Bom tấn ‘Kong: Đảo Đầu Lâu’: Việt Nam là nhân vật chính
Có tần suất xuất hiện trên màn ảnh còn nhiều hơn cả "vua khỉ", Ninh Bình, Quảng Bình, Hạ Long đang khiến khán giả thế giới phải tò mò trong mùa phim hè năm nay.
Cuối tháng 2/2016, nhiều người dân Việt Nam sôi sục khi lần đầu có một bom tấn Hollywood được quay tại dải đất hình chữ S. Ninh Bình, Quảng Bình, Hạ Long là ba địa điểm được chọn làm bối cảnh cho bộ phim Kong: Skull Island ( Kong: Đảo Đầu Lâu ).
Dàn diễn viên hạng A của Hollywood như Tom Hiddleston, Brie Larson, Samuel L. Jackson hay John Goodman đã cùng hơn 200 thành viên của đoàn phim tới Việt Nam và lưu lại trong gần một tháng để ghi hình.
Suốt quãng thời gian các ngôi sao Hollywood và đoàn phim lưu lại Việt Nam, công chúng trên cả nước đều rất quan tâm và tò mò về những cảnh quay phô diễn vẻ đẹp Việt Nam qua góc nhìn của các nhà làm phim bom tấn.
Sau một năm, bộ phim chính thức ra mắt khán giả trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, Kong: Đảo Đầu Lâu thu về hơn 18,2 tỷ đồng cùng 162.000 lượt khán giả tới xem chỉ trong ngày đầu ra mắt, phá vỡ mọi kỷ lục phòng vé từ trước đến nay vào ngày khởi chiếu.
Việt Nam – quê hương của "vua khỉ"
Kong: Đảo Đầu Lâu được quay tại Hawaii (Mỹ), Australia và Việt Nam nhưng khi phim chiếu, khán giả nước nhà có thể thấy bối cảnh chính của bộ phim là ở Việt Nam. Ngoại trừ những địa điểm như Đà Nẵng,
Sài Gòn trước năm 1975 được dựng trong trường quay, 80% thời lượng phim là những cảnh quay tại Ninh Bình,
Hạ Long và Quảng Bình, từ lúc những chiếc máy bay của các nhà khoa học và quân đội Mỹ xuyên qua mây mù trên Thái Bình Dương để chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Vịnh Hạ Long từ trên cao.
Câu chuyện phim đi theo cả con người lẫn Kong cùng các loài sinh vật khổng lồ trên đảo Đầu Lâu. Chính vì vậy, có thể coi Việt Nam cũng là một nhân vật khi thời lượng xuất hiện thậm chí còn nhiều hơn cả chú khỉ khổng lồ.
Qua góc nhìn của Hollywood, cảnh vật Việt Nam hiện lên hùng vĩ với núi non trùng điệp, sông nước rộng lớn với vô số loài sinh vật kỳ lạ.
Ngôi làng cùng tạo hình của các thổ dân do chính dàn diễn viên quần chúng người Việt đảm nhận cũng được dàn dựng rất công phu, tỉ mỉ. Hình ảnh đàn cò trắng bay giữa Vịnh Hạ Long sẽ khiến nhiều người Việt Nam cảm thấy tự hào về vẻ đẹp quê hương mình, còn khán giả quốc tế hẳn phải trầm trồ và mong muốn được du lịch tới đây.
Kong: Đảo Đầu Lâu có phần kỹ xảo hoành tráng, đặc biệt là những trận chiến giữa Kong với con người, giữa Kong cùng các loài sinh vật kỳ lạ trên Đảo Đầu Lâu.
Những cuộc so găng mãn nhãn ấy đều diễn ra với xung quanh là non nước hùng vĩ đặc trưng cho vẻ đẹp thiên nhiên của dải đất hình chữ S. Thời gian tới, có lẽ Việt Nam sẽ được nhiều bạn bè quốc tế biết đến hơn với tên gọi "quê hương của vua khỉ".
Cơ hội quảng bá cho du lịch?
