Buộc phải cắt giảm nhân sự nhưng vẫn cực có tâm: Nokia cấp 630 triệu đồng/người khuyến khích cựu nhân viên khởi nghiệp, thay đổi cuộc đời
Chiến lược sa thải có một không hai trong lịch sử của gã khổng lồ Nokia Bridge cung cấp vốn cho các nhân viên mà công ty đã cắt giảm, để giúp họ bắt đầu khởi nghiệp.
Chính sách cắt giảm nhân sự có 1 không 2
Những năm 2011, 2012 chứng kiến sự thoái trào đỉnh điểm của điện thoại Nokia – thương hiệu từng một thời thống trị thị trường điện thoại di động. Chỉ trong vòng 2 năm, hãng đã phải cắt giảm tới 40.000 nhân sự, và cuối cùng chấp nhận để Microsoft mua lại mảng thiết bị cầm tay, chính thức đặt dấu chấm hết cho giai đoạn hưng thịnh cuối thập niên 90, đầu thế kỉ 21.
Tuy nhiên, ngay cả trong những ngày tàn của lĩnh vực điện thoại của hãng, Nokia vẫn áp dụng một chính sách sa thải có một không hai, có lẽ chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, và cũng chưa công ty lớn nào sau này dám thực hiện theo. Đó là chính sách Nokia Bridge
Nokia đã thành lập một số trung tâm ở Châu Âu, Ấn Độ và Hoa Kỳ để giúp những nhân viên sắp phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp tìm được công việc mới, cả trong hoặc ngoài công ty.
Chương trình Bridge được triển khai vào tháng 4 năm 2011. Đối với những người có ý tưởng kinh doanh mới cần sự hỗ trợ, chương trình có thể kết nối họ đến nguồn vốn khởi nghiệp và tiếp xúc với các nhà đầu tư thiên thần, các nhà đầu tư mạo hiểm và các doanh nhân khác.
Theo Techcrunch, các nhân viên Nokia bị sa thải có thể xin trợ giúp vốn hạt giống trị giá lên tới 25.000 euro (gần 630 triệu đồng) từ chương trình này, với tối đa 4 nhân viên có thể liên kết với nhau để tiếp cận nguồn vốn tiềm năng trị giá 100.000 euro.
Ngoài ra, mỗi công ty khởi nghiệp đủ điều kiện có thể nhận thêm khoản tài trợ lên tới 50.000 euro. Theo Juha-Pekka Helminen, cựu trưởng phòng hoạch định chiến lược của Nokia, giống như các cơ sở ươm tạo khác, Nokia Bridge cũng cung cấp các dịch vụ đào tạo và hỗ trợ. Nokia Bridge cũng đảm nhận các vai trò khác, chẳng hạn như giúp tìm một công việc mới ngay trong Nokia, hoặc các vị trí công việc tại các công ty khác.
Mở ra cơ hội đổi đời cho cựu nhân viên
Kimmo Saarela, một cựu nhân viên Nokia bị sa thải, để rồi sau đó trở thành giám đốc điều hành của TreLab – công ty được xây dựng trên chính những đồng vốn hỗ trợ từ chương trình Nokia Bridge, cho biết Nokia khuyến khích các nhân viên cũ thành lập nhóm. Ông chỉ mất 5 phút để thuyết phục CTO hiện tại của công ty, Tero Kärkkäinen, và CMO của công ty, Harri Koskinen, tham gia cùng mình vào tháng 8 năm 2011.
"Chúng tôi đã phải thuyết phục vợ/chồng mình rằng chúng tôi không mất trí. Chúng tôi rất nghiêm túc, chúng tôi có một khoản đầu tư cá nhân đáng kể vào việc này, vì vậy chúng tôi đã lập kế hoạch kinh doanh, phỏng vấn các khách hàng tiềm năng, đánh giá, thuyết phục vợ/chồng của mình rằng chúng tôi không mất trí, và cuối cùng đã nhận được tài trợ từ Nokia”, Saarela cho hay.
