Cha mẹ Việt bỏ tiền tỷ cho con đi du học, lãi hay lỗ?

11/07/2016 14:40 PM | Sống

Một nhà giáo dục nổi tiếng đã từng nói, nếu có một tài sản nào đó đáng để đầu tư nhất, thì đó chính là con người. Khi đã đầu tư cho con người, hãy tính đến việc người đó đã thu được giá trị gì, đừng quá tính toán về câu chuyện lãi lỗ.

Thời gian gần đây đã có không ít người tranh luận về việc cha mẹ bỏ vài tỷ ra cho con đi du học liệu sẽ thu lại được gì? Khi học xong những gì con cái có được liệu có đáng với số tiền đã bỏ ra? Về nước các em đi làm lương trả được bao nhiêu sẽ thu hồi vốn?

Việc đi du học tại các nước phát triển và thu được gì sau đó là câu hỏi không dễ trả lời, bởi nó khác nhau với từng trường hợp. Có một điều chắc chắn, trừ những bạn có học bổng toàn phần, còn lại, dù học tự túc hay học bổng bán phần thì số tiền gia đình phải bỏ ra cũng không hề nhỏ.

Thống kê mới đây của một tổ chức du học uy tín cho thấy, trong số các điểm đến phổ biến nhất đối với du học sinh Việt Nam bao gồm Mỹ, Úc, Đức, Anh thì hiện Úc và Mỹ đang đứng đầu về chi phí học hành và sinh hoạt phí.

Ước tính mỗi năm, một du học sinh học tự túc tại Úc hoặc Mỹ cần tiêu tốn đến 38 nghìn USD cho cả học phí và sinh hoạt phí (khi du học sinh đó chỉ tập trung đi học mà không làm thêm).

Nước mắt hạnh phúc của một người cha

Anh Hoàng Anh cầm số tiền 10 nghìn USD con trai anh gửi về mà nước mắt dâng trào, anh đã khóc, nhưng không phải khóc vì cay đắng mà khóc vì hạnh phúc. Đó là những đồng tiền đầu tiên mà con trai ở Úc gửi cho anh sau 4 năm anh cho cháu đi du học.

Anh Hoàng Anh kể lại con đường du học của Đức Anh, con trai anh năm nay đã 24 tuổi, không trải chỉ toàn hoa hồng. Hết phổ thông, anh cho cháu lên đường đi Anh du học với mơ ước sẽ thành đạt và định cư ở Anh.

Thế nhưng tiêu tốn vài tỷ cho con đi du học Anh mà tốt nghiệp ra không xin được việc nên cuối cùng hết hạn visa Đức Anh về nước. Dù vậy, ngay khi cháu đi Anh về, anh cũng cảm thấy con mình đã khác xưa rất nhiều.

Trước đây khi đi du học, Đức Anh không bao giờ phải lo nghĩ về tiền và khi con đi học anh cũng dặn con cũng không phải lo vì nhà có cơ sở kinh doanh nhà hàng khách sạn, đủ nguồn lực tài chính để on không phải lo nghĩ. Đức Anh cũng không chủ động làm việc nhà mà hoàn toàn dựa vào giúp việc.

Khi Đức Anh đi học, hết năm học đại học thứ nhất, số tiền cháu xin cứ ngày một ít dần đi lại khiến anh Hoàng Anh lo lắng.

Anh Hoàng Anh luôn động viên con trai rằng cứ yên tâm không phải lo về tài chính nhưng Đức Anh cho biết đã đi làm thêm. Và với 28 tiếng/tuần cộng thêm một công việc phụ nhận tiền mặt, Đức Anh cũng đã đủ tiền sinh hoạt để không phải lấy thêm tiền của gia đình.

Tốt nghiệp ra, suốt nhiều tháng mà vẫn không xin được việc làm để gia hạn visa, Đức Anh về nước và biến thành một con người khác hẳn so với trước khi đi. Cháu xông xáo tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình, kêu bố mẹ cho nghỉ bớt một người giúp việc để hai anh em vào bếp nấu nướng và tự làm việc nhà nhiều hơn.

Đức Anh xin được việc đi làm ở một ngân hàng trong nước với mức lương khá ổn, nhưng dù đã đi làm một thời gian, Đức Anh vẫn nói về mong muốn được làm việc trong môi trường toàn cầu, gặp gỡ nhiều bạn bè các nước. Anh Hoàng Anh tiếp tục chu cấp tiền cho Đức Anh đi học thạc sỹ ở Úc.

Công việc kinh doanh của gia đình không phải lúc nào cũng thuận lợi, thị trường bất động sản khó khăn, rất nhiều khoản đầu tư thua lỗ khiến gia đình phải bán đi rất nhiều tài sản để trả nợ. Lúc đó Đức Anh đã học gần hết cao học ở Úc. Lần này, Đức Anh đã may mắn hơn khi xin được việc tại một công ty nhỏ tại Úc với mức lương đủ sống.

