“Bùng nổ rồi vụt tắt”: Bất động sản du lịch nghỉ dưỡng trở thành “cuộc chơi mới” dành cho chủ đầu tư chuẩn chỉ, sức khỏe tài chính tốt
Dù tăng trưởng chưa như kỳ vọng, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn nhận nhiều sự quan tâm.
Báo cáo mới nhất của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, sau giai đoạn phát triển bùng nổ với mức tăng trưởng lên tới 50% mỗi năm, từ năm 2018 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) du lịch, nghỉ dưỡng liên tục biến động bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Tuy vậy, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là một phân khúc tiềm năng.
Năm 2023, cả nước chỉ có khoảng 3.165 sản phẩm BĐS du lịch nghỉ dưỡng mới, giảm hơn 80% so với năm 2022. Lượng giao dịch cũng chưa phục hồi như kỳ vọng, toàn thị trường chỉ ghi nhận 726 giao dịch thành công. Sang đến năm 2024, nguồn cung BĐS du lịch, nghỉ dưỡng đã có sự cải thiện, toàn thị ghi nhận khoảng 4.400 sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng mới mở bán, tăng 40% so với năm 2023. Thanh khoản cũng ghi nhận kết quả tích cực. Tính chung cả năm 2024, toàn thị trường ghi nhận khoảng 2.500 giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ trên nguồn cung mới đạt khoảng hơn 50%.
Kết quả phục hồi tích cực này nhờ một phần không nhỏ của sự “hồi sinh” đến từ ngành du lịch. Năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 17,5 triệu lượt, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo VARS, tuy đã có sự phục hồi, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn cần đảm bảo những yếu tố nhất định.
Thứ nhất, sự chuẩn chỉ về mặt pháp lý. Hành lang pháp lý mới đã ngày càng “chặt” hơn với việc đầu tư, phát triển các dự án bất động sản. “Cuộc chơi mới” chỉ dành cho những chủ đầu tư chuẩn chỉ, có năng lực và sức khỏe tài chính tốt. Với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, vốn đã đang “nhạy cảm” về pháp lý, lại càng cần phải chuẩn chỉ. Có như vậy mới nhận được niềm tin từ khách hàng/nhà đầu tư.
Thứ hai, cần xác định sản phẩm là quan trọng, hoạt động khai thác vận hành là then chốt. Doanh nghiệp cần đầu tư đúng mực cho khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm, để đảm bảo đưa ra những dòng sản phẩm mới, không ngừng cải tiến nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của khách hàng/nhà đầu tư. Các sản phẩm bất động sản này cũng cần đưa vào quy trình khai thác vận hành chuyên nghiệp, trơn chu để đảm bảo tính hiệu quả, có như vậy mới bền được.
Thứ ba, đầu tư phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng không thể tách rời câu chuyện phát triển hạ tầng giao thông và ngành du lịch, dịch vụ. Bởi đây được coi là trợ lực chính, có yếu tố quyết định tới bài toán hiệu quả của bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.