Bỏ việc ở ngân hàng, tiêu sạch tiền tiết kiệm, người đàn ông này cuối cùng cũng tìm được đam mê với startup
Yoshi Yokokawa rất có thể là người sẽ định nghĩa lại cách chúng ta khiến đồng tiền phải làm việc cho mình.
Từ bỏ việc tại ngân hàng, mất sạch tiền tiết kiệm cho đến việc bị giễu cợt ngay trên sân khấu, cuối cùng anh cũng tìm ra cách khiến bản thân hạnh phúc.
Yoshi bắt đầu vào làm toàn thời gian tại ngân hàng Lehman Brother ở Tokyo vào năm 2005 nhưng lại không tiện nói chính xác anh làm gì ở đây mà chỉ chia sẻ “Chúng tôi tạo ra sản phẩm từ chính những rủi ro của khách hàng…Đó là việc cho vay nợ dưới tiêu chuẩn với các đối tượng nợ tiền mua nhà.” Phải chăng Yoshi cũng “góp một tay” vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nên đã ngại nói ra công việc của mình?
Thời kỳ làm việc tại Lehman Brother ám ảnh Yoshi đến tận bây giờ với không biết bao lần anh tự hỏi “Hạnh phúc là gì? Tôi thực sự muốn điều gì vậy?”
Chứng kiến cảnh bạn bè đồng nghiệp lần lượt “ngã ngựa” sau cuộc khủng hoảng tài chính, anh tặc lưỡi: “Đó là thời điểm tệ hại khi 3 trong số 4 người ở nhóm của tôi rời công ty. Họ thật sự phát bệnh.”
Đó cũng là khi Yoshi bắt đầu tập các môn thể thao hạng nặng như chạy marathon để giữ hình thể, thể nhưng những giờ làm việc không mục đích kéo dài đằng đẵng cuối cùng cũng làm anh kiệt sức. “Cứ đến chỗ làm là tôi thấy phát ốm. Tôi không thể tìm ra hạnh phúc thực sự chừng nào tôi chỉ biết đi làm vì tiền”, anh nhớ lại.
Bốc hơi 50 ngàn USD
Thời điểm Yoshi chỉ tập trung hầu hết thời gian cho công việc cũng là lúc sức khỏe của bà anh xuống dốc nghiêm trọng. “Bà tôi sống một mình và nhiều lúc phải vật lộn nên tôi đã quyết định nghỉ làm chăm sóc bà.” Anh rời bỏ công việc ở ngân hàng rồi chuyển đến sống với bà, thế nhưng cuộc sống lại không hề dễ dàng với chàng trai này.
Trong nỗ lực tìm kiếm kế sinh nhai, Yoshi quay ra làm giao dịch tài chính. Thời điểm đó, anh chỉ suy nghĩ đơn giản: “Tại sao không? Mình từng sống trong ngành tài chính mà, công việc này cũng cho phép mình ở nhà thường xuyên nữa.”
Mặc dù Yoshi có khá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực rà soát đặc biệt (due diligence), anh cũng cảm thấy rất khó khăn để kiềm chế được cảm xúc của mình trong công việc. Anh kể “Khi phải cầm tiền của chính mình tôi mới nhận ra quản lý tiền nong và đưa ra quyết định sáng suốt khó khăn đến mức nào.”
“Tôi đã mất rất nhiều tiền.”, anh thừa nhận. Sau khi làm bay sạch hơn 50.000 USD tiết kiệm, cuối cùng Yoshi cũng tìm kho báu cho chính mình. Anh chia sẻ rằng "nó chứa đựng tất cả lỗi lầm tôi từng mắc phải”.
Anh bắt đầu kiếm tiền và sống theo lịch trình của một nhân viên ngân hàng. Yoshi thức dậy từ 2h sáng để chuẩn bị cho giờ lên sàn tại Chicago, thức khuya đến khi kết thúc phiên ở New York và ngủ thiếp đi khi kiểm kê lại các giao dịch vào lúc 11h đêm.
Yoshi liên lạc lại với một người bạn là hacker mới quay lại Nhật Bản. Hai người đã chuyện với nhau về đủ thứ từ nhà cửa cho đến ý tưởng kinh doanh. “Tôi cảm thấy rất phấn khích khi người bạn của mình nghe một hiểu mười.”
