Bộ Y tế khuyến cáo: Người dân nâng cao ý thức, chủ động các biện pháp phòng bệnh cá nhân để ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm
Lãnh đạo Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần nâng cao ý thức và chủ động các biện pháp phòng bệnh cá nhân, chung tay xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh hơn.
Ngày 26 tháng 12 năm 2024, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2024 và Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2025 để hưởng ứng ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2024. Nhân ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2024, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã đưa ra thông điệp: "Cùng nhau thực hiện các cam kết trong phòng, chống đại dịch; cùng hành động mạnh mẽ hơn để ngăn ngừa và kiểm soát đại dịch trong tương lai".
Với cách thức và hình thái lây truyền đa dạng, tác nhân gây bệnh liên tục biến đổi, các bệnh truyền nhiễm nói chung luôn diễn biến khó lường, khó dự báo. Bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng phát triển, tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa và di dân gia tăng làm cho các đợt bùng phát dịch bệnh ngày càng gia tăng và nguy cơ xảy ra đại dịch luôn hiện hữu. Năm 2024, các đợt bùng phát dịch bệnh Mpox, dịch tả, bại liệt, Marburg… vẫn xảy ra tại nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới là sự cảnh báo rằng các bệnh truyền nhiễm luôn là mối nguy hiểm hiện hữu đối với mọi quốc gia.
Tại Việt Nam, trong năm 2024 tình hình các bệnh truyền nhiễm trên phạm vi cả nước cơ bản được kiểm soát; các bệnh truyền nhiễm lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sốt rét giảm mạnh so với năm 2023; không ghi nhận các trường hợp bệnh nặng, tử vong do COVID-19 và không ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh nguy hiểm nhóm A (Ebola, MERS-CoV, cúm A/H7N9) xâm nhập vào Việt Nam.
Để phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai, Bộ Y tế sẽ phối hợp chặt chẽ cơ quan ban ngành liên quan.
Không chỉ phối hợp cùng các cơ quan nhà nước, các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng là một trong những nhân tố lớn thúc đẩy hiệu quả của công tác tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh. Điển hình như chương trình hợp tác chiến lược "Vì một Việt Nam khỏe mạnh và bền vững" giai đoạn 2023 - 2028 giữa Bộ Y tế cùng Unilever Việt Nam nhằm góp phần tiếp tục nâng cao nhận thức và điều kiện vệ sinh, sức khỏe cho người dân, xây dựng môi trường y tế bền vững tại Việt Nam.
Trong năm qua, chiến dịch "Chuyến xe sạch khuẩn" do Lifebuoy khởi xướng kết hợp với Hội thầy thuốc trẻ Việt Nam đã mang đến những buổi tư vấn y tế chuyên nghiệp, khám chữa bệnh miễn phí và các hoạt động tuyên truyền về vệ sinh cá nhân cho hàng ngàn người dân trên hơn 30 tỉnh thành. Với sự tham gia của các chuyên gia y tế, chiến dịch không chỉ cung cấp kiến thức phòng chống bệnh tật mà còn mang lại giải pháp thực tiễn, giúp cải thiện sức khỏe cho người dân Việt Nam. Những nỗ lực này thể hiện cam kết mạnh mẽ của Unilever và Lifebuoy trong việc đồng hành cùng Chính phủ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Phát biểu tại Hội nghị, Bà Lê Thị Hồng Nhi, Phó tổng giám đốc Truyền thông, đối ngoại và phát triển bền vững, Unilever Việt Nam chia sẻ: "Đối với Unilever, ngoài cung cấp các sản phẩm thì việc nâng cao ý thức cộng đồng về vệ sinh phòng dịch luôn luôn là một sứ mệnh đi kèm với hoạt động kinh doanh. Chúng tôi rất hy vọng thời gian tới sẽ có thể tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho các Cục, Vụ, Viện và thậm chí ứng dụng những công nghệ tiên tiến như dự báo, cảnh báo dịch bệnh hay công cụ về trí tuệ nhân tạo để đưa những thông tin chính xác hơn và lan tỏa mạnh hơn những thông điệp về dự phòng này."
Nhằm chung tay xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh hơn, người dân cần nâng cao ý thức và chủ động các biện pháp phòng bệnh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn, dinh dưỡng đầy đủ, thực hiện lối sống lành mạnh để phòng, tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.