Bừa bộn hoá ra lại là điều giúp con người quyết đoán và tập trung hơn

07/02/2017 10:15 AM | Sống

Nghiên cứu khoa học cùng thử nghiệm xã hội cho thấy những người bừa bộn có xu hướng quyết đoán hơn, hiểu rõ vấn đề và đôi khi là tập trung cao độ hơn.

Chúng ta cố gắng sắp xếp mọi thứ thật ngăn nắp. Dọn dẹp tủ để đồ, lên lịch cho từng việc một, cẩn thận phân loại các email, và lập kế hoạch cụ thể cho kỳ nghỉ của mình. Đôi khi chúng ta quá đặt niềm tin vào quan niệm cho rằng nếu cái gì đó trông có vẻ ngăn nắp, thì chúng ta sẽ kiểm soát được cuộc sống của mình.

Tuy nhiên dọn sạch sẽ bàn làm việc của mình, trớ trêu thay, lại có thể làm cho tâm trí của bạn xáo trộn hơn bao giờ hết. Mọi công việc bạn phải làm vẫn ở đó. Nhưng thiếu đi những dấu hiệu mà bạn tin tưởng để nhắc nhở mình, lúc này bạn phải dựa vào tiềm thức và trí nhớ của mình để làm những việc cần làm.

Vào năm 2001, Steve Whittaker và Julia Hirschberg đã nghiên cứu về hành vi của những người “ngăn nắp” (phân loại các tài liệu ngay lập tức) và những người “bừa bộn” (để giấy tờ chất đống trên bàn mình hoặc bất kỳ chỗ nào tiện).

Kết quả thật đáng ngạc nhiên, các nhà nghiên cứu thấy rằng những người ngăn nắp lại lưu giữ vô vàn những thứ tư liệu vô dụng. Đó là điều thường xảy ra khi ta ngay lập tức phân loại các tư liệu trước khi thực sự hiểu rõ, và biết được chúng nên được dùng ở đâu trong những việc mình đang làm, và liệu có nên giữ chúng lại hay không.

Khi thực hiện một quy định buộc những người này phải loại bỏ một số giấy tờ không cần thiết, họ cảm thấy mình đã quá gắn bó với chúng. Họ không nỡ loại bỏ chúng dù chúng chả còn giá trị gì nữa, chỉ bởi họ đã mất khá nhiều thời gian để sắp xếp, phân loại chúng.

Trong khi đó, những người bừa bộn lại có kết quả khả quan hơn. Họ khá quyết đoán khi vứt đi những tư liệu không cần thiết. Và khi thực sự phải phân loại, sắp xếp cái gì đó, chắc chắn là họ hiểu rõ về chúng. Kết quả là, họ có được những thư mục lưu trữ gọn gàng, thiết thực và có ích hơn.

Và điều tương tự cũng có thể diễn ra trong cuộc sống của bạn. Theo nhà tâm lý học Marc Wittman, một kỳ nghỉ hoàn toàn không chuẩn bị hoặc chỉ được chuẩn bị qua loa thường lại có vẻ dài hơn và viên mãn hơn so với một kỳ nghỉ mà mọi quyết định đã được đưa ra từ trước. Những quyết định quan trọng phải được đưa ra vào đúng thời điểm, nghĩa là bạn phải chú ý hơn đến những gì đang diễn ra và nhờ thế có được ký ức phong phú hơn sau khi sự việc xảy ra.

Nhưng đó là về những kỳ nghỉ. Với một ngày bình thường, không phải gọn gàng ngăn nắp sẽ tốt hơn sao?

Để trả lời câu hỏi này, các nhà tâm lý học Daniel Kirschenbaum, Laura Humphrey và Sheldon Malett đã thực hiện một nghiên cứu với các sinh viên, trong đó một số sinh viên được yêu cầu đưa ra các mục tiêu hàng tháng và nghiên cứu các hoạt động; những người còn lại được yêu cầu lập kế hoạch cho các hoạt động và mục tiêu chi tiết hơn, theo từng ngày một.

Các tác giả nghiên cứu nghĩ rằng những kế hoạch chi tiết được lập ra hàng ngày sẽ có tác dụng hơn, nhưng họ đã sai. Những bản kế hoạch từng ngày khiến người ta nhụt chí và nản lòng, trong khi các bản kế hoạch theo tháng lại tỏ ra có tác dụng. Và tác động này vẫn còn rõ rệt trong cả năm tiếp theo.

Lời giải thích hợp lý nhất là: các bản kế hoạch theo ngày dễ bị phá hỏng bởi các sự kiện bất ngờ. Một cấu trúc cứng nhắc vì thế vốn đã mỏng manh ngay từ đầu. Tâm trí sẽ yên bình hơn và hiệu suất cũng sẽ tăng lên nếu bạn có cơ hội được “tùy cơ ứng biến” nhiều hơn.

Chúng ta đều cần phải tìm ra những hướng đi trong cuộc sống của mình, dù nó là một con đường gọn gàng sạch sẽ hay lộn xộn bừa bãi. Và một giải pháp có thể dùng cho tình huống này, lại có thể không thích hợp cho những tình huống khác. Điều quan trọng là chúng ta phải học được cách không tự trách mình khi cơn hỗn độn kéo bạn vào vòng xoáy của chúng.

Đinh Vân

Cùng chuyên mục
XEM