Bốn 'con hổ' châu Á liệu có tìm lại được 'tiếng gầm’ trong năm 2022?

03/02/2022 08:40 AM | Kinh doanh

Trước áp lực về lạm phát cùng làn sóng siêu lây nhiễm của các biến thể mới, 2022 có thực sự là năm giúp "hổ châu Á" tìm lại "tiếng gầm" sau hơn một năm đối phó với đại dịch?

Kinh tế châu Á
Kinh tế châu Á

Bốn "con hổ" châu Á là cụm từ chỉ 4 nền kinh tế lớn trong khu vực châu Á, bao gồm Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Bốn "con hổ" có khá nhiều điểm chung, chẳng hạn như xuất khẩu tăng trưởng mạnh, dân số học thức cao và tỉ lệ tiết kiệm cũng cao. Ngoài ra, chúng cũng đã chứng minh được khả năng phục hồi mạnh mẽ từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và cú sốc tín dụng toàn cầu hồi năm 2008.

Tuy nhiên, trong năm 2022, trước áp lực về lạm phát cùng làn sóng siêu lây nhiễm của các biến thể mới, nhiều câu hỏi đang được đặt ra với 4 khu vực này, rằng 2022 có thực sự là năm giúp "hổ châu Á" tìm lại "tiếng gầm" sau hơn một năm đối phó với đại dịch.

Singapore

Theo tờ The Straits Times, kinh tế Singapore tăng trưởng 7,2% trong năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 2010 và vượt lên trên mọi dự báo trước đó của các chuyên gia. Đây được coi là "cú lội ngược dòng" đáng nể của một quốc gia châu Á vừa ghi nhận đà sụt giảm 5,4% hồi năm 2020.

Bốn con hổ châu Á liệu có tìm lại được tiếng gầm’ trong năm 2022? - Ảnh 1.

Kinh tế Singapore tăng trưởng 7,2% trong năm 2021, mức cao nhất kể từ năm 2010

Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2022, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết nền kinh tế nước này dự kiến tăng trưởng 3-5% trong năm 2022, tương tự dự báo mà Bộ Công thương đưa ra hồi tháng 11/2021. Theo các chuyên gia, mức tăng trưởng cao như trên cho thấy Singapore thực sự đã lấy lại động lực tăng trưởng, bất chấp số ca nhiễm biến thể mới Omicron gia tăng.

Tuy vậy, nước này vẫn đang đứng trước một số rủi ro khiến đà tăng trưởng có thể chệch quỹ đạo trong năm 2022. Vào tháng 11/2021, lạm phát Singapore đã tăng lên 3,8% sau khi chạm mức cao kỷ lục hồi tháng 10. Giá cả nhiều mặt hàng tăng vọt khiến người dân không khỏi lo lắng. Bên cạnh đó, đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Singapore cũng có thể là tác nhân khiến kinh tế nước này khó đạt mục tiêu tăng trưởng.

Dẫu vậy, Thủ tướng Singapore vẫn lạc quan rằng nước này có thể "tự tin một cách thầm lặng" đối phó với các tác động của biến thể Omicron dù chưa thực sự thoát khỏi khó khăn.

Hong Kong (Trung Quốc)

Theo các chuyên gia, trong trung hạn, Hong Kong (Trung Quốc) sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch trọng tâm kinh tế từ Tây sang Đông. Bên cạnh đó, các chính sách xử lý nút thắt về đất đai, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đầu tư giáo dục cũng được cho là sẽ giúp triển vọng kinh tế Hong Kong (Trung Quốc) khả quan hơn trong năm nay.

Bốn con hổ châu Á liệu có tìm lại được tiếng gầm’ trong năm 2022? - Ảnh 2.

Trong trung hạn, Hong Kong (Trung Quốc) sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch trọng tâm kinh tế từ Tây sang Đông

Các chuyên gia ước GDP Hong Kong (Trung Quốc) sẽ đạt từ 3,5-5,5% trong năm 2021. Trong giai đoạn 2022 - 2025, khu vực này sẽ đạt mức tăng trưởng bình quân 3,3%/năm, trong khi tỷ lệ lạm phát cơ bản trung bình ở mức 2%.

Mặc dù vậy, người đứng đầu Cơ quan tài chính Hong Kong (Trung Quốc) nhấn mạnh, tình trạng tắc nghẽn nguồn cung cùng làn sóng lây nhiễm của dịch COVID-19 có thể sẽ mang lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế. Ngoài ra, sự leo thang giá cả một loạt hàng hoá do lạm phát cũng sẽ gây áp lực lên Hong Kong (Trung Quốc) trong năm 2022.

Hàn Quốc

Hàn Quốc có lẽ là "con hổ" ghi nhận thành tích đáng nể nhất trong năm 2021. Ngân hàng Trung ương BOK cho biết kinh tế Hàn Quốc trong năm qua đạt tốc độ tăng trưởng 4%, cao nhất trong 11 năm. Trong đó, tiêu dùng tư nhân ghi nhận mức tăng 3,6% và hoạt động xuất khẩu tăng tới 9,7% - những động lực chính giúp nền kinh tế xứ sở kim chi tăng trưởng vượt dự báo.

Bốn con hổ châu Á liệu có tìm lại được tiếng gầm’ trong năm 2022? - Ảnh 3.

Kinh tế Hàn Quốc trong năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng 4%, cao nhất trong 11 năm

Hiện chính phủ nước này vẫn đang tìm cách củng cố nền kinh tế hậu đại dịch bằng cách mở rộng chi tiêu chính phủ. Họ kỳ vọng GDP Hàn Quốc trong năm 2022 sẽ tăng trưởng 3% trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ tư châu Á được hưởng lợi từ hoạt động xuất khẩu chất bán dẫn và đẩy mạnh chi tiêu công.

Đài Loan (Trung Quốc)

Theo Reuters, kinh tế Đài Loan (Trung Quốc) trong năm 2021 đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng kỷ lục trong hơn một thập kỷ. Động lực chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu vốn đã tăng 29,4% nhờ sự gia tăng nhu cầu đối với các loại hàng hóa công nghệ cao và chip nhớ.

Dẫu vậy, theo Capital Economics, xuất khẩu của Đài Loan (Trung Quốc) khó có thể đạt tốc độ tăng trưởng đó trong năm 2022.

Bốn con hổ châu Á liệu có tìm lại được tiếng gầm’ trong năm 2022? - Ảnh 4.

Hoạt động xuất khẩu của Đài Loan (Trung Quốc) có thể sẽ chững lại trong năm 2022

"Với tình trạng lạm phát tăng cao, trong khi các chính sách hỗ trợ tài khoá của giới chức các nước dần bó hẹp, chi tiêu bán lẻ ở nhiều thị trường xuất khẩu chủ chốt của Đài Loan (Trung Quốc) sẽ giảm. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu cũng có thể chững lại trong năm nay", đại diện Capital Economics cho biết.

Theo: Reuters, Straits Times

Huệ Anh

Cùng chuyên mục
XEM