"Mặt tích cực đối với Việt Nam có thể là, chúng ta sẽ thấy một sự di dời liên tục của các doanh nghiệp muốn rời khỏi Trung Quốc," Wyatt nói.