Công ty khởi nghiệp này cũng nhận được sự giúp đỡ từ một công ty khác trong việc phát triển doanh nghiệp: Saarela bắt tay với trung tâm khởi nghiệp Protomo, có chi nhánh tại Tampere, nơi có một trong những trung tâm nghiên cứu của Nokia. Protomo hợp tác chặt chẽ với trung tâm Nokia trong khu vực và cung cấp cho Saarela cơ sở vật chất, huấn luyện, cơ hội xây dựng mạng lưới và hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa của việc trở thành một doanh nhân.
Ông nói: “Tôi nghĩ việc hỗ trợ đa hoạt động này là một phần quan trọng của chương trình Bridge và nó đã rất thành công ở vùng Tampere.”
Một cựu nhân viên khác của Nokia, Juha Rämälä, đã tận dụng nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình Bridge để phát triển một thiết bị có tên Runteq, giúp những người chạy bộ theo dõi hiệu năng của họ. Đối với Rämälä, chương trình Bridge đã cho phép anh tiếp cận với các bài giảng từ các doanh nhân nối tiếp, nhà đầu tư thiên thần và chuyên gia phát triển kinh doanh.
Rämälä cho biết: "Các ý tưởng kinh doanh đã được thảo luận với từng thành viên trong hội đồng Bridge cũng như các chuyên gia tư vấn bên ngoài để được khai thác tối đa. Đó là một bầu không khí đầy tính khích lệ".
Khoản tài trợ từ chương trình Bridge đã tạo ra hiệu ứng dòng chảy, cho phép Rämälä và người đồng sáng lập Tommi Ojala gọi được thêm vốn hỗ trợ từ TEKES, Cơ quan tài trợ cho Công nghệ và Đổi mới của Phần Lan.
Công ty khởi nghiệp Telyo - hoạt động thông qua một ứng dụng và thiết bị nhỏ có thể biến điện thoại di động của người dùng thành điều khiển từ xa, cho phép họ xem một chương trình TV trong 2 hoặc 3 phút và chia sẻ qua mạng xã hội - cũng là một công ty được hưởng lợi từ chương trình Bridge.
CTO của Telyo, Jakub Majkowski và người đồng sáng lập, Justyna Kowalska, chính là những người đủ điều kiện để xin tài trợ từ Bridge, với tư cách là các nhân viên Nokia từng bị sa thải.
Telyo được phê duyệt tài trợ từ Bridge vào cuối năm 2011, và sau đó, công ty đã ra mắt các phiên bản ứng dụng trên cả Android và iOS.
Hơn 300 công ty khởi nghiệp thành công
Kể từ khi được kích hoạt, chương trình Bridge đã giúp hơn 300 công ty có vốn khởi nghiệp. Đó là một món nợ mà Trelab's Sareela thừa nhận rằng công ty của anh sẽ không tồn tại nếu không nhờ có Bridge: "Chương trình này đã cho chúng tôi cú hích cuối cùng cần thiết từ thế giới doanh nghiệp sang tinh thần kinh doanh."
Koivisto – CEO của Telyo cũng chia sẻ cảm xúc tương tự: “Nếu không có Bridge, Telyo vẫn mãi chỉ là ý tưởng mà chúng tôi yêu thích”
Rõ ràng chương trình Bridge đã mang lại những lợi ích lớn cho các cựu nhân viên của Nokia, nhưng vậy thì Nokia được lợi gì không?
Rämälä – nhà sáng tạo Runteq thì nghĩ rằng trong mắt xã hội và chính phủ, đó là điều đúng đắn mà Nokia đã làm. Có thể một ngày nào đó, những công ty khởi nghiệp như Jolla – được xây dựng từ những đồng vốn hỗ trợ của Nokia - sẽ quay lại giải cứu chính thương hiệu điện thoại Nokia chưa biết chừng.
Link: https://www.zdnet.com/article/inside-nokia-bridge-how-nokia-funds-ex-employees-new-start-ups/?fbclid=IwAR1-UhWdqEQx-bE0ZD4ibV4F3OYDS1TuDdzdhOs8RH5EC-WQejjFP1OUs_w