Buổi chia sẻ rất thẳng của các du học sinh chọn về nước: Được - mất và những khó khăn để hoà nhập
Nằm trong khuôn khổ dự án When the Birds Fly Home, buổi tọa đàm "Du học sinh trở về: Đón nhận những sự khác biệt" đã thực sự đem lại cái nhìn toàn diện hơn cho những ai đã, đang và sẽ có trong mình giấc mơ du học.
When the Birds Fly Home - "Khi đàn chim trở về", như đúng cái tên của nó, là dự án được hình thành từ một cuộc trò chuyện trên Facebook của hai bạn trẻ, Trần Khánh Linh và Phúc Phạm, qua ba tháng đã trở thành tâm huyết của một nhóm hơn 20 người trẻ, tất cả cùng có chung một nguyện vọng có thể đem tới cho công chúng một cái nhìn ít người thấy, đầy màu sắc hơn sau khi trở về của du học sinh.
Bên cạnh triển lãm ảnh ghi lại bức tranh và câu chuyện của 35 nhân vật du học sinh đã về nước được chọn lọc từ nhiều lứa tuổi, lĩnh vực và đất nước, chiều 23/07 vừa qua, một buổi tọa đàm với chủ đề "Du học sinh trở về: Đón nhận những sự khác biệt" đã diễn ra, và thu lại những phản ứng hết sức tích cực.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của 5 diễn giả, những người đã trở về Việt Nam sau khi du học và đạt được những thành công đáng kể trong lĩnh vực mình theo đuổi. Những cái tên đó là: Nguyễn Khôi (Đồng sáng lập TOPICA Edumail), Nguyễn Hoàng Trí Dũng (Sáng lập viên Swequity Ultimate Fitness), Bùi Thái Vĩnh Hà (Đồng sáng lập thương hiệu số Noteteller, Phụ trách Đối tác tại MicroAd Vietnam), TS. Đặng Hoàng Giang (Chuyên gia về phát triển, Nhà hoạt động xã hội, tác giả chính luận) và Nguyễn Ngọc Quỳnh (CEO Chez Muguet, Retail Manager RED APRON Saigon). Họ đã kể lại những trải nghiệm, quan điểm của mình về các vấn đề liên quan đến du học sinh, cũng như giải đáp không ít các thắc mắc cho những ai còn băn khoăn trong việc định hướng.
Buổi tọa đàm thu hút được sự tham gia của hơn 50 khách mời.
Trong đó không chỉ là các bạn trẻ...
... đang có nhiều băn khoăn về việc du học...
Mà còn có cả những bậc phụ huynh.
Ở lại nước ngoài để có một công việc lương cao hay về nước để tìm kiếm cơ hội?
"Ở hay về" là câu hỏi mà phần lớn những du học sinh ai cũng từng trăn trở. Sau một thời gian dài học tập ở nước ngoài, họ phải chọn lựa giữa việc ở lại nước đó, kiếm một công việc gì đó với mức lương cao hơn hẳn ở nhà hay là trở về và bắt đầu lại từ đầu..
Các diễn giả đã lần lượt chia sẻ về câu chuyện của mình. Anh Nguyễn Hoàng Trí Dũng cho biết, lý do anh quyết định về Việt Nam, thứ nhất là môi trường ở đây thân thiện, thứ hai là do được ở cạnh bạn bè, nhưng quan trọng nhất là ở Việt Nam, bạn có nhiều hơn hẳn những cơ hội, bởi nước ngoài, ví dụ như nước Mỹ, họ đã phát triển từ lâu, hiện tại, tất cả đều theo một guồng nhất định và mọi người ai cũng có một vị trí nhất định rồi, trong khi nếu ở Việt Nam, bạn chỉ cần chăm chỉ một chút, sáng tạo một chút, biết nắm bắt cơ hội một chút thì bạn hoàn toàn có thể phát triển và xây dựng đế chế riêng cho mình.
Nguyễn Hoàng Trí Dũng - Du học sinh Mỹ, sáng lập viên Swequity Ultimate Fitness.
Bạn Bùi Thái Vĩnh Hà lại chia sẻ về những bất lợi khi ở lại nước ngoài đầu tiên để so sánh, tiêu biểu như ngôn ngữ, bạn khó có thể cạnh tranh với những sinh viên bản địa, bên cạnh đó là những khó khăn về việc xin visa, các công ty sẽ ngần ngại hơn khi đón nhận bạn. Sau đó, cô bạn nhận định Việt Nam là một thị trường mở, bạn vẫn còn vô vàn thứ để làm, nhất là khi xung quanh có bạn bè, người thân, thay vì có một cuộc sống thiếu cân bằng, hết giờ làm chỉ ru rú trong nhà, thỉnh thoảng đi đó đây như ở nước ngoài.
