Bầu Đức nhảy vào cuộc đua 3F, HAGL phải chịu sức ép từ các "lão làng" và cả những "tân binh"
Cuộc đua 3F ngày càng trở nên chật chội với các 'ông lớn' lẫn 'tân binh'. Điều này đồng nghĩa HAGL phải chịu sức ép lớn để giành cho mình miếng bánh thị phần riêng, nhất là khi số lượng cửa hàng còn khá khiêm tốn và công ty vẫn chưa có nhà máy giết mổ, chế biến riêng.
Gia nhập cuộc đua 3F, HAGL có gì trong tay?
Cuộc đua 3F (Feed-Farm-Food) vốn đã rất nóng trong những năm trước với sự tham gia của các ông lớn như C.P, Dabaco, CJ Vina, Masan Meatlife, thời gian gần đây càng thêm sôi động khi có sự tham gia của các tân binh như BaF và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), cùng với câu chuyên riêng gây chú ý như "heo ăn chuối" hay "heo ăn chay".
Đặc biệt, HAGL được nhắc đến nhiều nhất bởi gắn liền với "đại gia" bất động sản một thời nhưng nhiều lần thất bát với mảng nông nghiệp, nay được kỳ vọng sẽ tiếp tục vực dậy với mảng chăn nuôi.
"Miếng bánh" của thị trường 3F được đánh giá là tiềm năng bởi thói quen tiêu dùng của một bộ phận người dân, đặc biệt là những người khu vực thành phố dần chuyển từ thịt ấm (tức thị tươi ngoài chợ) sang sử dụng thịt mát. Bên cạnh đó, các sản phẩm thịt chế biến sẵn cũng được ưa chuộng hơn bởi tính tiện lợi.
Trong báo cáo mới đây, CTCP Chứng khoán VNDirect cho rằng, với thu nhập cao hơn, kiến thức dinh dưỡng và nhận thức về sức khỏe của người dân Việt Nam ngày càng được nâng cao sẽ khiến nhu cầu về thịt sạch tăng lên.
Còn theo Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Việt Nam, phân khúc thịt heo thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng khoảng 10% -15% mỗi năm, do phân khúc này mới chỉ chiếm khoảng 10% toàn thị trường. Do vậy, đây vẫn là một thị trường tiềm năng cho các nhà sản xuất thịt đi theo hướng "thịt sạch và có nguồn gốc rõ ràng".
Theo báo cáo thường niên 2021 của Masan MEATLife, công ty này ước tính thị trường thịt heo trong nước có quy mô khoảng 15 tỷ USD.
Ngoài ra, tham gia thị trường 3F, các doanh nghiệp đứng trước cơ hội xuất khẩu thịt heo với ưu thế từ các hiệp định thương mại tự do khi Việt Nam giải quyết được các vấn đề về vùng nuôi an toàn dịch bệnh.
Trả lời truyền thông tại họp báo Triển lãm và Hội thảo Vietstock 2022, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, Việt Nam đã ký kết 17 FTA, trong đó có các FTA nổi bật như CPTPP, EVFTA... Điều này tạo ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm, trong đó có sản phẩm chăn nuôi.
Bối cảnh thị trường là vậy. Còn với bầu Đức, câu chuyện con heo, quả chuối là nỗ lực tiếp theo để vực lại HAGL, sau nhiều năm sa lầy trong nợ nần vì chưa "gặp may" trong mảng nông nghiệp, từ cao su, trái ớt, chanh dây, con bò, mía, đường….
"Lúc phát hiện ra con heo ăn chuối, tôi đã không ngủ được", bầu Đức bộc bạch trong một sự kiện.
Chiến lược của HAGL là "1 cây 1 con" tức tận dụng trái chuối thải loại để làm thức ăn chăn nuôi. Thành phần từ chuối chiếm 40% cấu thành thức ăn chăn nuôi, còn lại là đậu nành, ngô, thảo mộc…
Do đó, ông Đức xem đây là lợi thế lớn của HAGL và thậm chí công ty ông còn được hưởng lợi khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong thời gian qua. Nhờ vậy, giá thành nuôi heo của HAGL ở mức 43.000 đồng/kg (theo Bầu Đức công bố tại buổi ra mắt thương hiệu Bapi hồi cuối tháng 9/2022), so với các doanh khác trên 50.000 đồng/kg.
Với chiến lược này, ông Đức tự tin rằng giá thức ăn chăn nuôi càng tăng, HAGL càng có lợi bởi những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ bỏ chuồng.
Đó là "Farm" và "Feed" còn với mảng "Food", ngoài thịt mát, HAGL dự định sẽ cung cấp xúc xích, chả truyền thống, thịt nguội, heo xông khói.
Cuộc đua chật chội với những 'ông lớn' và cả những 'tân binh'
Bước chân vào mảng 3F, HAGL nhấn mạnh vào câu chuyện "heo ăn chuối" hay "gà chạy bộ", thế nhưng điều đó dường như là chưa đủ để giành được một góc trong miếng bánh thị phần. Trong ngành chăn nuôi, các ông lớn đã có mặt trên thị trường thời gian khá dài, thương hiệu cũng đã "găm" vào đầu người tiêu dùng lâu năm. Quan trọng hơn cả, các đối thủ cũng đã có hệ sinh thái hoàn chỉnh từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến và đặc biệt là hệ thống cửa hàng rộng khắp cả nước.
