Bức tranh kinh tế quý I theo ngành: Hàng không, dầu khí lỗ gần 3.000 tỷ; Vinhomes cứu cả ngành bất động sản khỏi thế tăng trưởng âm

05/05/2020 18:45 PM | Kinh doanh

Trong khi hàng không, dầu mỏ thiệt hại nghiêm trọng thì bệ đỡ chính của thị trường là ngân hàng và bất động sản cũng đang trong trạng thái lung lay.

Bức tranh ảm đạm, thậm chí tụt dốc của nền kinh tế trong quý I là điều đã được dự đoán trước bởi những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 tới hầu hết các lĩnh vực đời sống đều rất rõ ràng.

Theo thống kê của VTV, đến thời điểm hiện tại 807 doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam, tương đương 85% giá trị vốn hóa thị trường đã công bố báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý I, cho thấy những con số cụ thể hơn.

Hàng không, dầu mỏ "chạm đáy nỗi đau"

Hàng không được nhận định là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, từ khi Covid-19 mới nhen nhóm tại Việt Nam. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, ngành này đã ghi nhận mức lỗ lên tới 2.500 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng lợi nhuận - 257,3%.

Trong đó, Vietnam Airlines chịu thiệt hại lớn nhất khi ghi nhận mức lỗ kỷ lục 2.383 tỷ đồng. Vietjet Air cũng chịu mức lỗ 989 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành dầu khí cũng "chạm đáy nỗi đau" do chịu "cú đấm kép" từ dich Covid-19 và cuộc chiến giá dầu trên thế giới. Theo báo cáo của Fiin Trade, các công ty dầu khí niêm yết trên hai sàn chứng khoán ghi nhận tổng mức lỗ 2.700 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng - 366,8%.

Bệ đỡ ngân hàng và bất động sản cũng lung lay

Dù 2/3 nhóm ngành đều không tăng trưởng nhưng mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của toàn thị trường chỉ sụt giảm xuống - 15,9%, được coi là con số không quá tệ. Bệ đỡ chính đến từ hai nhóm ngành ngân hàng và bất động sản.

Nếu bỏ 2 nhóm ngành này khỏi danh sách thì tăng trưởng của tất cả các doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý I chỉ là - 43,3%.

Tuy nhiên, trong riêng nhóm ngành ngân hàng, không phải nhà băng nào cũng duy trì được đà tăng trưởng. Trong khi VIB, TPBank, LienVietPostBank và NCB là những cái tên nổi bật, báo cáo mức tăng trưởng từ 12% đến 33% thì Vietcombank, Saigonbank hay Sacombank lại ghi nhận lợi nhuận sụt giảm từ 7% đến 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Là một mắt xích quan trọng trong việc giúp Nhà nước thực hiện các chính sách hỗ trợ đến doanh nghiệp nhưng mặt khác, các gói cứu trợ tài chính cũng tác động trực tiếp đến đến khả năng sinh lời của hệ thống ngân hàng.

Ví dụ với gói tín dụng 30.000 tỷ, lãi suất giảm 2% - 2,5%, tổng giá trị mà khách hàng được hưởng quyền lợi ước tính khoảng 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, đồng thời, ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ nợ xấu, nợ khó đòi. Dự kiến, thu nhập hoạt động của các tổ chức tín dụng trong năm nay có thể giảm 30.00 tỷ đồng, tương đương giảm 20% - 25% so với kế hoạch lợi nhuận ban đầu.

Tổng kết quý I, ngành bất động sản tăng trưởng +45%. Tuy nhiên, nếu bỏ đi lợi nhuận đột biến 7.500 tỷ đồng của Vinhomes do bán cổ phần công ty con thì mức tăng trưởng ngay lập tức tụt dốc, lao thẳng xuống còn -38,5%. Trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản cũng đang gặp không ít khó khăn vì Covid do nhu cầu giảm, các dự án khó mở bán,...

Điểm sáng từ y tế, công nghệ thông tin, bán lẻ

Cũng theo tổng hợp từ VTV, trong khi hầu hết thị trường đều ảm đạm hoặc tụt dốc, vẫn có một số ngành cho thấy dấu hiệu khởi sắc như y tế, viễn thông hay công nghệ thông tin.

Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành y tế báo cáo mức lợi nhuận 700 tỷ đồng trong quý I, tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng làm việc từ xa cũng giúp ngành viễn thông và công nghệ thông tin hưởng lợi ít nhiều, tăng trưởng 14% - 16%.

Bức tranh kinh tế quý I theo ngành: Hàng không, dầu khí lỗ gần 3.000 tỷ; Vinhomes cứu cả ngành bất động sản khỏi thế tăng trưởng âm - Ảnh 2.

Một cái tên nổi bật của ngành bán lẻ là Vincommerce, sau khi về tay Masan cũng cho thấy tình hình kinh doanh khả quan khi đã giảm lỗ một nửa trong quý I/2020. Tổng kết 3 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của tập đoàn Masan chạm ngưỡng 17.632 tỷ đồng, tăng 116.1%.

T.D

Cùng chuyên mục
XEM