Nguyễn Hoàng Trí Dũng - Du học sinh Mỹ, sáng lập viên Swequity Ultimate Fitness.
Trong khi đó, anh Nguyễn Khôi nói, "Lý do chủ yếu của mình là ở một đất nước như Mỹ, cái công sức mà mình có thể đóng góp được, cùng cái sức lực ấy, mình cảm giác thành quả mình đạt được nó không bằng việc mà mình học cái hay của họ và về Việt Nam áp dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực mình đang theo đuổi, đó là Startup. Ở Mỹ, nếu bạn muốn làm một cái gì đó mới mẻ hẳn thì rất khó, nghĩ ra được ý tưởng mới đã khó, thực hiện nó ở trên một đất nước xa lạ còn khó hơn nhưng có rất nhiều thứ mà thế giới họ đã đi trước mình 10, 20, 30 năm, và mình hoàn toàn có thể áp dụng những concept ấy về Việt Nam và tác động tích cực tới Việt Nam."
Nguyễn Khôi - Du học sinh Mỹ, đồng sáng lập TOPICA Edumail.
Xác định bản thân đã học được đủ những cái hay như rèn luyện bản lĩnh, sống tự lập, hay khái niệm open-mind (sẵn sàng tiếp cận những cái mới), anh đã về nước và xây dựng sự nghiệp cho mình.
Nguyễn Ngọc Quỳnh - Du học sinh Pháp, CEO Chez Muguet, Retail Manager RED APRON Saigon.
Giải đáp cho câu hỏi này, Nguyễn Ngọc Quỳnh, cô gái tự nhận "Tôi sống theo bản năng" cho rằng đi hay ở trước hết phải hỏi bản thân mình, mình muốn cái gì. Không có tốt hay xấu hoàn toàn, bởi cái gì cũng có cái giá của nó, hạnh phúc là của bạn, mà bạn đau thì cũng không có ai đau thay bạn được.
TS. Đặng Hoàng Giang - Tiến sĩ người Áo gốc Việt, chuyên gia về phát triển, nhà hoạt động xã hội, tác giả chính luận.
TS. Đặng Hoàng Giang người đã có rất nhiều năm học tập và làm việc tại nước ngoài lại đề nghị, để quyết định trở về hay ở lại, bạn hãy lấy giấy ra và vạch một list những ưu điểm của từng bên, bên nào cao hơn, hãy nghe theo bên đó. Và cuối cùng, chính anh đã lựa chọn trở về để "thỏa mãn những cái thích thú của mình".
Tuy nhiên, anh cũng đưa ra một quan điểm hết sức đúng đắn, đó là: "Thế giới giờ đã gần lại rất nhiều rồi. Trở về Việt Nam, không có nghĩa là chúng ta không thể sang bên kia được nữa. Và ngược lại, khi chúng ta ở bên nước ngoài, không có nghĩa là chúng ta xa xôi cách trở với Việt Nam. Các bạn bây giờ có một điều kiện hết sức thuận lợi để mà sau một số năm, các bạn có thể điều chỉnh lại quyết định của mình. Sang bên kia, làm việc 5, 7 năm rồi trở về Việt Nam, hay ngược lại."
Hành trình trở về không hề dễ dàng
Chọn trở về với mảnh đất quê hương đầy tiềm năng nhưng những du học sinh lại gặp nhiều khó khăn hơn tưởng tượng. Trước khi đạt được thành công bước đầu như hiện nay, ba diễn giả cũng đã trải qua một quá trình cố gắng không ngừng nghỉ, thất bại, chán nản, mất phương hướng... nhưng cuối cùng thì họ vẫn đứng lên và kiên trì với lựa chọn của mình.
Anh Nguyễn Khôi, người từng theo học chuyên ngành công nghệ thông tin ở Mỹ, đã xác định sẵn hướng đi cho mình, đó là Startup về công nghệ. Anh muốn dùng công nghệ để thay đổi một số ngành tương đối mũi nhọn mũi nhọn như giáo dục, y tế, giao thông. Sau khi suy nghĩ, anh thấy thích hợp nhất với giáo dục, và cuối cùng, anh cùng một số người bạn cùng team Startup đã dừng chân lại với TOPICA, nơi có chung tầm nhìn và sứ mệnh "Triệu con người nâng trí tuệ".
Nhưng không phải ai cũng như anh Khôi, có thể xác định ngay được mục đích khi trở về, như nhiều du học sinh khác, bạn Hà và anh Dũng đã phải thử sức trong khá nhiều công việc trước khi có được công việc như hiện tại.
