Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Khi thế giới triển khai 5G, Việt Nam sẽ nằm trong số những nước đi đầu

14/11/2018 13:38 PM | Xã hội

Bộ TTTT cam kết tạo điều kiện để mọi doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu, sản xuất thiết bị viễn thông, kể cả thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối, với mục tiêu Việt Nam sẽ có một mạng viễn thông được xây bởi thiết bị Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có phần phát biểu đề dẫn tại Hội thảo Đổi mới sáng tạo Việt Nam, sáng 14/11, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ TTTT tổ chức. Nội dung của bài phát biểu tập trung vào sức mạnh và cơ hội của 5G đối với ngành viễn thông đất nước.

Nhắc lại lịch sử ngành, Bộ trưởng cho biết Việt Nam từng có giai đoạn phát triển rất nhanh, khi chỉ 3 năm sau khi thế giới xuất hiện công nghệ 2G, Việt Nam đã triển khai được. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra khi thế giới tiến lên 3G, 4G. Sự chuyển đổi của nền kinh tế 90 triệu dân bị chậm lại rất nhiều.

"Năm 2000 thế giới xuất hiện công nghệ 3G nhưng phải đến năm 2010, tức 10 năm sau ba nhà mạng lớn nhất mới triển khai. 4G cũng có câu chuyện tương tự như vậy", Bộ trưởng nói và cho biết đến năm 2018, công nghệ 4G chưa được cấp tần số.

Chính vì đi sau cũng như thiếu nhân tố cạnh tranh, viễn thông Việt Nam hiện đứng vị trí 100, thay vì 20 như thời điểm triển khai rất nhanh mạng 2G.

"Mật độ thuê bao băng rộng xếp thứ 115/193, tức dưới trung bình của thế giới", ông Hùng nói thêm.

Trong bối cảnh đó, công nghệ 5G đang tới. Điều này được Bộ trưởng TTTT nhìn nhận là cơ hội để đất nước thay đổi thứ hạng. Nhưng muốn thay đổi, ông nhấn mạnh Việt Nam cần phải đi đầu.

"Nếu chưa đi đầu được trên toàn quốc thì phải đi đầu tại Hà Nội, TP. HCM", ông nhấn mạnh.

Theo ông, Bộ TTTT chủ trương cấp tần số từ năm 2019 để thử nghiệm công nghệ 5G. Như vậy, đến năm 2020, khi thế giới triển khai 5G, Việt Nam sẽ là nước đi đầu.

Thiết bị 2G, 3G được sử dụng hiện nay là 100% nhập ngoại còn thiết bị 4G lần đầu tiên đã có hàng "made in Vietnam", theo ông Hùng. Dù vậy, thời gian để có thiết bị 4G là khá lâu, mất 8 năm. Đói với thiết bị cho 5G, ông cho biết sẽ có "hàng Việt" ngay từ ngày đầu khi chạy chính thức vào năm 2020.

"Đây là sự thay đổi lớn nhất, ý nghĩa nhất trong việc chuyển đổi về chất lớn nhất của ngành công nghiệp điện tử viễn thông", Bộ trưởng nhận định.

Bộ TTTT khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện để mọi doanh nghiệp công nghệ nghiên cứu sản xuất thiết bị viễn thông, bao gồm thiết bị mạng và đầu cuối để lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có một mạng viễn thông được xây bởi thiết bị Việt Nam.

Việt Nam cũng phải là nước thứ 5 trên thế giới xuất khẩu được những thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối.

"Công nghệ 5G tạo ra cuộc cách mạng về kết nối vạn vật, đặt trách nhiệm lên vai của ngành ITC Việt Nam", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh.

Ông cho rằng Việt Nam muốn đi đầu trong làn sóng 4.0 thì mạng 5G phải đi đầu. Theo đó, mạng lưới, hạ tầng cần phải có trước, đầu tư trước, kinh doanh sau... phải trở thành triết lý kinh doanh của các nhà mạng.

"Mạng của Việt Nam phải vào loại tốt nhất thế giới", Bộ trưởng đặt mục tiêu.

Bên cạnh đó, không chỉ là cơ hội kết nối, Việt Nam còn phải coi mình là cái nôi để phát triển công nghệ sản phẩm để từ đây chinh phục thế giới. Đây vừa là cơ hội, vừa là trách nhiệm, theo Bộ trưởng Hùng.

Chính sách viễn thông, theo những mục tiêu này, phải đi đầu để thu hút con người, công nghệ, sản phẩm của thế giới về Việt Nam. "Vì thế Việt Nam sẽ là trung tâm của thế giới", ông nói và cho biết Chính phủ đã giao Bộ TTTT hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới xây dựng trung tâm chính sách để hiện thực hoá các mục tiêu lớn của đất nước.

Theo N Dương

Cùng chuyên mục
XEM