Theo số liệu của VNDirect, giá trị thị trường ngành thịt Việt Nam ước tính đạt 8,9 tỷ USD vào năm 2021, với sự tham gia của nhiều công ty lớn như CP Food, GreenFeed, Japfa, CJ Vina, Dabaco và Masan Meatlife.
Trong đó CP Việt Nam, công ty con của Tập đoàn CP Thái Lan, là doanh nghiệp sản xuất thịt lớn nhất Việt Nam với thị phần thịt heo ước tính khoảng 17-18%.
Một cái tên đáng chú ý khác là Meat Deli (thương hiệu của Masan Meatlife) ra mắt thị trường vào cuối năm 2019. Sau 2 năm ra mắt, sản phẩm Meat Deli đã có mặt rộng rãi trên hệ thống siêu thị Winmart và chiếm khoảng 2-3% thị phần. Sản phẩm thịt mát Meat Deli của Masan Meatlife vẫn đang đứng đầu về mức giá trong phân khúc thịt heo có thương hiệu với câu chuyện "Thịt mát theo tiêu chuẩn Châu Âu đầu tiên tại Việt Nam" - sử dụng công nghệ đóng gói Oxy Fresh 9.
Do đó, sân chơi "3F" hiện đang khá chật chội mới nhiều đối thủ mạnh.
Ngay cả nhân tố mới tham gia cuộc đua 3F là CTCP Nông nghiệp BaF cũng đã có nền tảng vững vàng, lâu năm về chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, sở hữu đàn heo thuộc top đầu cả nước và kế hoạch mở rộng hệ thống cửa hàng "khủng".
Ra mắt sản phẩm từ năm 2021, đến nay thịt thương hiệu của BaF đã có mặt tại 50 cửa hàng Siba Food và 250 cửa hàng Meat Shop. Hiện nay, BaF có quy mô đàn heo hơn 200.000 con (bao gồm heo thịt và heo giống), hai nhà máy thức ăn chăn nuôi và 15 trang trại rộng khắp khu vực phía Nam.
Tháng 9 vừa qua, BaF khởi công xây dựng 4 cụm trang trại heo công nghệ cạo tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu tỉnh Tây Ninh, dự kiến cụm trang trại này sẽ đi vào hoạt động vào quý IV/2023. Doanh nghiệp này dự kiến năm 2023 sẽ cung cấp ra thị trường hơn 1,5 triệu đầu heo, mở 1.100 điểm bán thịt.
Tầm nhìn đến 2030, Siba Food đang hướng tới trở thành chuỗi cửa hàng thực phẩm quy mô lớn nhất Việt Nam với 1.500 cửa hàng Siba Food và 15.000 Meat Shop.
Hồi đầu tháng 9, BaF cho ra mắt thêm sản phẩm chế biến bao gồm xúc xích BaF, giò lụa, giò sống được làm từ 100% thịt sạch BaF.
Nhìn sang HAGL, kể từ khi bắt đầu mảng chăn nuôi heo đến đầu năm 2022, công ty vẫn chủ yếu tập trung bán heo hơi. Đến tháng 4, công ty công bố ra mắt cửa hàng Bapi Mart đầu tiên tại Đà Nẵng và đến nay mới chỉ có 4 cửa hàng (3 cửa hàng tại TPHCM và 1 cửa hàng tại Đà Nẵng), hai cửa hàng khác tại Hà Nội vẫn đang trong quá trình tuyển dụng nhân viên.
Trong khi đó, công ty lên kế hoạch cuối năm 2022 có 200 cửa hàng và đến năm 2023 mở 1.000 cửa hàng, song song với việc hoàn thành nghĩa vụ trả nợ và giải quyết các vấn đề tài chính khác.
Do đó, mặc dù gây được sự chú ý nhờ thông điệp "heo ăn chuối" nhưng sự có mặt của sản phẩm này trên các kệ hàng toàn quốc vẫn chưa được phổ biến.
Hiện tại, HAGL vẫn đang thuê gia công giết mổ và chế biến thịt heo, thay vì có nhà máy riêng của mình. Các ông lớn trong ngành hầu hết sở hữu nhà máy giết mổ riêng và nhà máy chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng như xúc xích, lạp xưởng,…
Theo số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, tổng chi phí cho giết mổ khoảng từ 120.000 – 130.000 đồng/con. Chi phí này hầu như không thay đổi trong thời gian qua. Như vậy, việc tự chủ được nhà máy giết mổ và chế biến thịt sẽ giúp doanh nghiệp tăng tính cạnh tranh hơn về chi phí.
Phát biểu trong buổi ra mắt Bapi tại Đà Nẵng, ông Đinh Văn Lộc, Tổng Giám đốc Công ty CP Bapi HAGL lý giải việc chưa xây dựng nhà máy giết mổ riêng vì cần nhiều thời gian. Do đó, công ty liên kết vơi các công ty giết mổ khác.
"Hiện tại, Việt Nam có nhiều nhà máy giết mổ cũng như chế biến thực phẩm đầu tư hiện đại nhưng đang hoạt động dưới công suất, việc hợp tác này đôi bên cùng có lợi. Trong tương lai, HAGL mong muốn toàn bộ sản lượng heo nuôi từ trang trại sẽ qua nhà máy trước khi ra thị trường nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế", ông Lộc nói.
HAGL lên kế hoạch trong tương lai sẽ xây dựng nhà máy giết mổ heo này sẽ có công suất 3.000 con/ngày. Tuy nhiên, cụ thể kế hoạch này ra sao vẫn chưa được công ty tiết lộ.