Thuận lợi và thách thức
Đi du học, đồng nghĩa với việc bạn có cơ hội đón nhận một nền giáo dục hoàn toàn khác, hiện đại hơn, toàn diện hơn. Điều này không chỉ giúp mở rộng tầm nhìn, hoàn thiện nhân cách, tăng khả năng ngôn ngữ, phát triển kỹ năng mà thiết thực nhất đó chính là cơ hội làm việc và thăng tiến. Với "cái mác" du học sinh, bạn có được nhiều ưu tiên hơn hẳn những ai theo học trong nước, bạn cũng có được cho mình một nền tảng vững chắc để có được sự nghiệp thành công trong tương lai. Tuy nhiên, liệu có phải ai cũng dễ dàng nắm bắt được chiếc chìa khóa kì diệu dẫn tới thành công đó? Điều này còn phụ thuộc bởi khả năng, nỗ lực và cơ may của từng người.
Cơ hội lớn, đồng nghĩa với việc thách thức cũng lớn. Và bạn phải chấp nhận điều đó!
Các diễn giả đã thay phiên nhau kể về những kinh nghiệm "xương máu" của mình sau khi về nước, khi mà chính họ, những con người từng được học ở nước ngoài lại liên tục gặp khó khăn khi xin việc. Lý do là gì? Bởi bạn không thể cung cấp được những cái kinh nghiệm thực tế mà nhà tuyển dụng yêu cầu, các bạn chỉ chăm chăm vào "cái mác" du học sinh, "học trường này trường kia" của mình. Bên cạnh đó, mức lương cũng là một nguyên nhân khác. Nhiều du học sinh trở về làm việc, nếu mức lương không như kì vọng, trong đầu họ luôn luôn nghĩ đến chuyện "nhảy việc", nhà tuyển dụng có thích điều này không? Đương nhiên là không, họ sẽ ưu tiên những sinh viên Việt Nam, những người rõ ràng là có kinh nghiệm hơn, hiểu về thị trường Việt Nam hơn.
Theo anh Nguyễn Khôi, thách thức lớn nhất với những du học sinh về nước đó là "hơi mất kiên nhẫn". Bởi sau khi trở trở về, "Các bạn sẽ gặp một trạng thái, đó là "shock văn hóa ngược". Tất cả những cái hay, cái đẹp bên kia các bạn đang quen rồi. Khi về, các bạn thấy một xã hội chưa được đến như thế, thường các bạn sẽ rất bức xúc, tự gây ra stress cho mình, đôi khi là đánh giá mình cao hơn xã hội và đặt một cái kì vọng quá lớn." Nếu các bạn không thử kiên nhẫn và thích nghi với nó, chắc chắn người chịu thiệt sẽ là các bạn.
Giải pháp là gì?
Rất nhiều bạn trẻ đã đứng lên đặt câu hỏi với các diễn giả về những chuyện như "Phải làm sao khi công việc khi về nước không giống như kì vọng, gây stress rất nhiều cho bản thân?", "Có quá nhiều khác biệt, từ cách suy nghĩ, tư duy, đến cả cách ăn mặc, làm cách nào để hòa nhập?"...
Trong đó, câu hỏi được quan tâm nhiều nhất chính là đứng trước những khác biệt khi trở về, những khó khăn khi không được đón nhận, du học sinh phải làm gì?
Theo các diễn giả, quan trọng nhất đó chính là bạn phải thể hiện được thái độ ham học hỏi, tập trung vào những gì bạn tốt nhất, thay vì diễn đạt một cách chung chung. Đặc biệt là trong quá trình du học, hãy cố gắng tích lũy kinh nghiệm cho mình, thay vì việc chỉ quan tâm kiếm tiền, bởi nó có thể giúp bạn được ngắn hạn, nhưng sẽ không thể giúp bạn được dài hạn.
Hơn thế nữa, khi về nước, đừng chỉ lo lắng xem "bạn phải làm gì" mà hãy hướng đến những thứ xa hơn như "3, 4 năm nữa, tôi sẽ là ai, tôi đang làm gì". Một khi đã xác định được mục tiêu như vậy, mọi công việc của bạn, dù là gì, cũng sẽ đều hướng tới mục tiêu đó.
Kết
Kết luận lại, việc đi du học là một mối đầu tư dài hạn, bạn có thể thu lợi từ nó nhưng cũng phải chấp nhận những rủi ro nó mang lại. Quan trọng hơn cả, hãy thật bản lĩnh và tìm cho mình một hướng đi đúng. Đi du học hay học ở trong nước, du học xong về hay ở lại, tất cả đều do chính bản thân bạn quyết định mà thôi!