Bỏ việc theo lời khuyên trên mạng, cái giá phải trả khiến tôi đau đáu suốt nhiều tháng trời
Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người ghi lại quá trình bỏ việc và chia sẻ lời khuyên. Một bộ phận khác nghe theo những lời khuyên đó, rồi cũng nhanh chóng đưa ra quyết định rời đi. Tuy nhiên, không phải lúc nào quyết định này cũng là đúng đắn.
Trào lưu “QuitTok” lan tràn
Samantha Rae Garcia đã làm công việc nhà hàng của mình ở Midland, Texas, trong bốn năm. Tuy nhiên, đến năm ngoái, cô cảm thấy không thể chịu đựng được những lời chỉ trích, chì chiết của ông chủ thêm được nữa.
Garcia quyết định nghỉ việc nhưng trước đó, cô đã quay hình quá trình này và đăng tải nó lên mạng xã hội TikTok. Trong đoạn video được quay ngẫu hứng, Garcia chớp mắt, mỉm cười và giơ ngón tay cái lên đầy châm biếm. Ông chủ của cô ấy không xuất hiện trong camera, nhưng nghe thấy tiếng than thở vì sự trẻ con của Garcia.
“Sếp không biết tôi ở đây trong khi nói xấu, phàn nàn về tôi”, cô viết chú thích. Garcia thì thầm nói về ông chủ là “người quản lý tồi”.
Kể từ khi cô ấy đăng video vào tháng 2 năm 2022, nó đã đạt được 3,7 triệu lượt xem, cùng với đó là hàng nghìn bình luận khen ngợi sự bình tĩnh của Garcia khi cô không lao ra đối chất hay cãi nhau với sếp.
Mẹ Garcia biết về chuyện này và lo lắng video có thể khiến các nhà tuyển dụng tương lai “quay lưng” với con gái. Tuy vậy, sau khi gửi hồ sơ xin việc tại nhiều nhà hàng khác nhau, Garcia vẫn nhận được một công việc khác phù hợp.
Rất nhiều người trẻ đăng tải clip chia sẻ lời khuyên nghỉ việc.
Joey La Neve DeFrancesco cũng từng thực hiện một hành động tương tự. Khi đã quá thất vọng vì phải làm việc nhiều giờ, lương thấp, quản lý ăn chặn tiền boa và phản đối việc thành lập công đoàn, Joey quyết tâm xin nghỉ việc.
Thay vì lặng lẽ để lại đơn từ chức, anh quyết định đến thẳng trước mặt người quản lý để đưa đơn, nhưng ngay sau đó lại thả nó rơi xuống đất trước mặt quản lý. Sau đó, anh giơ tay đắc thắng, có cả một ban nhạc đứng sau chiêng trống ầm ỹ cổ vũ cho hành động này.
Cả quá trình này được ghi lại với sự hỗ trợ của bạn bè Joey, rồi họ đăng tải lên mạng xã hội. Video được xem tới 8,5 triệu lần.
Joey La Neve DeFrancesco mời cả ban nhạc đến chơi giai điệu ăn mừng khi anh nộp đơn thôi việc cho người quản lý. Ảnh: La Neve.
Đây chỉ là một trong số ít những video thuộc trào lưu “QuitToks” - những clip ghi lại quá trình hoặc lời khuyên bỏ việc (quit job) trên TikTok.
Joseph Fuller, giáo sư thực hành quản lý tại Trường Kinh doanh Đại học Harvard, cho biết chủ đề chung của các video là “sự vỡ mộng”.
“Không ai nhận công việc với suy nghĩ nó sẽ trở nên rất tồi tệ hay không thể tin rằng mình phải làm điều này. Nói chung, mọi người không chỉ bỏ việc. Họ bỏ sếp”, ông nói thêm.
Không chỉ riêng TikTok, người ta cũng tìm đến Youtube, Facebook, Instagram, Twitter… hay các mạng xã hội khác để đăng tải những nội dung như vậy.
Cái giá phải trả đằng sau
Không phải ai cũng hoan hỉ với kết quả nhận được sau khi nghỉ việc theo trào lưu TikTok. Lin là một trong số đó.
“Khi xem các clip, cảm xúc của tôi được đẩy lên cao trào cùng với nội dung. Tôi đồng cảm với việc làm của họ quá mức mà quên cân nhắc hiện trạng của bản thân. Cuối cùng, trong một phút nóng vội, tôi cũng nộp đơn xin nghỉ, hỉ hả quay hình, đăng tải lên mạng, cùng nói xấu công ty cũ với bạn bè xung quanh. Nhưng sau đó, tôi đã mất một khoảng thời gian dài hối hận vì hành động bốc đồng này”, Lin cho biết.
“Ban đầu, tôi hưng phấn tận hưởng thời gian nghỉ việc, không deadline, không áp lực, không có cấp trên cau có mắng mỏ bên tai. Tuy nhiên, chỉ khoảng vài ngày sau, sự trống rỗng kéo tới và lấp đầy cả ngày dài. Tôi lại lao đầu vào các website tuyển dụng, hòng tìm ra một vài cơ hội cho mình. Tôi cũng gửi CV rất nhiều nơi, nhưng phản hồi không mấy khả quan.”
Khi tìm đến một người quen làm công việc HR để tâm sự, Lin mới bàng hoàng phát hiện ra sự thật. “Họ (các HR) thường có một mạng lưới kết nối lẫn nhau, thường để chia sẻ thông tin về các nhân sự mà họ biết. Trường hợp của tôi từng được đăng tải trong một group với dòng cảnh báo: ‘Cẩn thận, cô gái này là kiểu người sẵn sàng ném đơn từ chức vào mặt quản lý ngay khi gặp 1-2 vấn đề bức xúc trong công việc’. Nhìn thấy điều đó, nhiều HR không còn muốn liên hệ với tôi nữa”, cô kể lại.
Theo Paychex, những người thuộc thế hệ Gen Z chịu ảnh hưởng nhiều nhất sau những quyết định nghỉ việc vội vàng. Khi tìm đến môi trường mới, không ít người thường cảm thấy hối hận và khiến sức khỏe tinh thần của họ ngày càng suy giảm.
“Nhiều người từ chức vì cấp trên, nhưng điều đó không ảnh hưởng đến việc nhung nhớ đồng nghiệp”, Jeff Williams, Phó Chủ tịch giải pháp nhân sự và doanh nghiệp tại Paychex, nói với CNBC Make It. “Họ không chỉ xây dựng tình đồng nghiệp, mà còn là tình bạn, một điều không dễ tìm thấy ở môi trường làm việc.”
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cứ 10 người thì có 9 người cho biết họ đã thay đổi ngành sau khi họ nghỉ việc. Tỷ lệ những người chuyển ngành hối hận về lựa chọn của mình cao hơn 25% so với những người vẫn làm trong ngành cũ. Thế hệ X là đối tượng dễ đánh mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống nhiều nhất.”
“Chỉ có 54% người được hỏi hài lòng với trạng thái tinh thần hiện tại. 43% tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống ở nơi làm việc mới. Thật không may, thế hệ Z có mức độ cân bằng giữa sức khỏe tinh thần và công việc với cuộc sống thấp nhất.”
Về phần các nhà tuyển dụng, trong khi đa số cho rằng họ sẵn sàng tuyển dụng lại những người nhảy việc, thì một số lại do dự hơn. Họ đặt câu hỏi liệu rằng nhân sự đó có đăng tải một clip tương tự khi nghỉ việc tại công ty mình hay không.
*Theo nytimes, CNBC