Sự kiện lần đầu tiên cảnh đẹp Việt Nam xuất hiện trong một bom tấn Hollywood chiếu mùa hè trên khắp toàn cầu là một cơ hội lớn để quảng bá cho du lịch. Hàng triệu người đã xuýt xoa trước vẻ đẹp của New Zealand khi xem bộ ba Chúa Nhẫn của đạo diễn Peter Jackson.
Ngọn núi bay huyền ảo ở Trương Gia Giới thuộc tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) lập tức lọt vào danh sách các điểm đến hot nhất sau khi đạo diễn James Cameron chọn nơi đây làm bối cảnh Avatar. Ngành du lịch của các điểm đến này được kích cầu rất lớn.
Thế nhưng Avatar và Chúa Nhẫn đều là những tác phẩm được đánh giá cao cả về tính giải trí lẫn những đột phá về mặt công nghệ. Những bộ phim thế này thường được khán giả nhớ lâu và đánh dấu cho một thời kỳ sẽ được nhắc lại sau này.
Trong khi đó, Kong: Đảo Đầu Lâu lại đi theo dòng bom tấn giải trí điển hình hiện nay của Hollywood, giống như series Transformers. Một tác phẩm dễ xem, dễ phấn khích nhưng cũng dễ quên. Ngoài chuyện kỹ xảo hoành tráng, nội dung phim bị đánh giá thấp hơn hẳn phiên bản King Kong 2005 của đạo diễn Peter Jackson.
Các nhân vật trong bản mới được xây dựng có tính cách nhạt nhòa, bao gồm cả Kong. Để "xu nịnh" thị trường Trung Quốc – được coi là thị trường lớn nhất nhì thế giới hiện nay với nhiều bộ phim còn có doanh thu cao hơn thị trường Mỹ, Kong: Đảo Đầu Lâu không ngần ngại đưa vào nhân vật người Trung Quốc do Cảnh Điềm đóng.
Nhân vật này xuất hiện từ đầu đến cuối phim nhưng không đóng vai trò gì ngoài việc đi cùng đoàn thám hiểm, thi thoảng nói những câu thoại nhạt nhẽo và nếu có bỏ đi thì cũng không ảnh hưởng gì tới nội dung.
Kong: Đảo Đầu Lâu được dự đoán sẽ thu lời cho Legendary và Warner Bros trong dịp này với hàng trăm triệu USD. Việt Nam đang trở thành một điểm nóng và tạo hiệu ứng khi bom tấn này đang đổ bộ tới hàng trăm nghìn rạp chiếu phim khắp toàn cầu.
Đó là cơ hội tốt để quảng bá du lịch và cần có sự chủ động từ chính phía Việt Nam. Nếu không, khi Kong: Đảo Đầu Lâu giảm sức nóng và rút khỏi các rạp chiếu để nhường chỗ cho các bom tấn mới, Ninh Bình, Hạ Long, Quảng Bình rồi cùng bị chìm giữa bao bối cảnh phim khác cũng đẹp không kém.
Nói một cách trần trụi thì nếu không phải Kong: Đảo Đầu Lâu quay ở Việt Nam thì có lẽ phim chẳng thể có được sức nóng mạnh mẽ như hiện tại ở thị trường này. Phim sẽ trôi đi rất nhanh và chỉ khoảng hai tuần sau, chẳng ai còn nhớ về nó.
Cũng giống như Transformers phần 2,3,4 gần như rất ít khán giả nhớ được nội dung series này về sau kể về cái gì và quay ở đâu ngoại trừ các màn phô diễn kỹ xảo.
Dù gì đi chăng nữa, Kong: Đảo Đầu Lâu đang khiến khán giả Việt Nam rất thỏa mãn khi được nhìn ngắm quê hương mình xuất hiện hoành tráng trên màn ảnh Hollywood cùng dàn sao hạng Ạ và quái vật huyền thoại.
Việc đưa cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp ở Ninh Bình, Hạ Long, Quảng Bình đến với bạn bè thế giới đang có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, chuyện du lịch Việt Nam có thể cất cánh được hay không, khi Kong hoàn thành nhiệm vụ ở các rạp chiếu, thì vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.