Với mối quen biết với Nintendo từ người bạn này, hai người cùng thành lập AlpacaDB, công ty cung cấp dịch vụ nhận diện hình ảnh dựa trên công nghệ deep learning với Nintendo là một trong những khách hàng đầu tiên. “Khi đó cả hai chẳng biết gì về khởi nghiệp. Chúng tôi chỉ nghĩ đây là một công việc mới, một dự án mới và là một cách kiếm tiền mà thôi.” Mặc dù họ cũng có thực hiện một số công trình nghiên cứu với các tên tuổi lớn như Yahoo Nhật Bản, nhóm của Yoshi cũng phải vật lộn với việc gọi vốn.
Xin lỗi Dave, tôi e là mình không thể từ bỏ nó
Vào năm 2015, startup của Yoshi lọt vào vòng chung kết cuộc thi Slush Asia, sự kiện startup lớn nhất trong khu vực. Các nhà đầu tư đã nghi ngờ công nghệ nhận diện hình ảnh của AlpacaDB và phân vân về tính hữu dụng của nó, nhưng Yoshi nhận ra rằng trở thành đội vào chung kết cũng giúp AlpacaDB có được chút chú ý từ công chúng.
Đội ngũ AlpacaDB
Dave McClure, Chủ tịch quỹ đầu tư danh tiếng 500Startups đã gần như “giết chết” ý tưởng này khi “xoáy” Yoshi trực diện ngay trên sân khấu: “Ai rảnh mà đi xài thứ này chứ?”. Nổi tiếng với những phát ngôn thẳng thừng, Dave đã khiến Yoshi phải suy nghĩ lại tương lai của công ty.
Cuối cùng, mọi chuyện cũng thật may mắn cho Yoshi là hãng điện tử Nhật Bản Kyocera đã cho thấy Dave đã sai khi mua lại AlpacaDB vào tháng 1 năm nay.
Tìm ra nỗi đau của người dùng
Đội ngũ AlpacaDB đã nhận ra rằng vận hành doanh nghiệp chỉ xuất phát từ một công nghệ duy nhất thực sự rất khó. Chính vì vậy mà họ học cách suy nghĩ từ góc độ của người dùng. Yoshi vẫn còn nhớ những ngày vật lộn với giao dịch tài chính.
Trong suốt 3 năm làm giao dịch tài chính, Yoshi đã nghiên cứu rất nhiều biểu đồ biến động thị trường và lưu những hình ảnh này để kiểm tra lại các giả định đầu tư của mình. Anh từng tưởng tượng ra những dịch vụ như Instagram với việc cho phép người dùng thêm một bộ lọc (filter) để làm bức ảnh trông chuyên nghiệp, hấp dẫn hơn. Anh cũng nghĩ về cách một người môi giới tài chính đưa ra những thuật toán tài chính chuyên nghiệp một cách dễ dàng ra sao.
Chính vì vậy mà AlpacaDB đã giới thiệu dịch vụ mới Capitalico cho phép người dùng tìm kiếm các xu hướng tài chính bằng cách lựa chọn các điểm đỉnh, các giai đoạn hay biến động trong trong các biểu đồ về thị trường. Các thuật toán deep learnning ban đầu được phát triển cho việc scan hình ảnh giúp người dùng tìm ra những xu hướng lặp lại trong các biểu đồ. Người dùng có thể tạo ra những thuật toán và simulation (thường được sử dụng trong phân tích rủi ro tài chính) của riêng mình mà không cần đụng gì đến lập trình cả.
Đến nay, Yoshi và nhóm của mình đã gọi được 1 triệu USD vốn mạo hiểm và đang nhắm tới các thị trường cầm cố tài sản và thuật toán tài chính.
Trong khi các ứng dụng hỗ trợ giao dịch khác như eToro đang ngày càng phổ biến, từ những kinh nghiệm của mình, Yoshi hiểu rằng loại hình kinh doanh này không nên để cảm xúc chi phối. “Bạn sẽ không bao giờ biết loại tài sản nào sẽ bùng nổ một ngày nào đó bởi dù gì bạn cũng vẫn là người mà.”
Mục tiêu của Capitalico là tự động hóa các giao dịch tài chính qua công nghệ trí tuệ nhân tạo. Người dùng chỉ cần đánh dấu lại các điểm họ kiếm được lời trên biểu đồ lịch sử giao dịch, Capitalico sẽ lo hết những khâu còn lại của các phiên giao dịch. Người dùng có thể dành toàn tâm toàn ý cho các ý tưởng giao dịch thay vì phải lo những việc như bảo trì hệ thống. Capitalico cũng liên tục gửi thông báo về các cơ hội đầu tư, giao dịch về smartphone của người dùng cho dù họ đang ở bất cứ đâu.