Bùng nổ giá nhà, một ngọn núi tại Trung Quốc bị bê tông hoá
Bất động sản tăng nóng đang khiến nhiều khu bảo tồn và danh lam thắng cảnh bị tàn phá tại Trung Quốc.
Theo tờ SCMP, những du khách bay qua vùng núi Changyao thuộc tỉnh Vân Nam-Trung Quốc sẽ được chứng kiến một công trường xây dựng khổng lồ thay cho màu xanh của rừng như trước đây. Sườn đồi bên bờ đông của hồ nước ngọt lớn nhất Tây Nam Trung Quốc Dianchi Lake vốn là kỳ quan thiên nhiên với nhiều loại động vật hoang dã sinh sống.
Hình ảnh những cây rừng hùng vĩ bên sườn đồi đã trở thành biểu tượng cho sự thân thiện môi trường của vùng Vân Nam. Thế nhưng giờ đây chúng đã bị thay thế bằng những ngọn núi bị bê tông hóa với hàng chục chiếc cần cẩu sừng sững xây lên các căn biệt thự dở dang như những chiếc hộp bê tông. Xung quanh đó là hàng dãy chung cư đang được hoàn thiện. Đất được đào lên chất đống ở đây và được phủ lên bởi những tấm nilong xanh mướt.
Ngọn núi bị bê tông hoá ở Vân Nam
Vụ bê bối phá hoại môi trường để xây nhà này chỉ được phát hiện vào tháng 5/2021 khi các thanh tra môi trường báo cáo 813 biệt thự và 294 lô đất bị xây dựng trái phép trên sườn đồi rộng 230ha, tương đương 92% diện tích bề mặt của ngọn núi.
Các chuyên gia nhận định vụ việc ở Vân Nam phản ánh tình trạng bùng nổ thị trường bất động sản ảnh hưởng đến môi trường và cảnh quan tại nhiều nơi ở Trung Quốc trong vài thập niên qua.
Ngay sau vụ việc, chính quyền tỉnh Vân Nam đã ra lệnh dỡ bỏ nhằm khắc phục càng sớm càng tốt cảnh quan môi trường nơi đây. Tính đến cuối tháng 5/2021, ít nhất 47 biệt thự đang xây dựng và 36 biệt thự đã hoàn thành đã bị phá bỏ. Các quan chức địa phương ra hạn đến tháng 9/2021 để doanh nghiệp chịu trách nhiệm dỡ bỏ các tòa nhà xây trái phép, cấm thi công 390 biệt thự và yêu cầu trồng cây nhằm khôi phục hệ sinh thái.
Những nhà bảo vệ môi trường cho biết hệ sinh thái quanh hồ Dianchi bị tàn phá từ những năm 1980 do hoạt động khai thác mỏ, đào đá và chế tạo hóa chất.
"Nước hồ Dianchi rất trong, có cả và tôm sống trong đó nhưng chúng đã bị ô nhiễm dần dần bởi các nhà máy hóa chất xây xung quanh kể từ thập niên 1990. Bây giờ chẳng ai còn dám đụng đến nước hồ nữa", một chuyên gia môi trường người địa phương kể lại.
Vị chuyên gia xin được giấu tên này cho biết chất lượng nước của hồ Dianchi đã giảm xuống mức V kể từ thập niên 1980, mức thấp nhất trong ngưỡng an toàn của Trung Quốc để dùng cho hoạt động nông nghiệp. Đến thập niên 1990, hồ Dianchi là một trong những hồ ô nhiễm nhất Trung Quốc.
Bước sang thập niên 2000, chính quyền địa phương đã đóng cửa nhiều nhà máy để giải quyết tình trạng ô nhiễm ở hồ Dianchi nhưng cũng trong thời gian này, sự bùng nổ thị trường bất động sản đã khiến các nhà phát triển đổ xô về đây, tạo nên làn sóng xây dựng lần thứ 2.
"Vùng Kunming vốn có khí hậu ôn hoà, cảnh sắc thiên nhiên đẹp và đó là lý do tại sao chúng thu hút khách du lịch từ nhiều nơi trên cả nước, bao gồm cả những người muốn mua nhà định cư ở lại", một chuyên gia môi trường địa phương cho biết.