Bộ trưởng Văn hóa Indonesia: Người nghèo hãy lấy người giàu để xóa đói giảm nghèo!

21/02/2020 14:54 PM | Xã hội

“Điều gì sẽ xảy ra nếu người nghèo kết hôn với người nghèo? Như vậy chẳng phải số hộ nghèo sẽ tăng thêm sao? Đây thực sự là một vấn đề ở Indonesia”.

Ông Muhadjir Effendy – Bộ trưởng Văn hóa và Phát triển con người của Indonesia mới đây đã đưa ra lời kêu gọi những người giàu có ở quốc gia này kết hôn với những người có thu nhập thấp để góp phần làm giảm tỷ lệ đói nghèo trên toàn quốc.

Ông Muhadjir nói rằng ở Indonesia - quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, quan niệm và những lời dạy về việc tìm kiếm một nửa môn đăng hộ đối thường bị hiểu nhầm. Ông phát biểu tại Hội nghị Công tác Y tế Quốc gia ở Jakarta ngày 19/2: "Điều gì sẽ xảy ra nếu người nghèo kết hôn với người nghèo? Như vậy chẳng phải số hộ nghèo sẽ tăng thêm sao? Đây thực sự là một vấn đề ở Indonesia".

Trích dẫn dữ liệu của chính phủ, vị cựu Bộ trưởng giáo dục và văn hóa cho biết Indonesia hiện có khoảng 5 triệu hộ nghèo. "Số lượng hộ gia đình ở Indonesia là 51,7 triệu hộ, trong đó 9,4% (tức khoảng 5 triệu hộ) được phân loại là hộ nghèo. Thậm chí nếu tính đến những hộ cận nghèo thì tỷ lệ này là 16,8% (tương đương 15 triệu hộ).

Ông nói thêm rằng nghèo đói gia tăng cũng dẫn đến sự gia tăng của bệnh tật, đặc biệt là suy dinh dưỡng. Chính vì vậy, ông đề xuất ban hành một fatwa (sắc lệnh tôn giáo từ chính quyền Hồi giáo) để tăng kết hôn chéo giữa người giàu và người nghèo để giải quyết tình trạng trên. Tất nhiên, sắc lệnh này không mang tính bắt buộc.

Ông Muhadjir đề nghị Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Fachrul Razi ban hành Fatwa rằng người nghèo nên phải tìm người giàu và người giàu nên tìm đến người nghèo để kết hôn.

Tuy nhiên, ở Indonesia, ban hành fatwa không phải là nhiệm vụ của bộ trưởng tôn giáo vì nó thường được ban hành bởi các tổ chức Hồi giáo, bao gồm Hội đồng Ulema của Indonesia (MUI) hoặc các chuyên gia tôn giáo có thẩm quyền thuộc các lĩnh vực liên quan.

Ngoài fatwa, ông Muhadjir cũng đề xuất cấp chứng chỉ tiền hôn nhân, theo đó các cặp đôi nào chưa ổn định về kinh tế nhưng vẫn muốn kết hôn sẽ bắt buộc phải có thẻ pre-employment. Thẻ này được cấp bởi một chương trình do Tổng thống Joko Widodo tổ chức, theo đó, những người có tấm thẻ này sẽ nhận được trợ cấp thất nghiệp.

Ông Muhadjir nói rằng chương trình tiền hôn nhân như vậy từng được một số quốc gia như Hàn Quốc, Malaysia và Singapore thực hiện và nếu được áp dụng tại Indonesia, nó sẽ giúp giảm tỷ lệ các gia đình nghèo mới ở nước này. Theo ông, mục tiêu là sau khi kết hôn, các cặp vợ chồng sẽ hình thành những hộ gia đình ổn định về kinh tế.

Theo báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank), khoảng 115 triệu người Indonesia (tương đương 45% dân số) vẫn chưa đạt được tình trạng kinh tế ổn định. Mặc dù vậy, World Bank cũng đánh giá Indonesia đã đạt được một số tiến bộ trong quá trình xóa đói giảm nghèo trong 15 năm qua, đưa tỷ lệ nghèo đói xuống dưới 10%. Đồng thời, tầng lớp trung lưu cũng tăng từ 7% lên 20% dân số trong giai đoạn này.

Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Joko Widodo từng phát biểu rằng mục tiêu trong tương lai của ông là biến Indonesia thành một quốc gia phát triển với tổng sản phẩm quốc nội lọt top 5 thế giới và tỷ lệ nghèo đói gần như bằng 0.

Duni

Cùng chuyên mục
XEM