Buộc phải ở nhà do dịch bệnh, hàng chục triệu người Trung Quốc đổ xô xem livestream, nhiều doanh nghiệp bỗng tìm được nguồn thu mới dù đang phải đóng cửa
Ngoài lo ngại về sức khoẻ và hậu quả kinh tế ngày một khủng khiếp của dịch bệnh Covid-19, hàng chục triệu người Trung Quốc còn đang phải vật lộn với một loại bệnh khác: Sự cô lập.
Một buổi tối thứ 7 trong tháng cao điểm dịch virus corona bùng phát, Peter Li đã gần như trở nên phát điên. Anh không thể chịu đựng thêm được việc tiếp tục đọc thông tin về hàng nghìn người chết bởi Covid-19. Anh muốn ra ngoài để uống một chút gì đó nhưng quán yêu thích của anh tại Bắc Kinh đã đóng cửa.
Thế là, vào lúc nửa đêm, giống như hàng triệu những người trẻ trong độ tuổi 20 đang bị mắc kẹt ở trong nhà khác ở Trung Quốc, Li tìm đến chiếc điện thoại để giải sầu. Trong trường hợp của Li, anh mở xem livestream (buổi phát trực tuyến) của One Third – một trong những club đêm nổi tiếng nhất Bắc Kinh. Đó là một buổi đêm vắng lặng nhưng chương trình trên kênh phát trực tuyến của One Third lại vô cùng sôi động với sự xuất hiện của 2 DJ đang chơi nhạc điện tử.
Xuất hiện từ khoảng vài tuần trước, các buổi livestream kéo dài 5 giờ như vậy của One Third đã thu hút một lượng lớn người xem và thậm chí những người này đã để lại cho câu lạc bộ 2 triệu NDT (285.000 USD) tiền boa thông qua nền tảng video ngắn Douyin – phiên bản Trung Quốc của TikTok.
"Virus đã làm mất đi sự tương tác mặt đối mặt cần thiết với những người bạn và thậm chí người xa lạ của tôi. Đó là điều tôi rất nhớ". Để khiến trải nghiệm xem livestream thật hơn, Li còn đặt một vài bóng đèn giống như ở club từ trang mua sắm Taobao và một vài chai rượu. Vì không có gì để làm sau giờ làm việc, anh nói "xem club trực tuyến giúp tôi giết thời gian".
Dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc hiện đã khiến hơn 80.000 trường hợp nhiễm bệnh cướp đi mạng sống của hàng nghìn người. Ngoài lo ngại về sức khoẻ và hậu quả kinh tế ngày một khủng khiếp, hàng chục triệu người tại đây còn đang phải vật lộn với một loại bệnh khác: Sự cô lập - kết quả của biện pháp cách li chưa từng có nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch.
Kết quả là, nhiều hoạt động trong cuộc sống hàng ngày nhanh chóng được chuyển sang internet. Những nhân viên văn phòng thì làm việc tại nhà, giáo viên thì dạy từ xa còn người mua sắm thì mua hàng trực tuyến ngày một nhiều. Tuy nhiên với những câu lạc bộ đêm, phòng gym và những doanh nghiệp tiêu dùng khác phụ thuộc vào tương tác vật lý và chi tiêu tùy ý, việc livestream đã nổi lên như một phương thức hữu hiệu để duy trì kết nối với khách hàng.
"Mọi người tham gia vào một số cộng đồng ảo để tìm kiếm sự kết nối xã hội, cảm giác yêu thương và thân thuộc", Xing Cai - một vị Phó giáo sư nhận định.
Trước đây, livestream vốn đã phổ biến ở Trung Quốc như một thứ giải trí. Công ty tìm kiếm iiMedia ước tính, 501 triệu người trong năm nay xem nhiều nghệ sỹ nghiệp dư chia sẻ video của họ: Đôi khi chỉ là ngồi trên giường trò chuyện vào camera, thường là hàng giờ liền. Hơn nữa, người xem cũng thoải mái trả tiền để xem hoặc thua thứ gì đó được quảng cáo khi livestream. Hơn một nửa lượng người xem livestream ở Trung Quốc đã xem một trương trình mua sắm vào nửa đầu năm 2019, 40% trong số đó mua hàng.
Việc cách ly khiến video trở nên thu hút hơn. Người xem của Douyin, Kuaishou và những ứng dụng khác đã tăng 574 triệu người trong dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, tăng 35% so với năm 2019. Người dùng trung bình bỏ ra 105 phút mỗi ngày để xem những video so với con số 78 phút vào năm ngoái.
Cuối cùng, sự bùng phát dịch bệnh cũng sẽ giảm dần và công việc sẽ được khôi phục lại, các club cũng sẽ mở cửa trở lại nhưng một vài chuyên gia phân tích nói rằng đây sẽ là thời điểm mọi người thực sự thoải mái với việc làm việc, nấu đồ ăn tối và tiệc tùng trong một buổi livestream.
Một chuyên gia nhận định: "Thay đổi gần đây trong sở thích người dùng với giải trí trực tuyến và việc thay đổi thói quen có thể duy trì trong thời gian dài".
Super Monkey – một phòng tập gym ở Trung Quốc với 115 địa điểm nói rằng số lượng người dùng hoạt động trực tuyến đã tăng tới 280.000 trong lớp dạy trực tuyến. Chuỗi đối thủ là Shape Fitness cũng bắt đầu dạy online các bài tập sau khi dịch bùng phát. "Nó giúp chúng tôi duy trì lòng trung thành của khách hàng – họ hiện không có chỗ nào để đi tập và nó cũng tốt cho chúng tôi để thu hút những người dùng mới trong một giai đoạn đặc biệt như thế này".
Dịch cúm thậm chí còn thu hút những tour du lịch thực tế ảo tới hơn 1.000 bảo tàng Trung Quốc như các lăng mộ thời nhà Hán được cung cấp bởi 4Dage – một startup sử dụng camera 3D để tái tạo lại không gian. Trong những tuần gần đây, tour này đã thu hút gần 100 triệu lượt xem, tăng từ mức vài nghìn trước đó. Lượt truy cập tăng mạnh đã khiến công ty ngạc nhiên. Họ đã phải kêu gọi các kỹ sư quay lại làm việc ngay sau tết để giải quyết lượng nhu cầu tăng cao.
"Mọi người buồn chán, họ tìm mọi cách để giải trí trong khi bị hạn chế ở nhà", theo một lãnh đạo của 4Dage. "Các thanh niên có thể thích video game nhưng dịch vụ này cung cấp cho những thế hệ lớn tuổi hơn". Giáo viên tại Học viện Fairchild Junior ở Hong Kong thì bắt đầu livestream kể chuyện, hát cho học sinh và thậm chí hướng dẫn chúng vẽ và làm thủ công để giải trí trong khi công viên, thư viện, khu vui chơi đều đóng cửa. Việc này đã thực sự thu hút không chỉ học viên của họ mà cả những người bên ngoài, chính vì vậy Fairchild đã chuyển livestream sang dạng công khai, và còn đưa lên cả Youtube.
Maggie Liu – chủ sở hữu của One Third nói rằng thành công của mô hình "CLB livestream" nên được đầu tư, xây dựng cơ sở khách hàng riêng nhằm tạo ra nguồn doanh thu thay thế khi mở cửa trở lại.