Và chính lúc này, con trai anh đã gửi ngược lại tiền về cho gia đình phụ giúp lúc khó khăn. Số tiền anh đầu tư cho con trai thực sự đã mang đến sự trưởng thành cho con đến độ vượt bậc, hơn cả tưởng tượng của anh lúc ban đầu.

Niềm hy vọng của những bậc cha mẹ nông thôn

Không được may mắn có điều kiện tài chính tốt như nhà Đức Anh, du học sinh Ngọc Trung tỉnh Oita, Nhật Bản, xuất thân từ một gia đình nghèo ở tỉnh Ninh Bình. Khi còn nhỏ, Trung chỉ luôn mơ ước được đi ra Hà Nội để biết cuộc sống thành phố như thế nào.

Sau này khi Trung thi vào được Đại học Kinh tế Quốc dân, Trung lại mơ ước một ngày nào đó được ra nước ngoài để học và hiểu thế giới. Thế nhưng gia đình dù không phải quá nghèo nhưng cũng sẽ khó mà có tiền để chi trả học phí và sinh hoạt phí cho Trung. Và con đường tìm kiếm cơ hội đi học nước ngoài của Trung bắt đầu.

Sau khoảng thời gian tìm hiểu, Trung nhận thấy Nhật là nước có điều kiện giáo dục tốt, chi phí lại khá phù hợp, Trung quyết tâm du học Nhật.

4 năm học đại học thì có đến hơn 3 năm Trung đi học vào ban ngày và ban tối miệt mài “cày cuốc” ở các trung tâm tiếng Nhật cũng như quán cà phê để kiếm tiền nuôi ước mơ. Nỗ lực của Trung cũng đã được đền đáp, Trung xin được 50% học phí ở một trường thuộc tỉnh Oita, Nhật BẢn.

Thế nhưng làm thế nào để có đủ 50% học phí còn lại và thêm cả sinh hoạt phí ở một đất nước vốn đắt đỏ như Nhật? Gia đình Trung đã phải dốc tiền tiết kiệm của mình đồng thời vay nợ ngân hàng 300 triệu để có tiền cho Tr8ing đi học. Ý thức được những khó khăn của gia đình, chưa một ngày nào Trung dám lơi là nhiệm vụ học tập.

Đến thời điểm hiện tại, đã 5 năm trôi qua, Trung đã trả được hết nợ cho gia đình và đang làm việc ở một trong 4 ngân hàng lớn nhất tại Nhật với mức lương tháng bằng cả năm gia đình em làm nông mới có được. Môi trường làm việc ở đó rất chuyên nghiệp, với các đồng nghiệp đến từ nhiều nước trên thế giới.

Bài toán được và mất khi đi du học

Đối với anh Hoàng Anh, ở thời điểm hiện tại, dù số tiền đã bỏ ra cho con anh đi du học không dưới 5 tỷ, tương đương toàn bộ tài sản mà anh còn lại sau cơn khủng hoảng của thị trường bất động sản nhưng chưa lúc nào anh cảm thấy ân hận.

Bởi nếu con anh còn ở trong nước, có thể cháu cũng sẽ thành công ở một mức độ nào đó nhưng chắc chắn không thể có khả năng tranh luận, kiến thức toàn cầu và sự nhẫn nhịn, chịu đựng gian khó như con anh đang có ở hiện tại. Đối với anh, Đức Anh sẽ có thể không kiếm được nhiều tiền, nhưng những giá trị tốt đẹp của nền giáo dục tiên tiến mà cháu được lĩnh hội là tài sản vô giá.

Còn với gia đình Trung, Trung cho biết em cảm thấy hoàn toàn hài lòng với những nỗ lực và thành công của em ở hiện tại. Nếu bố mẹ em không phải là những người cấp tiến, chấp nhận cho em đi, thì có lẽ với bằng cấp kế toán của em, có thể giờ em cũng chỉ ngồi làm việc tại một công ty trong nước với mức lương có khi không đủ sống và tương lai không được sáng sủa, như nhiều bạn đồng trang lứa.

Thiết nghĩ, khi đã đầu tư cho con người, hãy tính đến việc người đó đã thu được giá trị gì, đừng quá tính toán về câu chuyện lãi lỗ. Một nhà giáo dục nổi tiếng đã từng nói, nếu có một tài sản nào đó đáng để đầu tư nhất, thì đó chính là con người. Bởi vì quần áo, nhà cửa, xe cộ rồi cũng sẽ cũ đi, nhưng kiến thức, kỹ năng, giá trị văn hóa của một con người thì sẽ không hao mòn giá trị theo thời gian.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Ngọc Thanh

Cùng chuyên mục
XEM